Người dân ở chung cư Hà Nội rộn ràng thức trắng đêm đụng lợn, luộc bánh chưng đón Tết ngay dưới chân tòa nhà
Dù bận rộn với công việc những cuối năm, người dân ở một chung cư tại Hà Nội vẫn cùng nhau gói bánh chưng đón Tết, phần để nâng cao tình làng nghĩa xóm, phần để cho trẻ con có chút háo hức ngày xuân.
Nhiều người cho rằng, chỉ có làng quê mới có Tết, mới có không khí đầm ấm sum họp đầu xuân, mới có cái Tết mặn mòi như ngày xưa, còn Tết ở thành phố dần trở nên nhạt, hoặc bị "công nghiệp". Điều này cũng chẳng sai, khi ở các thành phố lớn, đặc biệt là các chung cư, nhiều gia đình chuẩn bị Tết rất giản tiện, chỉ sắm sửa đồ đạc cho gia đình, ra chợ mua vài đôi cặp bánh chưng, con gà cúng luộc sẵn, ít nem gói sẵn... làm mâm cơm cúng rồi lại cửa đóng then cài.
Thế nhưng một vài năm trở lại đây, tại nhiều khu chung cư tại Hà Nội, không khí đón Tết ngày càng trở nên rộn ràng, đầm ấm và thấm đượm tình láng giềng, chẳng khác nào các khu tập thể kiểu cũ. Mỗi chung cư lại có một ý tưởng đón Tết khác nhau, song việc tụ tập cùng nhau mua lợn sạch ở quê, cùng đụng lợn, gói bánh chưng... là hoạt động được nhiều người hưởng ứng nhất.
Đây có lẽ là dịp duy nhất trong năm để hàng trăm hộ gia đình gặp gỡ, hỏi han nhau sau một năm bận bịu đầu tắt mặt tối.
Hàng trăm hộ gia đình cùng nhau quây quần gói bánh chưng đón Tết.
Tại một khu chung cư trên đường Vũ Phạm Hàm, hàng trăm cư dân hồ hởi cùng nhau tham gia gói bánh chưng tập thể. Ngày thường, họ hiếm khi có cơ hội để gặp mặt, nhiều khi tiếng là hàng xóm nhưng chẳng ai biết ai. Những dịp lễ Tết, vắng người này thì thiếu người kia... thậm chí có nhiều người bận quá, hàng xóm láng giềng chẳng ai biết mặt, quen tên. Vì thế, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng hào hứng tham gia hoạt động ý nghĩa ngày cuối năm này.
Từ sớm, các chị em hò nhau xuống khu vực sân chơi, mỗi người một tay tham gia vào các công đoạn gói bánh chưng.
Những nắm đỗ xanh được vo tròn cẩn thận, đẹp mắt. Vừa làm việc, các chị em vừa trò chuyện rôm rả, cười đùa thảnh thơi như những người thân thiết.
Các mẹ chia sẻ, bánh chưng thì chẳng ai lạ, ở chợ bán sẵn và quanh năm, nhưng việc bố mẹ tổ chức gói bánh và để các con tham gia cùng, chứng kiến cách làm nên một chiếc bánh hoàn chỉnh cũng như trò chuyện về ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết mới là quan trọng. Các em bé coi như vừa học vừa chơi, bố mẹ cũng dành được một khoảng thời gian bỏ qua bận bịu mà chơi cùng con.
Nhiều em nhỏ tỏ ra bỡ ngỡ, nhưng vẫn thích thú với hoạt động này.
Gạo nếp, đỗ xanh, thịt heo, lạt mềm và khuôn bánh được chuẩn bị sẵn sàng, trong khi đó những tệp lá dong đang được mọi người chia nhau rửa, lau sạch.
Anh Chương - một cư dân tại đây cho biết, đây là năm thứ hai hoạt động này được tổ chức và hầu hết cư dân đều ủng hộ. "Tất cả các công đoạn từ rửa lá dong, đồ đỗ, gói bánh đến luộc bánh đều được mọi người tự tay mình thực hiện. Ở đây có khoảng 120 hộ dân, nên dự kiến gói khoảng 300 chiếc bánh và chia đều cho mỗi nhà" - anh hồ hởi chia sẻ.
Những người trẻ sẽ tham gia công đoạn sửa soạn, còn những bậc cao tuổi sẽ đảm nhận nhiệm vụ gói bánh và hướng dẫn cho tất cả mọi người cùng làm theo.
Rửa lá dong được cho là một trong những công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận nên chiếm khá nhiều thời gian.
Các em nhỏ phấn khởi giúp bố mẹ, các bác các chú làm sạch lá dong.
Những thợ gói bánh chưng không chuyên bắt đầu công việc của mình. Vừa làm, các bác vừa truyền đạt lại kinh nghiệm cho những ai không biết gói.
Do đến từ nhiều miền quê khác nhau, nên cách gói bánh cũng đa dạng hơn. Có người dùng khuôn gỗ để đảm bảo cho chiếc bánh được vuông vức, nhưng cũng có người chỉ cần gói "vo'"mà hình thức vẫn được đảm bảo.
Anh Chương cho biết thêm, người dân ở đây đã "đụng" hai con lợn để lấy thịt làm nhân gói bánh. Những bộ phận còn lại được các chị em nấu nướng làm tiệc tất niên.
Những chiếc bánh đầu tiên được hoàn thành.
Từ người lớn đến trẻ nhỏ chăm chú lắng nghe hướng dẫn của 'thầy giáo gói bánh'.
Không khí Tết sum vầy khiến ai cũng hào hức. Ai bảo ở chung cư không có không khí Tết như nhà đất nào?
Các chị em tranh thủ check-in ngay, vì có bánh chưng là có Tết.
Các ông bố cũng hí hửng khoe "thành tích" chỉ sau một vài giờ học tập.
Những chiếc bánh chưng được xếp gọn trong nồi, chuẩn bị bắc lên bếp lửa.
Do không gian hạn hẹp, nên người dân tại đây luộc bánh chưng ngay tại sân chung cư.
Mọi người chia nhau 'canh gác' nồi bánh để nồi bánh không bị hỏng, bị khê.
12 tiếng luộc bánh là thời điểm mọi người ngồi lại bên nhau uống trà và chia sẻ về cuộc sống, công việc cũng như những dự định trong suốt một năm qua. Và sớm mai, khi bánh chín, người ta sẽ vớt lên, nén chặt cho dền bánh rồi chia ra từng nhà, gọi là chút thơm thảo ngày Tết chung cư.
"Tôi hy vọng hoạt động này sẽ được gìn giữ và tổ chức hàng năm, vì các cụ bảo rồi, có bánh chưng là có Tết mà. Người lớn thì biết mặt nhau, mua láng giềng gần, còn trẻ con thì sẽ được hưởng không khí đặc trưng ngày Tết" - chị Trang, một cư dân chia sẻ.