Người đàn ông phát hiện mắc ung thư phổi sau khi có 4 dấu hiệu bất thường
Ngày 30/5, Bệnh viện Bạch Mai vừa thông tin về một trường hợp bệnh nhân ung thư phổi di căn điều trị tại bệnh viện.
Cụ thể, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây là trường hợp mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ có di căn gan.
Trước khi vào viện 2 tuần, nam bệnh nhân Đ.T.V (44 tuổi) xuất hiện đau tức ngực trái âm ỉ, khó thở tăng dần, mệt mỏi, gầy sút 4kg.
Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Phổi trung ương, phát hiện u phổi phải, được nội soi phế quản sinh thiết, cho kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô tuyến. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện khó thở nhiều, đau tức ngực, được kiểm tra đánh giá phát hiện tràn dịch màng tim số lượng nhiều.
"Bệnh nhân nhập viện Bạch Mai và được dẫn lưu dịch màng ngoài tim. Chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy rốn phổi phải có đám thâm nhiễm kích thước 28x32mm, ranh giới không rõ, gây hẹp lòng và cắt cụt một số nhánh phế quản thùy dưới. Thùy trên phổi phải có nhiều nốt đặc, đám mờ kích thước lớn nhất 14x8mm. Dịch màng phổi hai bên dày 28-30mm. Dịch màng ngoài tim dày 6mm. Thâm nhiễm mỡ lan tỏa trung thất, hạch trung thất kích thước lớn nhất 13x8mm", PGS. Phương cho hay.
Sau đó bệnh nhân được chuyển Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị tiếp.
Bệnh nhân được chỉ định điều trị hóa trị kết hợp Pembrolizumab. Sau 6 kỳ hóa chất, u phổi giảm kích thước, hạch trung thất không còn, chất chỉ điểm khối u CEA, Cyfra 21-1 giảm về giới hạn bình thường, tổn thương di căn gan các nốt nhu mô gan giảm bớt. Bệnh nhân không gặp tác dụng phụ đáng kể nào trong quá trình điều trị.
PGS Phương cho biết: "Theo GLOBOCAN 2020, ung thư phổi là bệnh lý ác tính rất phổ biến, đứng thứ 2 về số ca mắc mới và là bệnh ung thư có tỷ lệ di căn não cao nhất hiện nay. Mỗi năm trên thế giới có 2,206 triệu người mắc ung thư phổi và tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ nhất với 1,796 triệu ca. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 cả về tỷ lệ mắc mới với 226.262 người và tỷ lệ tử vong với 25.272 người".
Phòng tránh ung thư phổi
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi chủ yếu là do hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điếu. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất ung thư.
Tuy nhiên, ung thư phổi vẫn có thể xuất hiện ở bệnh nhân không hút thuốc do nguyên nhân kết hợp yếu tố di truyền, amiăng, không khí ô nhiễm, khí radon…
Để phòng tránh ung thư phổi, các bác sĩ khuyến cáo:
- Hạn chế hút thuốc lá (cả chủ động và thụ động)
- Hạn chế tiếp xúc môi trường không khí bị ô nhiễm
- Có chế độ ăn hợp lý, lành mạnh với nhiều trái cây và rau, tránh dùng vitamin liều cao dưới dạng thuốc viên khi không có chỉ dẫn của bác sĩ
- Tập thể dục điều độ: Cần tập luyện vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc thể dục gắng sức ít nhất 75 phút mỗi tuần. Có thể kết hợp vận động vừa phải và gắng sức, nên bắt đầu từ từ và dần dần thêm nhiều hoạt động khác. Đi xe đạp, bơi lội và đi bộ là những lựa chọn tốt.
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt người có yếu tố nguy cơ cao.