Từ vụ người đàn ông nằm lăn lộn giữa đường xin cảnh sát giam mình, hội phụ huynh tranh cãi: Thế này sao dạy được con?
Hình ảnh của người đàn ông khiến cư dân mạng chia làm 2 luồng ý kiến.
Những ngày qua, hình ảnh người cha ở Trung Quốc cầu xin cảnh sát bắt vì con gái anh không thể giải một bài toán gây xôn xao mạng xã hội. Người cha họ Gao nói với một sĩ quan cảnh sát: "Con gái tôi lấy 800 trừ 700. Con bé nói kết quả là 900". Gao cho biết anh "rất tức giận và bất lực" nên không muốn về nhà. Viên chức cảnh sát được cho là đã thuyết phục anh ta về nhà sau khi đỡ anh ta dậy và đưa anh ta đến một lối đi bộ gần đó.
Hình ảnh hài hước như "đánh" vào nỗi đau khổ của những phụ huynh đang có con học tiểu học, nhiều người đồng cảm với người bố, bình luận động viên, an ủi anh. Quả thực, chỉ những ai đang "vò đầu bứt tóc", "tự trói tay", "chui đầu vào tủ lạnh" mỗi khi dạy con học bài thì mới hiểu được cảm giác bất lực này.
Tháng trước, một ông bố ở Hồ Nam sái khớp hàm và phải nhập viện do quá tức giận trong lúc dạy con học. Tháng 4, một ông bố khác cũng ở Hồ Nam bị gãy xương tay ngón út vì đấm mạnh xuống bàn do con nhiều ngày không làm bài. Tháng 10/2020, một người đàn ông ở Trung Quốc lên cơn đau tim và ngất xỉu trong lúc giảng bài cho con trai học lớp 3.
Trên các diễn đàn, chủ đề kèm con học luôn rôm rả, bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười khi chia sẻ luôn nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ những vị phụ huynh khác. Tất nhiên con trẻ cũng khổ sở chẳng kém. Có đứa khóc thét, đứa lại run lẩy bẩy, mồ hôi đổ nhễ nhại mỗi giờ học bài buổi tối. Việc học cứ ngỡ tốt cho con nay lại thành ra gánh nặng. Bố mẹ thì mệt mà con lại sợ kinh hồn vía.
Không đồng tình với cách ứng xử của người cha
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều phụ huynh nhận định, cách hành xử của ông bố là không phù hợp, có thể để lại hình ảnh xấu cho con gái, khiến bản thân trẻ trở nên e ngại với chính bố mẹ và xã hội, chứ không khiến nó học tốt hơn. Một người trên Weibo viết: "Tôi chắc chắn đây là con gái ruột của anh ta rồi. Có thể thấy chỉ số IQ của anh ta cũng chả cao mấy"; "Tôi đề nghị anh ấy nên đến khám tại bệnh viện để chữa trầm cảm".
Người khác cho biết, mình không đồng ý với cách ứng xử này bởi suy cho cùng, chính vì xem học hành là để thoát nghèo, để kiếm tiền, để làm quan, để được hơn người khác... nên các thế hệ cha mẹ tạo ra áp lực về mặt điểm số/thành tích với thế hệ con cái.
"Còn nếu cha mẹ ý thức được rằng, học hành bản thân nó đơn giản là hành trình đi tìm vẻ đẹp kiến thức, thì không có lý do gì để "ép" con cái phải học thật xuất chúng, hay đơn giản chỉ là điểm cao cả. Trong 10 môn học mà một đứa trẻ học, nó có thể đạt điểm tối đa ở môn A, nhưng chỉ đạt điểm trung bình môn B, thậm chí điểm zero ở môn C, chuyện đó là bình thường. Đó không phải vấn đề. Ví dụ cô con gái người đàn ông trong hình, biết đâu cô ấy lại giỏi văn thể mỹ, giỏi nghệ thuật thì sao? Không ai đánh giá 1 con cá qua khả năng leo cây của nó cả.
Nhưng rất tiếc là người ta không nhận ra điều này. Người ta luôn Auto-Pilot trong mọi chuyện. Cộng thêm áp lực gia tăng từ phân hóa giàu - nghèo càng ngày càng khiến cái SỰ HỌC không còn là một niềm vui, mà chỉ còn là sự đày ải cho người học - cụ thể ở đây là trường hợp trong ảnh", người này chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến phản biện, cộng trừ nhân chia cơ bản là kỹ năng sống cần có: "Thà kêu nó giải Toán Tý thực nghiệm bằng tay không được rồi ông bố ra đường nằm thì mới dùng cái lý luận "cá tập leo cây". Nếu đứa trẻ giỏi Văn, Mỹ, Thể nhưng sau này không biết các phép Toán đơn giản thì chả lẽ là bị lừa, tốn chất xám sao? Mình thấy ông bố ở đây chỉ quá bất lực vì sự cố chấp của đứa con, việc người bố không dùng đòn roi đánh đập cũng đủ thể hiện là ông ấy không đặt áp lực học giỏi, như vậy cũng đáng khen ngợi rồi".
Hiện câu chuyện vẫn gây tranh cãi trên mạng xã hội.