Khẩn cấp phòng chống cúm A/H7N9

Theo Tuoitre,
Chia sẻ

Phòng chống chủng virút gây cúm A/H7N9 sẽ khó khăn hơn A/H5N1, ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn cấp chiều 13-2.

Hôm nay (14-2), một văn bản của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm sẽ được phê duyệt để khẩn cấp phòng chống nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm A/H7N9.

Lợi nhuận buôn gà thải chỉ sau ma túy

Ông Phạm Văn Đông, cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết hiện gà thải loại vẫn đang được vận chuyển từ phía bắc xuống phía nam Trung Quốc vào hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp với nước ta. Đường đi của gà thải loại qua hầu hết các tỉnh đã phát hiện có virút cúm A/H7N9. Trong khi đó việc vận chuyển gà thải loại và các sản phẩm động vật qua biên giới vẫn đang được thực hiện ngày càng tinh vi hơn.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sự khác biệt giữa virút A/H7N9 và A/H5N1 là A/H7N9 âm thầm lây lan trong đàn gia cầm, chim di cư mà không để lại các triệu chứng dịch bệnh rõ rệt. Phát hiện dịch cúm A/H5N1 dễ hơn nhiều vì chủng virút này khiến các đàn gia cầm bị bệnh, vì thế khi có dịch có thể xác định, khoanh vùng dập dịch.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng tới thời điểm này khi chưa phát hiện virút cúm A/H7N9 ở VN, việc cần thiết nhất là triển khai tất cả biện pháp để ngăn chặn. Biện pháp cốt yếu nhất là ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào nước ta dưới bất kỳ hình thức nào. “Phải cấm triệt để việc buôn bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm chưa qua chế biến chín vào VN chứ không đơn thuần là cấm gà thải loại” - ông Phát nhấn mạnh.

“Có người nói với tôi là buôn gà thải từ Trung Quốc về lợi nhuận cao chỉ sau buôn ma túy” - Bộ trưởng Phát nói.

Khẩn cấp phòng chống cúm A/H7N9 1
Bệnh nhân B.B.T.X., nghi nhiễm cúm A, đang được chăm sóc ở khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Duy Thanh

Kiểm soát, phân tích mẫu liên tục

Ông Đông cho biết do virút cúm A/H7N9 không để lại các triệu chứng lâm sàng rõ rệt trên đàn gia cầm, chim di cư nên chỉ có cách liên tục lấy mẫu phân tích để sớm phát hiện virút. Hiện nay tại chín tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc đã có 18 cán bộ thú y “nằm vùng” để liên tục cứ hai lần/tuần lấy các mẫu tại các chợ buôn bán gia cầm để xét nghiệm.

Tại các chợ chuyên buôn bán gia cầm sống, định kỳ địa phương phải đóng cửa chợ để tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, kể cả phương tiện vận chuyển. Các chợ phải lưu giữ thông tin để truy xuất nguồn gốc gia cầm (nơi bán, nơi tiêu thụ). Đối với chợ có bán và giết mổ gia cầm bắt buộc phải phân tách riêng thành hai khu vực: bán và giết mổ để tránh việc lây nhiễm chéo. Trong đó, điều cần thiết là các địa phương phải yêu cầu bắt buộc người buôn bán, giết mổ gia cầm có dụng cụ bảo hộ lao động.

Khánh Hòa: diễn biến bất thường

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - xác nhận bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang), người mắc cúm A/H1N1, đã tử vong lúc hơn 17g ngày 13-2. “Bệnh nhân Tuấn bị biến chứng nặng sau khi mắc cúm A/H1N1 dẫn đến suy phủ tạng, hôn mê sâu nhiều ngày, tử vong là điều nằm trong tiên lượng” - ông Xáng nói.

ThS Trần Thị Tuyết Mai - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa - cho biết ba người thân thường xuyên tiếp xúc với anh Tuấn cũng đã có các triệu chứng ho, sổ mũi, xét nghiệm máu thì cho thấy dương tính với virút H1N1. Tuy nhiên, cả ba người này đã khỏi bệnh.

Ngoài ra, tại khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa hiện có bốn bệnh nhân nghi mắc cúm A, được điều trị cách ly, lấy mẫu máu gửi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang và Trung tâm nghiên cứu y khoa nhiệt đới thuộc Trường đại học Oxford (Anh), hiện chưa có kết quả. Trong số này nặng nhất là bệnh nhân B.B.T.X. (18 tuổi, người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn), mắc bệnh khi vừa hậu sản ngày thứ tư, đang phải thở máy.

Trong văn bản chỉ đạo các ngành, đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp phòng chống, xử lý dịch bệnh cúm A được gửi đi ngày 10-2, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa nhận định rằng tình hình mắc cúm A trên người ở tỉnh này đang có xu hướng diễn biến bất thường. Dù vậy ngày 13-2, ông Bùi Xuân Minh - giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - nói: “Cúm A (H1N1) hiện đã được coi như cúm mùa thông thường, có văcxin phòng bệnh và có phác đồ điều trị hiệu quả nên dù có các ca bệnh nặng nhưng không phải là vấn đề quá lo lắng. Hiện nay, Khánh Hòa vẫn là địa bàn “sạch”, không có người mắc các chủng cúm A với độc lực mạnh như virút H5N1 hay H7N9”.

Một mối lo đáng quan tâm là lượng khách du lịch từ nước ngoài đang đổ về Khánh Hòa tăng đột biến trong những ngày đầu năm 2014, trong đó có nhiều du khách đến từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Hoa Hội - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thuộc Sở Y tế Khánh Hòa - cho biết đã tăng cường nhân lực của đơn vị từ 2-3 người/chuyến bay lên 4-5 người để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình dịch bệnh từ bên ngoài qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Cam Ranh bằng các biện pháp kiểm tra báo cáo từ người có trách nhiệm của chuyến bay và đo thân nhiệt bằng máy soi nhiệt độ từ xa. Đồng thời, các cửa khẩu hàng hải như Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong cũng được tăng cường kiểm dịch quốc tế.

Chủng virút H7N9 nguy hiểm nhất

Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngoài cúm gia cầm chủng H5N1 đã lây lan sang người từ năm 2004 (tháng 1-2014 VN đã có hai trường hợp tử vong do chủng cúm này) thì trên thế giới (chủ yếu là châu Á) từ năm 2013 đến nay đã xuất hiện thêm nhiều chủng cúm mới lây lan từ gia cầm hoặc chim hoang dã, như chủng cúm H7N9, chủng H10N8, chủng H6N1... Trong đó, chủng cúm H7N9 được coi là nguy hiểm nhất do tốc độ lây lan nhanh hơn H5N1, tỉ lệ tử vong tương đương H5N1.

Theo ông Phu, hiện dịch cúm H7N9 đã tiến sát biên giới VN (tỉnh biên giới Trung Quốc giáp với tỉnh Lạng Sơn đã ghi nhận bệnh nhân và gia cầm nhiễm H7N9), nhưng tại VN qua khảo sát các chợ gia cầm sống cho thấy có đến 60% chợ có lưu hành virút H5N1 nhưng chưa phát hiện H7N9.

Về dịch cúm trên người, ông Trần Như Dương - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cho biết ba chủng cúm người lưu hành ở VN hiện là cúm B (38,5% bệnh nhân cúm được giám sát), cúm A chủng H3N2 (38,5% bệnh nhân) và cúm A chủng H1N1 đại dịch (23% bệnh nhân). Về nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người, ông Dương đánh giá khi có dịch trên gia cầm thì nguy cơ lây lan sang người là cao hơn.

L.ANH


Trung Quốc: thêm 1 người tử vong vì cúm H10N8

Ngày 13-2, các nhà chức trách y tế tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) xác nhận một trường hợp nhiễm mới cúm H10N8. Bệnh nhân là một người đàn ông 75 tuổi đến từ thủ phủ Nam Xương, có các triệu chứng cúm và được nhập viện ngày 4-2. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong bốn ngày sau đó.

Tỉnh Giang Tây xác nhận trường hợp nhiễm cúm H10N8 ở người đầu tiên ngày 17-12-2013 khi một cụ bà 73 tuổi tử vong. Theo các chuyên gia y tế, H10N8 vốn phổ biến ở gia cầm, song chưa từng được biết đến trước đó ở người.

Cùng ngày, Trung Quốc thông báo đã có thêm 4 trường hợp nhiễm mới cúm gia cầm H7N9 tại nước này. Theo các cơ quan chức năng, ngày 12-2, một bệnh nhân 19 tuổi tại tỉnh Hồ Nam đã được xác nhận nhiễm H7N9, nâng tổng số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh này lên 9 trường hợp. Tỉnh Quảng Đông cũng thông báo 3 trường hợp khác, gồm một bé trai 8 tuổi cùng hai bệnh nhân nam 46 và 65 tuổi.

Kể từ đầu năm 2014 đến nay, đã có hơn 130 trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người được xác nhận ở Trung Quốc, trong đó có 31 ca tử vong. Mới đây, giới chức y tế Trung Quốc cho biết tỉ lệ gia cầm nuôi trong hộ gia đình được xét nghiệm dương tính với virút H7N9 đang có xu hướng tăng lên, đồng thời cảnh báo đây có thể là nguồn lây nhiễm virút H7N9 tiếp theo.

Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia cũng vừa xác nhận ca nhiễm virút cúm gia cầm đầu tiên ở nước này là một khách du lịch 67 tuổi người Trung Quốc.

TTXVN - Mỹ Loan

 Xuất hiện cúm gia cầm ở một số tỉnh ĐBSCL

Chiều 13-2, ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết đã xảy ra hiện tượng gia cầm nghi mắc cúm A/H5N1 chết rải rác ở hai xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) và Bình Quới (huyện Châu Thành). Cán bộ thú y cơ sở đã phát hiện một số gia cầm chưa kịp tiêm ngừa văcxin cúm gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm ở khu vực hai xã trên. Trưa cùng ngày, cơ quan thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm tại khu vực gà chết để đem đi xét nghiệm virút cúm A/H5N1. Cũng theo ông Đức, trong những ngày tới nếu tình hình gia cầm tiếp tục chết và kết quả xét nghiệm cho dương tính với cúm A/H5N1 thì sẽ cho công bố dịch cúm gia cầm tại hai xã trên.

Cùng ngày, ông Lê Minh Khánh, phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm chi cục trưởng Chi cục Thú y Tiền Giang, cho biết trong những ngày Tết Giáp Ngọ ngành thú y đã phát hiện ba ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim cút ở huyện Châu Thành và Chợ Gạo. Khoảng 10 ngày qua chưa phát hiện ổ dịch mới.

Ngay sau khi tiêu hủy các đàn chim cút bị bệnh, ngành thú y đã phun thuốc tiêu độc, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh ở ba trại nuôi chim cút và các khu vực lân cận; đồng thời tiêm phòng văcxin cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm trong khu vực có đàn chim cút bị bệnh.

Tại Đồng Tháp đã xảy ra trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 vào ngày 28-1 (bà Võ Thị U, 57 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Long, huyện Thanh Bình). Tuy nhiên, khi lấy 33 mẫu gia cầm tại các hộ xung quanh nhà ông Nguyễn Thanh Phong (con trai bà Võ Thị U) và 75 mẫu gia cầm tại các hộ xung quanh nhà bà Võ Thị U đi xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với cúm gia cầm H5N1.

Theo ông Võ Bé Hiền, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Tháp, đến nay ngành thú y tỉnh chưa phát hiện “điểm nóng” nào về gia cầm chết với số lượng lớn trên địa bàn. Thế nhưng ông Hiền cũng cho biết đã có hiện tượng gia cầm chết rải rác trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Cụ thể, mới nhất là có đàn gà do một hộ dân (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành) nuôi nhỏ lẻ bị chết nghi mắc cúm gia cầm. Cơ quan thú y cũng đã lấy mẫu xét nghiệm.

Còn ông Trần Trung Hiền, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho hay do công tác tiêm ngừa đạt tỉ lệ cao, an toàn nên chưa xuất hiện ổ dịch cũng như chưa có trường hợp người lây nhiễm dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh này.

Nhóm PV

Chia sẻ