Người dân nên thận trọng khi cúm gia cầm đang có chiều hướng gia tăng
Bệnh cúm A(H7N9) và bệnh cúm gia cầm (H5N1) đang có chiều hướng lây sang người, nguy cơ có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng lớn đến con người.
Chớ coi thường dịch cúm gia cầm
Theo thông báo của Tổ chức Y thế giới, năm 2013 tại Trung Quốc, Hồng Kong và Đài Loan có 147 người mắc cúm A/H7N9 (tử vong 47 người). Từ đầu năm 2014 đến nay, tại Trung Quốc có 208 người mắc cúm A/H7N9 (tử vong 20 người). Dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại một số nwocs trong khu vực như Trung Quốc, Camphuchia, Hàn Quốc… với nhiều chủng vi rút phức tạp (cúm A/H5N1, cúm A/H7N(, cúm A/H10N8…).
Trong khi đó, tại Việt Nam đối với cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 tuy chưa ghi nhận bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm A(H7N9) nhưng đã có 2 trường hợp tử vong do cúm A/H5N1.
Riêng Hà Nội là đầu mối của khách du lịch, trong đó, hàng ngày có khoảng 2.000 khách đến từ Trung Quốc - là quốc gia đang bùng phát dịch. Mặt khác, tình hình gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam diễn biến phức tạp nên nguy cơ dịch cúm A (H7N9) xâm nhập vào Hà Nội rất lớn và không loại trừ khả năng vi rút biến chủng lây từ người sang người và bùng phát dịch. Dịch cúm trên gia cầm ở Việt Nam cũng có nhiều diễn biến phức tạp với 11 tỉnh, thành phố ghi nhận có ổ dịch, gần Hà Nội nhất là Bắc Ninh đã ghi nhận có ổ dịch cúm trên gia cầm. Do đó nguy cơ xuất hiện dịch cúm trên gia cầm ở Hà Nội rất lớn và có thể xuất hiện trường hợp cúm A/H5N1 trên người.
Phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người là trách nhiệm của mọi người. (Ảnh: M.Tuyết)
Một số biện pháp phòng chống cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9)
Ông Nguyễn Nhật Cảm Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội cho biết mùa đông xuân là thời điểm mà tất cả các dịch cúm đều gia tăng, trong đó có các vi-rút cúm gia cầm. Đặc biệt, cúm A/H5N1, A/H7N9 rất nguy hiểm vì gia cầm nhiễm vi-rút có thể không phát bệnh, không tử vong, nhưng khi lây sang người thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Bệnh Cúm gia cầm lây sang người - A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1, ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Để phòng lây nhiễm vi-rút cúm từ gia cầm sang người, người dân không vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch thú y. Trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm thì phải có phương tiện bảo hộ gồm găng tay, khẩu trang, ủng và quần áo bảo hộ.
Tốt nhất nên sử dụng loại khẩu trang y tế. Với người chăn nuôi gia cầm, cần phải chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng thuốc sát khuẩn, khi ra vào tiếp xúc với gia cầm cũng phải sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ nói trên.
Tuyệt đối không làm thịt gia cầm ốm, bệnh để ăn. Người dân chỉ nên mua gia cầm có đóng dấu kiểm dịch thú y.
Nếu mua gia cầm sống thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ và trong quá trình giết mổ phải đeo găng tay, khẩu trang để phòng bệnh.
Với người chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm, bệnh chết, phải lập tức khai báo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương để được phân loại, xử lý và khoanh vùng ổ dịch kịp thời.
Những người có tiền sử tiếp xúc hoặc ăn phải thịt gia cầm ốm, bệnh chết, nếu có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở cũng phải khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế, rồi đến ngay bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị. Đặc biệt, người dân không nên tự ý uống thuốc dự phòng cúm gia cầm (thuốc tamiflu) bởi đây là loại thuốc điều trị phải có chỉ định của bác sĩ, nếu tự ý điều trị sẽ không hiệu quả mà còn dẫn đến kháng thuốc.
Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. Những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, làm việc ở các nơi có dịch cúm trên súc vật cần thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như phòng bệnh chống dịch SARS.
Đồng thời ở mỗi hộ gia đình, hay các khu chăn nuôi, khu chợ cần vệ sinh tiêu độc, trong đó tập trung vào các vùng nguy cơ cao như nơi tập trung buôn bán, giết mổ gia cầm; vùng có ổ dịch cũ; nơi có lễ hội...