Người đàn ông mua nhà 7 năm phát hiện chủ cũ vẫn "sống nhờ", khẳng định "không bán căn phòng này": Toà án có phán quyết bất ngờ
Người đàn ông Trung Quốc bất ngờ phát hiện chủ cũ vẫn ở trong nhà mình suốt 7 năm, đề nghị trả thêm tiền cũng không chịu chuyển đi.
Năm 2014, vợ chồng Vương Đông Đông chi 2 triệu NDT (khoảng 7 tỷ đồng) để mua một căn nhà cũ tại Nam Kinh, Trung Quốc, một mức giá khá "hời" nên anh Vương cảm thấy rất hài lòng. Thời điểm mới chuyển vào, họ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng động kỳ lạ trong nhà nhưng nghĩ tiếng do nhà hàng xóm nên họ không quá để tâm.
Đến đầu năm 2021, những âm thanh như tiếng máy khoan điện, máy hàn vang lên dưới lòng đất ngày càng rõ ràng hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2 vợ chồng. Nghi ngờ căn nhà có vấn đề, Vương Đông Đông liên lạc với người môi giới từng bán bất động sản cho mình để tìm hiểu nguyên nhân.
Người môi giới nhanh chóng nhận thấy âm thanh khoan đục kỳ lạ có thể phát ra từ tầng hầm của ngôi nhà. "Tôi đã sống ở đây 7 năm, đây là lần đầu tiên tôi biết nhà này có tầng hầm", Vương Đông Đông nói.
Anh Vương và người môi giới tìm cách xuống tầng hầm, bàng hoàng khi phát hiện người chủ cũ Triệu Quang Sinh vẫn sống ở đây. Đây là nơi ông "chế tạo", nghiên cứu máy móc cơ khí sau khi tan làm. Khi Triệu Giang Sinh nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian cho niềm "đam mê" gia công kim loại trong tầng hầm nên những tiếng động này phát ra thường xuyên hơn.
Trên thực tế, thời điểm bán nhà cho Vương Đông Đông, ông Triệu đã cố tình giấu việc ngôi nhà có tầng hầm. "Tôi bán nhà, không bán tầng hầm. Nếu tính cả tầng hầm thì không bao giờ có chuyện anh mua căn nhà này với giá 2 triệu NDT", Triệu Giang Sinh nói.
Người môi giới bất động sản tìm cách hoà giải, đề xuất anh Vương trả thêm tiền để mua lại căn tầng hầm nhưng người chủ cũ không đồng ý. Vương Đông Đông cũng cảm thấy bất bình: "Tại sao tôi phải bỏ tiền ra mua thứ đáng lẽ phải thuộc về mình? Như thế này không phải tôi bị lừa sao?
Không thể thuyết phục Triệu Giang Sinh chuyển ra khỏi căn hầm, Vương Đông Đông nộp đơn kiện người chủ cũ. Anh khẳng định căn hầm là một phần của căn nhà anh đã mua, chủ cũ đang cư trú bất hợp pháp. Trong khi đó Triệu Quang Sinh cho biết hợp đồng mua bán không đề cập đến tầng hầm, vậy nên 2 bên cần tôn trọng hợp đồng.
Phiên toà sơ thẩm bác yêu cầu của Vương Đông Đông với lý do không xác định được quyền sở hữu tầng hầm và hợp đồng cũng không ghi rõ việc bán nhà có căn hầm. Anh Vương lập tức kháng cáo. Tại phiên toà phúc thẩm, Toà án kết luận tầng hầm là một phần của công trình, Triệu Quang Sinh đã bán căn nhà cho Vương Đông Đông và không còn là chủ sở hữu nữa. Chình vì vậy chủ cũ không có quyền chiếm giữ và sử dụng tầng hầm.
Hai bên đạt thoả thuận Vương Đông Đông sẽ trả thêm một phần tiền cho Triệu Quang Sinh dựa trên giá nhà trung bình có căn hầm tại Nam Kinh (Trung Quốc) ở thời điểm mua.
Thẩm phán nhắc nhở người mua nhà cũ cần tìm hiểu chi tiết về tình trạng tổng thể của ngôi nhà, các công trình phụ trợ cũng như điều khoản trong hợp đồng mua bán để tránh tranh chấp sau này. Tại Trung Quốc, nhiều vụ kiện tranh chấp liên quan đến chủ mới – chủ cũ có nguyên nhân xuất phát từ hợp đồng không rõ ràng.
Hầu hết cư dân mạng cho rằng tầng hầm là một phần của căn nhà, đã bán nhà cho chủ mới có nghĩa chủ cũ không được quyền sở hữu. Hành động của Triệu Quang Sinh bị đánh giá là thiếu trung thực khi cố tình giấu người chủ mới về căn hầm, đồng thời tự ý sử dụng suốt nhiều năm gây nhiều rắc rối cho gia đình chủ mới Vương Đông Đông.