Người đàn ông mất ngủ suốt 32 năm vì bị sếp mắng oan
Sau một lần bị cấp trên đổ lỗi một cách bất công, người đàn ông rơi vào trạng thái buồn bực, uất ức và bị mất ngủ suốt nhiều năm.
Gần đây, người đàn ông họ Wang ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đến bệnh viện khám vì chứng mất ngủ kéo dài.
Ông cho rằng tình trạng của mình bắt nguồn từ một sự việc xảy ra cách đây 32 năm khi ông bị sếp đổ lỗi một cách vô cớ.
"Đó không phải lỗi của tôi, nhưng ông chủ vẫn phạt tôi. Tôi luôn cảm thấy buồn về chuyện đó. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần tôi. Kể từ sau vụ việc, tôi phải dùng thuốc để ngủ được, trí nhớ kém đi và tôi hay bị chóng mặt, đau đầu", ông Wang kể. Chi tiết cụ thể về vụ việc và công việc của ông Wang chưa được tiết lộ.
Theo SCMP, suốt nhiều năm, ông Wang đã đến 6 bệnh viện trên khắp Trung Quốc để chữa trị nhưng tình trạng không mấy cải thiện. Cuối cùng, ông tìm đến liệu pháp châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam.
Bác sĩ Niu Chaoyang đã châm cứu vào nhiều huyệt đạo trên đầu ông Wang, nhận định rằng nhiều năm mất ngủ và phiền muộn đã góp phần gây nên bệnh Parkinson ở ông.
Bác sĩ Niu khuyên ông Wang tránh căng thẳng về mặt cảm xúc trước khi đi ngủ.
Cuối cùng, ông Wang chọn cách giải tỏa sự oán giận và tuân thủ phác đồ điều trị châm cứu. Sau hơn 20 ngày điều trị, ông Wang cho biết đã có thể ngủ vài giờ mỗi ngày mà không cần thuốc và nhận thấy tình trạng cải thiện.
Thực tế, tình trạng người lao động gặp căng thẳng tại nơi làm việc đến nỗi đổ bệnh được ghi nhận không ít lần tại Trung Quốc.
Cuối tháng 10 vừa qua, câu chuyện cô gái "hóa người gỗ" vì bị sếp la mắng ở nơi làm việc cũng từng khiến cư dân mạng Trung Quốc xôn xao.
Theo đó, cơ thể cô Li (20 tuổi, sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đột nhiên mất phản ứng; cô không thể ăn, uống, di chuyển hoặc tham gia trò chuyện. Theo thông tin trên Hongxing News ngày 15/10, hiện tượng này có thể là hậu quả của việc cô bị trưởng nhóm la mắng nặng nề tại nơi làm việc.
Li bị trưởng nhóm khiển trách một tháng trước đó, điều này khiến cô cảm thấy không vui trong một thời gian dài. Khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn, cơ thể cô trở nên đơ cứng đến nỗi nếu kê một chiếc gối dưới cổ Li và sau đó rút ra, đầu cô sẽ vẫn ở trạng thái lơ lửng giữa không trung. Thậm chí, Li cần được gia đình nhắc nhở việc đi vệ sinh.
Jia Dehuan, bác sĩ của Li tại Bệnh viện Nhân dân số 8 Trịnh Châu, mô tả cô gái này "trông giống như người gỗ" và cho biết cô đang mắc hội chứng căng trương lực, một biểu hiện của bệnh trầm cảm. Li có tính cách hướng nội và khó mở lòng với những người xung quanh, điều này càng khiến tình trạng của cô trở nên nghiêm trọng hơn.
Có nguồn tin cho biết, Li đã nhận thức được tình hình của mình và bày tỏ mong muốn kiểm soát tâm trạng hiệu quả hơn.
Câu chuyện này lan truyền đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người dùng đã để lại bình luận về tình trạng của Li trên mạng xã hội Douyin: "Cô ấy đã tự hành hạ mình vì hành động của ông chủ"; "Nếu công việc của bạn quá nặng nhọc, tốt hơn là nên nghỉ việc thay vì phải chịu đựng trong im lặng"; "Đôi khi tôi cũng cảm thấy căng thẳng liên quan đến công việc, nhưng tôi không thể nghỉ việc vì việc tìm một công việc khác rất khó khăn"...