Người dân châu Á thấp thỏm trước nguy cơ dịch Zika ngày càng lan rộng

Thùy Dung (Tổng hợp),
Chia sẻ

Dịch bệnh Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới và có nguy cơ lan rộng ở các nước châu Á.

Hiện nay, virus Zika đã xuất hiện trên 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Brazil là nơi có dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất. Người nhiễm virus Zika có triệu chứng phổ biến nhất là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Các nhà khoa học vẫn đang tích cực nghiên cứu nhằm bào chế vaccine phòng chống và thuốc đặc trị virus Zika.
 
Loại virus gây dị tật đầu nhỏ này cũng đang hoành hành ở các nước châu Á, đặc biệt là Singapore. Trước đó, Việt Nam cũng đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với virus Zika.
 
Singapore
 
Kể từ ngày 27/8/2016 khi trường hợp lây nhiễm trong nước đầu tiên được phát hiện, Singapore đã phát hiện thêm 16 trường hợp nhiễm virus Zika, nâng tổng số ca nhiễm loại virus nguy hiểm này lên 258 bệnh nhân. Được biết, 16 trường hợp nhiễm mới này đều không liên quan đến những ổ dịch cũng như những ca nhiễm cũ.
 
Trước diễn tiến nghiêm trọng của dịch bệnh, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Zika như đặt bẫy muỗi, tiêu hủy các ổ sinh sản muỗi, khuyến cáo người dân hạn chế cho trẻ em ra ngoài khi không cần thiết, tiến hành các biện pháp phòng chống muỗi đốt.
 

Singapore tăng cường các biện pháp phòng bệnh.
 
Chia sẻ với tờ Straits Times, các bậc phụ huynh ở Singapore cho biết họ giữ con nhỏ trong nhà một phần để chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm và để giảm thiểu các hoạt động ngoài trời của con trong bối cảnh virus Zika lây lan nhanh chóng. Các em nhỏ cũng được trang bị thuốc xịt muỗi vã chống côn trùng để phòng tránh bệnh.
 
Philippines
 
Vào ngày 5/9/2016, Philippines đã xác nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên trong năm nay. Bệnh nhân là một phụ nữ 45 tuổi, sống tại thành phố Iloilo, Philippines. Theo phát ngôn viên của bộ trưởng y tế nước này, bệnh nhân chưa từng du lịch tới các vùng nhiễm bệnh và rất có thể lây nhiễm loại virus nguy hiểm này ngay tại địa phương.
 
Tại thời điểm này, Bộ Y tế Philippines chưa ghi nhận trường hợp lây truyền Zika trong nước, tuy nhiên, chính phủ đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Theo ông Bayugo, kể từ năm 2012, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận ít nhất 5 ca nhiễm Zika, song các trường hợp này không gây bùng phát dịch.
 
Cuối tuần qua, Chính phủ Philippines đã hối thúc người dân nước này tăng cường áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong khi lưu trú tại các nước bị ảnh hưởng bởi Zika, đồng thời khuyến cáo những phụ nữ mang thai tránh đến các nước đã ghi nhận ca nhiễm virus Zika.
 
Malaysia
 
Ngày 1/9/2016, giới chức Malaysia xác nhận nước này có ca nhiễm virus Zika đầu tiên. Bệnh nhân là một phụ nữ 58 tuổi vừa trở về từ Singapore.

Báo The Malaysian Times dẫn lời Bộ trưởng Y tế Malaysia Datuk Seri Dr S. Subramaniam cho biết người này cùng chồng đến Singapore từ ngày 19/8 - 21/8, sau đó quay lại Malaysia và phản ứng dương tính với virus Zika. Bệnh nhân bị phát ban và sốt trong vòng một tuần sau khi trở về từ Singapore. Theo ông Subramaniam, con gái của người phụ nữ này hiện đang làm việc tại Singapore và cũng đã nhiễm bệnh.
 
Hôm 3/9, nước này phát hiện thêm một bệnh nhân 60 tuổi nhiễm virus Zika và do các biến chứng bệnh tim, không phải do virus Zika nên đã qua đời. Thông tin này làm dấy lên lo ngại nguy cơ bùng phát lây nhiễm ở nước này khi được xác nhận chỉ 2 ngày sau khi trường hợp đầu tiên nhiễm Zika được công bố.
 

Bộ trưởng Y tế Malaysia thông tin về trường hợp nhiễm virus Zika ở nước này.
 
Trước khi phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika, lo lắng trước sự lây lan của virus Zika, Bộ Y tế Malaysia cũng đã tuyên bố sẽ ban hành các quy tắc hướng dẫn ngăn ngừa virus Zika lây lan trên diện rộng. Giới chức cũng khuyến cáo người dân Malaysia không đi du lịch đến Nam Mỹ, nơi virus Zika đang lây lan nhanh.
 
Thái Lan
 
Nhà chức trách Thái Lan ngày 5/9/2016 đã áp dụng các biện pháp giám sát tăng cường sau khi hai thai phụ tại thủ đô Bangkok bị phát hiện dương tính với virus Zika có khả năng gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
 
Theo đó, trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, các cơ quan y tế đã phát hiện 8 trường hợp nhiễm virus Zika tại thủ đô của Thái Lan, tính cả hai thai phụ trên. Phát ngôn viên của chính quyền thành phố Bangkok cho biết, một trong hai người đã sinh con và đứa trẻ này không có triệu chứng gì bất thường. Tuy nhiên tình trạng sức khỏe của em bé này sẽ tiếp tục được theo dõi. Thai phụ còn lại hiện đang mang thai ở tuần thứ 18 và cũng đang được theo dõi chặt chẽ.
 
Hồng Kông

Cuối tháng 8/2016 vừa qua, Chính quyền Hồng Kông xác nhận ca nhiễm Zika đầu tiên, đặt trung tâm tài chính của châu Á vào mức báo động cao nhất trước sự lây lan của virus lây truyền từ muỗi.
 
Cơ quan y tế của Hồng Kông ra thông báo bệnh nhân là một phụ nữ 38 tuổi từng có sức khỏe tốt. Họ cho biết đã báo cáo trường hợp này cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 
Tại một buổi họp báo cuối ngày 25/8, quản lý Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, ông Leung Ting Hung cũng cho biết trung tâm đã thực hiện các biện pháp phòng tránh để ngăn chặn sự lây lan của virus Zika.
 
Việt Nam
 
Hồi đầu tháng 8/2016, Việt Nam đã phát hiện trường hợp đầu tiên ở Phú Yên dương tính với virus Zika và là ca thứ ba dương tính với virus Zika ở nước ta. Ngày 3/8, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Phú Yên phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND huyện Sơn Hòa tiếp tục theo dõi, giám sát chặt tình hình bệnh do virus Zika tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế. Trước đó, Việt Nam đã có bệnh nhân dương tính với virus Zika ở Khánh Hòa và Hồ Chí Minh, trong đó một phụ nữ đang mang thai.
 

Việt Nam tăng cường diệt muỗi để phòng, tránh virus Zika.
 
Bộ Y tế đã nâng mức độ cảnh báo đối với toàn hệ thống y tế để tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Trước đó, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch người dân tự diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.
 
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương nâng mức cảnh báo lên mức độ 2 mặc dù thời điểm đó chưa có trường hợp nhiễm virus Zika nhưng đã coi như đã có dịch. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng mức độ cảnh báo lên mức độ 2. Ở mức độ cảnh báo 2 có rất nhiều biện pháp bao gồm từ vấn đề về ban chỉ đạo, truyền thông đến vấn đề về dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, chuẩn bị về trang thiết bị, cơ sở điều trị về con người và thuốc.
 
Chia sẻ