Ồ ạt rút BHXH một lần: Lương không đủ sống thì sức đâu mà chờ tới 60 hay 62 tuổi

An Chi,
Chia sẻ

Theo số đông bạn đọc Báo Người Lao Động, Bộ LĐ-TB-XH nên tính toán thật kỹ các nhóm chính sách để làm sao khi người lao động đóng đủ năm thì lương hưu phải đủ sống khi về già, thấp nhất cũng phải bằng lương tối thiểu vùng.

Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. 

Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có nhiều bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Cái người lao động cần thì không sửa" và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Bạn đọc Thịnh Vũ bày tỏ: "Tiêu đề bài viết 100% đã đúng với suy nghĩ và mong muốn của người lao động, thật sự cảm ơn tác giả bài viết và ban biên tập đã đồng hành cùng người lao động". 

Tương tự, bạn đọc Đỗ Cửu nhận xét: "Chỉ có Báo Người Lao Động mới dám nhìn thẳng nhìn vào vấn đề chính là cần giảm tuổi hưởng bảo hiểm chứ không cần giảm số năm đóng. Không hổ thẹn tờ báo của người lao động.". 

Theo bạn đọc Nguyễn Hảo, rõ ràng Bộ LĐ-TB-XH né tránh vấn đề đang nóng về tuổi nghỉ hưu mà NLĐ đang đề cập. Thiết nghĩ không rút BHXH 1 lần mới là chuyện lạ". 

Tương tự, một bạn đọc tên Hùng bức xúc: "Bộ LĐ-TB-XH càng né tránh vấn đề giảm tuổi nghỉ hưu, thì càng mất niềm tin của người lao động, càng bất ổn trong tâm lý người lao động vì sự mập mờ trong các quy định. Nên nhớ, đó là tiền mồ hôi, nước mắt và máu của người lao động nghèo".

Bạn đọc Nguyễn Thị Sơn ấm ức "Đúng là cái cần sửa thì không sửa. Chính sách phải đi từ thực tế, quy định tuổi nghỉ hưu quá dài. Nữ đến 45 tuổi làm ở doanh nghiệp ngoài mấy ai còn thuê, vậy mà chờ đến 15 năm sau mới được hưởng chính sách thì 15 năm ấy còn có sức khỏe để kiếm tiền lo trang trải cuộc sống không". 

Bạn đọc Trần Duy Linh phân tích: "Việc tăng tuổi nghiỉ hưu nam 62 nữ 60 tuổi có lộ trình tăng dần cứ mỗi năm tăng 3 tháng bắt đầu từ năm 2021 cho đến khi đủ nam 62 nữ 60 mà đã xảy hiện tượng ồ ạt rút BHXH bất chấp việc vận động không ai muốn nghe của Cơ quan bảo hiểm. Chắc chắn rằng hiện tượng ồ ạt rút BHXH sẽ tiếp diễn làm đau đầu người xây dựng chính sách nếu không lắng nghe ý kiến người dân

Từ thực tiễn cuộc sống, bạn đọc Phạm Thủy đặt câu hỏi khá gay gắt: "Lao động chân tay, đặc biệt với ngành da giày, may mặc thì liệu có làm đc đến năm 60 tuổi không, cho nên theo tôi giảm tuổi nghỉ hưu là giải pháp tốt nhất". 

Tương tự, bạn đọc Kiều Mạnh Bảo thẳng thắn góp ý: "Tính bình quân từ đầu đến cuối kỳ đóng để tính lương hưu là thua thiệt cho người đóng BHXH. Phải tính lại bình quân 6 tháng cuối kỳ như trước đây mới đúng vì hồi đầu tiên đóng ít tiền nhưng giá trị đồng tiền so với vàng lúc đó chỉ mấy trăm ngàn đồng một chỉ giờ nói đóng cao hơn nhưng vàng lại là mấy triệu đồng rồi thì hỏi trả thêm vài ba phần trăm trượt giá không thể chấp nhận được, tính như vậy lương hưu không đủ sống?". 

Cùng góc nhìn, bạn đọc Phạm Ngọc Thoan viết: "Lương hưu NLĐ ngoài quốc doanh không được tính trượt giá khi nghỉ hưu nên rất thấp khi nghỉ hưu và đóng càng lâu thì lương càng thấp, đây là bất cập và không công bằng với NLĐ". 

Với số đông bạn đọc, bài viết hay và chính xác, nên quy định thời gian đóng 10, 15, 20 năm là đạt mức hưởng lương hưu theo tỷ lệ % tương ứng, không nên quy định bắt buộc tuổi nghỉ hưu. vì người lao động 40 mấy tuổi trở lên là nhiều công ty đã không muốn nhận rồi.

Ồ ạt rút BHXH một lần: Lương không đủ sống thì sức đâu mà chờ tới 60 hay 62 tuổi - Ảnh 1.

Theo bạn đọc Đình Duy, các ý kiến phản biện trên Báo NLĐO rất hay, rất xây dựng. Trên tinh thần đó, bạn đọc này cho rằng đề xuất đóng thời gian dài, đóng nhiều hưởng nhiều là rất đúng, không quy định tuổi nghỉ hưu cũng phù hợp nữa. 

"Nhưng phải tính đến khả năng chi trả của quỹ hưu, khi anh nghỉ sớm thì thời gian lãnh hưu của anh dài, ví dụ, anh hưởng từ năm 45 tuổi, mãi đến 80 anh mới chết, hưởng 35 năm lương hưu thì có khi dài hơn thời gian anh đóng, quỹ nào chịu cho thấu. Nên nếu nghỉ sớm thì anh phải chịu lương hưu thấp thôi, ví dụ, thay vì 75% thì chỉ 50% tiền lương bình quân thôi. Thế mới công bằng" - bạn đọc này nói. 

Theo bạn đọc Nguyễn Đình Đạo, cứ sửa tuổi nghỉ hưu như cũ là hợp lý. Phụ nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu là cô giáo mầm non, lao động trực tiếp các nhà máy, công xưởng ... thì có hợp lý không. Luật không phù hợp thì phải sửa.

Ồ ạt rút BHXH một lần: Lương không đủ sống thì sức đâu mà chờ tới 60 hay 62 tuổi - Ảnh 2.

Một số bạn đọc cho rằng Bộ LĐ-TB-XH nên công bố 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm sắp tới để NLĐ được biết và đóng góp ý kiến, đồng thời đề nghị Bộ này xem xét 2 vấn đề sau:

1.Tuổi nghỉ hưu quá cao NLĐ không với tới, nên hạ xuống như trước đây là phù hợp. 

2.Trước đây chỉ có công chức nhà nước, công an, quân đội được nhận lương hưu, trong 5 năm trở lại đây NLĐ khối tư nhân đến tuổi nghỉ hưu nhiều hơn và đã được nhận lương hưu, tuy nhiên lương hưu khối này quá thấp không đảm bảo cuộc sống. 

Từ 2 lý do trên NLĐ nhận thấy tuổi hưu quá cao khó với tới nhưng nếu có với tới thì lương hưu được hưởng không đáng là bao, không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cũng phải nương nhờ vào con cháu hoặc ráng làm thêm mới đủ sống qua ngày. 

"Đề nghị Bộ LĐ-TB-XH tính toán thật kỹ các nhóm chính sách để làm sao khi NLĐ đóng đủ năm thì lương hưu phải đủ sống khi về già, thấp nhất cũng phải bằng lương tối thiểu vùng, có như vậy NLĐ mới an tâm tham gia BHXH, lúc đó BHXH mới thực sự là chỗ dựa vững chắc của NLĐ khi về già" – bạn đọc tên Tường bày tỏ.

Bỏ quy định nghỉ trước tuổi thì bị trừ 2%

Bạn đọc Báo Người Lao Động thiết tha đề nghị Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu các vấn đề sau:

1. Quy định 60 hay 62 tuổi nghỉ hưu chỉ nên với đối tượng làm nhà nước việc làm ổn định. Còn đối tượng không làm trong nhà nước thì không nên quy định số tuổi nghỉ hưu.

2. Nghiên cứu thiết kế một định mức đóng hưởng, thời gian đóng hưởng theo hướng đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

3. Trả lương hưu cho người lao động khi đã đóng đủ BHXH để có lương hưu theo nhu cầu hưởng lương hưu của người lao động với tiêu chí đóng bao nhiêu năm hưởng bấy nhiêu năm.

4. Khi người lao động tử vong mà chưa lĩnh hết lương theo số năm đã đóng thì BHXH phải chi trả hết phần còn lại từng tháng hay 1 lần theo nguyện vọng người thân của người lao động đã tử vong vì tiền này là mồ hôi công sức của người lao động đóng vào không thể chết là xong.

5. Có một hệ số khuyến khích khi người lao động đóng BHXH trên 30 năm được thêm bao nhiêu % lương hưu chẳng hạn.

6. Bỏ quy định nghỉ trước tuổi thì bị trừ 2% vì nó quá là vô lý khi mà đóng 20 năm được 45% nhưng nghỉ trước 20 năm bị trừ 40% vậy còn gì là lương hưu.

7. Mức lương hưu thấp nhất cũng phải bằng mức sống tối thiểu vùng mà người lao động đó sinh sống.

Chia sẻ