Người dân thản nhiên "ăn ở trên rác" tại rạch Xuyên Tâm, nơi được cho là ô nhiễm nhất Sài Gòn
Gần 20 năm nay, người dân ở hai bên rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang phải sống trong cảnh rác thải ngập ngụa quanh nhà, mùi hôi thối nồng nặc vì con rạch này đang trở thành bãi rác "bất đắc dĩ" cho cả khu dân cư.
Rạch Xuyên Tâm dài 6,2 km là con rạch nối từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận Bình Thạnh) đến sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp), nhiều năm nay người dân hai bên rạch đang phải sống trong cảnh ngập ngụa rác thải và mùi hôi thối.
Gần 20 năm nay, hàng nghìn hộ dân sống xung quanh con rạch đang phải ăn chung, sống chung với mùi hôi thối từ nước thải và các loại rác.
Rạch Xuyên Tâm được cho là nơi ô nhiễm nhất thành phố trong nhiều năm gần đây bởi rác thải.
Trước đây, TP.HCM đã có chủ trương cải tạo lại con rạch được cho là "nơi ô nhiễm nhất thành phố" này. Năm 2002, UBND TP.HCM phê duyệt dự án với tổng vốn khoảng 123 tỷ đồng, nhưng đến năm 2017, số vốn dự kiến tăng lên 8.600 tỷ đồng.
Sau 17 năm phê duyệt dự án, hiện đã đội vốn cao lên gấp 70 lần so với dự kiến trước đó, tuy nhiên ngày khởi công vẫn chưa được ấn định.
Mỗi ngày có khoảng 40.000 m3 nước thải của người dân quận Bình Thạnh đổ ra rạch Xuyên Tâm.
Theo ghi nhận của PV, dọc các tuyến rạch này hình ảnh rác thải, túi nylon tràn ngập từ trên bờ xuống tới lòng rạch. Mặt nước đen kịt, bốc mùi hôi thối cùng nhiều rác thải nổi lềnh bềnh, ruồi, muỗi, chuột… khiến đời sống của người dân sống xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hai bên con rạch này hiện có khoảng hơn 1.600 hộ dân sinh sống, phần lớn những người sống hai bên rạch là dân lao động nghèo, thuê trọ sống tạm bợ trong những căn nhà "ổ chuột" lụp xụp, bấu víu vào hai bên bờ rạch.
"Tôi sống ở đây từ năm 1954, trước kia nước rạch trong vắt. Còn giờ thì triều lên hay rút thì con rạch lúc nào cũng đầy rác, nước đen ngòm quanh năm, hiếm khi thấy có người dọn dẹp", ông Quang (76 tuổi, quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Huy Hùng (54 tuổi, quận Bình Thạnh), rác thải chất đống và trải dài hai bên dòng kênh khiến các hộ dân sống quanh đây chẳng còn cách nào khác là hàng ngày phải đóng chặt cửa để hạn chế mùi hôi thối.
"Trước đây vẫn có xuồng đi vớt rác, nạo vét rác dưới lòng kênh nhưng gần đây không thấy nữa, rác thải cứ thế tồn đọng gây ô nhiễm. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp để cải tạo lại con rạch này, để người dân có một môi trường sống sạch đẹp hơn", bà Hòa nói.
Đủ các loại rác thải sinh hoạt của người dân nổi lềnh bềnh khắp con rạch.
Rác thải ở khu vực này chủ yếu là do người dân hai bên bờ rạch thải ra, lâu dần chất thành đống.
Rác thải chất thành đống, bốc mùi hôi thối bên dưới những căn nhà trọ, tuy nhiên người dân vẫn vô tư "ngồi trên đống rác".
Một đường rãnh ở con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ là nơi xả nước thải trực tiếp ra rạch Xuyên Tâm. Nước đen ngòm cùng với đủ loại rác khiến khu vực càng trở nên ô nhiễm.
Rác thải chất thành đống lộ thiên, nổi lềnh bềnh dưới dòng nước đen ngòm quanh khu dân cư.
Đây cũng là nơi sản sinh ra những loại côn trùng như ruồi, muỗi hay chuột, là những loài có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân.
Nhiều người cho rằng đây chính là nơi "ô nhiễm nhất thành phố".
Theo nhiều người sống lâu năm ở khu vực này, rạch Xuyên Tâm trước kia nước rất sạch, tuy nhiên người dân tới ở đông đúc dần cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải.
Rác sinh hoạt hàng ngày của hàng ngàn hộ dân sống trong những dãy nhà lụp xụp này đều xả, vứt thẳng xuống rạch.
Vừa qua, ngày 29/7, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc để triển khai các dự án nạo vét, cải tạo kênh rạch, khơi thông dòng chảy trên địa bàn.
Các đơn vị thực hiện cần sớm xây dựng phương án giải phóng mặt bằng đối với những khu vực có dự án trọng điểm như cải tạo Rạch Xuyên Tâm, kênh 19/5, Tham Lương - Bến Cát.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường công cộng tại địa phương. Đồng thời duy trì các mô hình, giải pháp đã thực hiện có hiệu quả trong việc ngăn chặn nguồn xả thải xuống kênh rạch trên toàn thành phố.