Người dân vật lộn với cơm áo gạo tiền, thuế TNCN cần phải sửa đổi gấp

PHẠM DUY/VTC News,
Chia sẻ

Việc thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh 7 tháng vừa qua làm dấy lên những kiến nghị giảm thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh để hỗ trợ người dân giữa thời "bão giá".

Trả lời VTC News, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã rất lạc hậu và bất cập, nếu không sửa đổi toàn diện ngay bây giờ mà cứ chậm chạp, chần chừ thì số thu của sắc thuế này sẽ tiếp tục tăng lên, đồng thời tạo gánh nặng cho người nộp thuế giữa lúc phải xoay xở với vật giá leo thang. 

Xa hơn nữa, tình trạng này làm tiêu hao nguồn lực đất nước, không thể khơi thông được năng suất lao động của người dân.

Người dân vật lộn với cơm áo gạo tiền, thuế TNCN cần phải sửa đổi gấp - Ảnh 1.

Đồ họa: Thành Lâm

TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét, việc đánh thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh của chúng ta đang có nhiều bất cập. Do vấn đề an sinh xã hội chưa tốt nên những người đi làm vừa phải nuôi con nhỏ, vừa phải nuôi bố mẹ già.

“Một người già như mẹ tôi lương hưu chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi nếu vào viện dưỡng lão thì phải nộp 15 triệu đồng/tháng. Còn một trẻ em đi học cấp 1 ngoài tiền ăn thì các chi phí khác cũng phải tối thiểu 5 triệu đồng mới đảm bảo. Đặt câu chuyện này cạnh những bất cập của chính sách thuế TNCN hiện nay để thấy được gánh nặng của người lao động”, TS Nguyễn Hồng Minh nêu vấn đề.

Do không giảm thuế suất, không nâng mức giảm trừ gia cảnh nên số thu ngân sách Nhà nước từ thuế TNCN liên tục tăng. Với một nước mà người dân có thu nhập trung bình thấp nhưng hiện tại sắc thuế này đóng góp 9,8% tổng số thu ngân sách Nhà nước thì đó là điều chưa hợp lý.

Sau 2 năm “sống chung với đại dịch”, thu nhập của phần lớn người dân bị giảm so với năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế trở lại bình thường, thu nhập dù được cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ lạm phát, thu nhập thực tế còn giảm sâu hơn, do đó, mức giảm trừ gia cảnh và mức thuế TNCN cần được điều chỉnh.

“Nếu người dân làm vất vả mà phải đóng thuế nhiều thì không kích thích được họ tích cực lao động, gia tăng thu nhập và sẽ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội”, TS Minh nói.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức đánh thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh đã áp dụng nhiều năm nên không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Ông Lâm phân tích, chỉ số giá CPI tăng mạnh khiến thu nhập và mức tăng lương tối thiểu vừa qua cũng không theo kịp, trong khi mức thuế phải nộp lại tăng theo lương.

“Mặc dù chúng ta đã vài lần điều chỉnh tăng lương nhưng nếu áp dụng trong thời gian dài 10 năm thì vẫn không đủ bù đắp mức tăng của vật giá”, ông Lâm nhấn mạnh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cũng cho rằng, trong 10 năm qua, mức thu nhập của người dân có tăng lên nhưng đời sống, thu nhập thực tế về cơ bản tăng không đáng kể do mức độ tăng giá và lạm phát rất lớn. 

Chẳng hạn, một mớ rau muống cách đây 10 năm chỉ có giá 1.000 đồng, nay có giá bán từ 7.000 - 10.000 đồng, các loại thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ cũng tăng lên rất cao. Do vậy, mức đánh thuế TNCN như hiện nay đã làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Người dân vật lộn với cơm áo gạo tiền, thuế TNCN cần phải sửa đổi gấp - Ảnh 2.

Các chuyên gia nhận định, thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời, cần chỉnh sửa gấp để hỗ trợ người dân. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Thu nhập bao nhiêu mới nên đóng thuế?

Hiện nay, cách tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5 - 10 triệu đồng: 10%; mức 10 - 18 triệu đồng: 15%; mức 18 - 32 triệu đồng: 20%; mức 32 - 52 triệu đồng: 25%; mức 52 - 80 triệu đồng: 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên: 35%.

“Theo tôi, phải nâng mức thu nhập lên 18 - 20 triệu đồng mới đóng thuế TNCN, đồng thời nên giảm mức thuế xuống khoảng 5% nếu thu nhập đạt 21 - 30 triệu; 10%: từ 31 - 40 triệu và 15% từ 51 triệu đồng trở lên để kích thích người lao động làm việc và tái kinh doanh, đầu tư”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

“Nếu nâng mức thu nhập phải đóng thuế lên thì sẽ khoan thư sức dân, kích thích người dân tái đầu tư, tăng cường lao động và họ không phải sống theo kiểu ăn đong, bằng lòng với mức thu nhập thấp để hạn chế việc phải đóng thuế nhiều. Thu nhập của người dân càng cao thì đời sống càng cao, kinh tế đất nước càng phát triển”, ông Thịnh phân tích thêm.

Ông Lâm cũng đồng tình và cho rằng, việc đóng thuế TNCN là chính sách cần thiết để Nhà nước có nguồn thu, tuy nhiên, mức thuế và mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp. Do vậy, các cơ quan chức năng cần bám sát đời sống thực tế của người dân để nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp.

TS Nguyễn Hồng Minh cũng nhấn mạnh, mức thu nhập 11 - 12 triệu đồng/tháng hiện nay mới chỉ đảm bảo chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu chứ không phải là thu nhập cao, trong khi việc đánh thuế về bản chất là đánh vào người có thu nhập. Việc điều chỉnh chỉ mới căn cứ vào lạm phát ở mức 4-6%/năm, nếu lạm phát vượt mức 20% mới được điều chỉnh, điều này là chưa hợp lý.

"Theo tôi, chúng ta phải điều chỉnh theo mức sống chứ không chỉ căn cứ vào chỉ số lạm phát. Hiện nay, người lao động phải có thu nhập từ 18 - 20 triệu mới nên đánh thuế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng phải tăng lên từ 6,5 triệu đồng. Đồng thời, cũng cần mỗi năm điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân một lần để theo kịp thời đại”, TS Nguyễn Hồng Minh đề xuất.

Trong báo cáo thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết tổng thu ngân sách đã đạt 1,0935 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 77,5% dự toán năm.

Chia sẻ