Người dân cần đề cao cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết khi vào hè

Nhã Đan, ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

Hè đến là thời điểm nhiều bệnh sinh sôi: chân tay miệng, sởi, sốt xuất huyết, viêm màng não...

Phụ huynh lo lắng vì "hết sởi, chân tay miệng lại đến sốt xuất huyết"


Đo là sự lo lắng của nhiều người không chỉ riêng ai. Chị Phương Thảo (Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) đưa con là bé Quang Anh (13 tháng tuổi) vào viện trong tình trạng sốc do sốt xuất huyết. Bé bị tím tái, nôn mửa ra dịch nâu, chân tay lạnh ngắt. Chị cho biết, bé sốt liên tục, nhiệt độ toàn trên 39 độ, nên chị không thể chần chừ trì hoãn việc đưa con vào viện. 


Chị Minh Hòa (Gia Lâm, Hà Nội) ít kinh nghiệm chăm con, nên vì thiếu hiểu biết, suýt chút nữa chị đã hại con. Khi thấy con bị sốt, ho hung hắng chị không đưa con đi khám mà chị tự ý mua thuốc kháng sinh cho bé uống. Khi thấy con ngày càng nặng hơn: nôn ra máu, phân đen, nổi đốm xuất huyết dưới da chị mới đưa con vào viện. Tại bệnh viện, chị được biết con bị mắc sốt xuất huyết. 


Người dân cần đề cao cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết khi vào hè 1
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm vì không có thuốc đặc hiệu 


Sốt xuất huyết: bệnh không mới nhưng cực kỳ nguy hiểm


Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi mang bệnh chính là muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, muỗi được sinh ra từ bọ gậy, bọ gậy được sinh ra từ những nơi đọng nước…


Bệnh này xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa, bệnh hoàn toàn có thể bộc phát thành dịch đe doạ sinh mạng trẻ em và sức khỏe cộng đồng. Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh, gây tử vong cao. Hiện chưa có thuốc trị bệnh. 


Ở người lớn có hai dạng sốt xuất huyết: dạng biểu hiện ra bên ngoài và dạng không biểu hiện ra bên ngoài (thường gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết não). Sốt xuất huyết tiêu hóa (trong ruột) ở người lớn có biểu hiện ban đầu rất bình thường, hơi sốt, ít ho, không nổi ban. Sau 1 hoặc 2 ngày, bệnh nhân sẽ đi tiêu ra máu nhưng và bắt đầu xuất hiện có những hạt lấm tấm trên da, người xanh xao mệt mỏi.


Sốt xuất huyết não khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, nhưng một khi xảy ra trường hợp này thì người bệnh dễ bị tử vong. Biểu hiện đầu tiên, người bệnh bị sốt, bị nhức đầu, tay bị tê liệt, không thể cử động. Giai đoạn tiếp theo, người bệnh sẽ bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong. 


Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn cũng diễn biến bất thường. Thời gian bị sốt dài, từ 11-12 ngày thậm chí dài hơn với người lớn, trẻ nhỏ thì từ 7 ngày. 


Người dân cần đề cao cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết khi vào hè 2
Bác sĩ Dũng trấn an mọi người cũng không nên quá lo lắng vì bệnh này


Trẻ mắc sốt xuất huyết có những dấu hiệu sau: Sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục trong 3-4 ngày, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, nôn hoặc đi vệ sinh ra máu, đau bụng, trẻ mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít. 


Bác sĩ Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhưng mọi người không nên quá lo lắng, điều quan trọng là mọi người cần nâng cao sức đề kháng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, phát quang nơi đọng nước tránh muỗi sinh sôi". 


Cách phòng bệnh: Cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mắc màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt. 


Không để các bình chứa có nước đọng để tránh việc muỗi đẻ trứng vào, đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muối trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể,…), nuôi cá trong bể. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.


Nếu bị bệnh, người bệnh chỉ uống thuốc để hạ sốt, ngoài ra không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu. Cho bé ăn nhẹ: cháo, súp, sữa…


Theo Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt xuất huyết trên thế giới diễn ra khá phức tạp. Bệnh lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương như Úc, Malaysia, Singapore, Campuchia, Lào… Trong đó Úc tăng 14,3%, Malaysia tăng 313%...


Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận trên 8.000 trường hợp mắc tại 41 tỉnh thành phố, 4 trường hợp tử vong ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 38,8%, tử vong giảm 6 trường hợp. 


Số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83,8% số mắc cả nước. 51 tỉnh thành ghi nhận số mắc sốt xuất huyết so với 2013. 5 tỉnh thành ghi nhận số mắc tương đương cùng kỳ 2013. Trong đó có 18 tỉnh thành ghi nhận trên 100 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tập trung tại: thành phố Hồ Chí Mình, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bìa Rịa – Vũng Tàu, Long An.


Tiến sĩ Phu khẳng định sốt xuất huyết là bệnh lưu hành ở mức cao tại các khu vực Đông Nam Á. Thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 5) là thời điểm vào mùa dịch, ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm. Bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, tập quán trữ nước tại nhiều địa phương khiến nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn. Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gạy, lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa ca mắc, tử vong là điều cần thiết.


Chia sẻ