Người cao tuổi và những lưu ý 'đặc biệt' khi tiêm phòng cúm
Do hệ miễn dịch đã suy giảm và bản thân thường sẵn có bệnh nền, người cao tuổi khi mắc cúm dễ gặp những biến chứng hô hấp, trong đó phổ biến là viêm phổi, viêm cơ tim.
Cúm mùa đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi
Cúm là một bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp, do virus cúm gây nên. Thông thường, một người trưởng thành khi mắc cúm có khả năng lây nhiễm cho người khác từ khoảng một ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và kéo dài trong khoảng từ 5 đến 7 ngày.
Khi người mắc bệnh cúm ho hoặc hắt hơi mà không che miệng hay mũi thì virus cúm sẽ được phát tán vào không khí, qua các giọt bắn kích thước lớn. Những giọt bắn này có thể chứa lượng lớn virus và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của người khác nếu họ đứng trong phạm vi khoảng 1m. Đây chính là con đường lây nhiễm cúm trong cộng đồng.
Virus cúm có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với màng nhầy ở mũi, miệng hoặc cổ họng. Việc chạm tay vào mũi, mặt sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.
Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, tình trạng bệnh thường trở nên nghiêm trọng hơn ở những người cao tuổi vốn có hệ miễn dịch đã suy yếu và thường đang phải sống chung với các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, bệnh thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ..., PGS.TS. Đỗ Duy Cường (Bệnh Viện Bạch Mai) cho biết.
Theo thống kê, cứ 4 ca tử vong do cúm thì có 3 ca là người trên 65 tuổi. Lý giải nguyên nhân này các nhà nghiên cứu cho rằng do hệ miễn dịch đã suy giảm, người cao tuổi khi mắc cúm dễ gặp những biến chứng hô hấp, trong đó phổ biến là viêm phổi, viêm cơ tim.
![Người cao tuổi và những lưu ý 'đặc biệt' khi tiêm phòng cúm - Ảnh 1. Người cao tuổi và những lưu ý 'đặc biệt' khi tiêm phòng cúm - Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/istockphoto-895087964-612x612-6684-4337-1739326992475-17393269994011576574003.jpg)
Khi có dấu hiệu bệnh bất thường, người cao tuổi không nên chủ quan mà phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Hiệp hội Hô hấp châu Âu, ở người cao tuổi, cúm mùa có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, nguy cơ đau tim và nhồi máu cơ tim gấp 10 lần, nguy cơ viêm phổi gấp 8 lần. Trong khi đó, Viện Y tế Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng cúm mùa có thể dẫn đến nguy cơ biến cố bất thường liên quan đến đường huyết lên đến 74%. Vì thế, cúm mùa cần được nhìn nhận là một tình trạng sức khỏe ‘rất đáng lưu tâm’ đối với người cao tuổi.
Người cao tuổi mắc cúm ở giai đoạn khởi phát cũng chỉ xuất hiện những triệu chứng như cúm thông thường: sốt, ho, nghẹt mũi, sổ mũi, đau nhức cơ thể... Nhưng bệnh có thể diễn biến nặng rất nhanh với những biểu hiện như khó thở, tức ngực dữ dội, thậm chí là hôn mê. Nhiều người được đưa đến bệnh viện trong tình trạng viêm phổi nặng, thậm chí đã bị suy hô hấp cấp tính. Sở dĩ có hiện tượng nhiều khi ‘trở tay không kịp’ này là do, viêm phổi ở người cao tuổi thường không xuất hiện một cách đột ngột mà phát triển âm thầm, kéo dài, thậm chí đôi khi không có bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào rõ ràng. Phần lớn các bệnh nhân chỉ cảm thấy sốt nhẹ kết hợp với các biểu hiện như chảy nước mũi, ho... Những triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng cảm lạnh thông thường, tạo tâm lý chủ quan ở người bệnh.
Chinh vì vậy, người cao tuổi cần cảnh giác khi đi kèm với những triệu chứng cúm thông thường, xuất hiện các dấu hiệu thở gấp, thở khò khè và cảm giác khó thở. Một dấu hiệu tưởng như không liên quan nhiều như cảm giác chán ăn, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ bệnh tiến triển nhanh chóng theo chiều hướng xấu.
Khi bệnh nhân bước vào giai đoạn nặng hơn, tình trạng có thể diễn biến nghiêm trọng với các dấu hiệu như khó thở trầm trọng hơn, da tái nhợt hoặc tím tái, trạng thái lơ mơ, thậm chí suy hô hấp nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Vì vậy, bác sỹ khuyến cáo khi có dấu hiệu bệnh bất thường, người cao tuổi không nên chủ quan mà phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Tiêm phòng bệnh cúm mùa ở người cao tuổi có điều gì cần lưu ý?
Để phòng ngừa sự tấn công của virus cúm với những hệ lụy có thể rất nặng nề như đã phân tích ở trên, người cao tuổi, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên, cần có một nguyên tắc phòng vệ từ sớm đối với căn bệnh truyền nhiễm này. Đó chính là việc tiêm vaccine phòng cúm mùa.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh lợi ích vượt trội của vaccine cúm mùa đối với người cao tuổi: Không chỉ ngăn ngừa nhiễm bệnh, mà còn góp phần giảm thiểu các rủi ro do bệnh cúm mùa gây ra, đồng thời từ đó làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong vì virus cúm. Chả hạn, vaccine cúm mùa có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim cấp, mạn tính, phòng ngừa đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm nguy cơ tiến triển nặng của bệnh Alzheimer trong 4 năm tiếp sau tiêm phòng cúm... Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, vaccine ngừa bệnh cúm mùa chỉ nên tiêm khi người cao tuổi có tình trạng sức khỏe ổn định, không ở trong bất kì tình trạng bất thường phải cấp cứu .
Với nhóm người cao tuổi có sa sút trí tuệ Alzheimer, không kiểm soát được hành vi thì khi đi tiêm ngừa cần phải có người khỏe mạnh đi theo cùng.
Người cao tuổi mang bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh thận, đái tháo đường, đường huyết cao, tim mạch… chỉ tiêm vaccine ngừa cúm mùa trong tình trạng sức khỏe ổn định. Lưu ý, những người bệnh này vẫn cần duy trì uống thuốc theo đơn bác sĩ trong thời gian trước và sau khi tiêm phòng cúm.