Người bị cúm có nên tắm không?

Võ Hồng Thu,
Chia sẻ

Thời điểm hiện nay, số ca mắc bệnh cúm gia tăng cao và lây lan nhanh chóng, khiến nhiều người lo lắng. Bị cúm có nên tắm hay xông hơi không, đó là câu hỏi của nhiều người.

Bị cúm có nên tắm không?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, trong trường hợp người bệnh bị cúm không có biến chứng và điều trị tại nhà thì có thể tắm. Tuy nhiên, có một số lưu ý như sau.

Tắm nước ấm: Hơi nước ấm còn có tác dụng giúp người bệnh thư giãn, giảm mệt mỏi, giảm đờm trong cổ họng, loại bỏ cảm giác khó chịu ở mũi.

Tắm nhanh: Người bệnh cúm không nên tắm quá lâu và sau khi tắm, hãy lau khô cơ thể nhanh và nhẹ nhàng. Tránh gió lùa và đảm bảo môi trường tắm nhiệt độ ấm và dễ chịu.

Không tắm muộn: Người bệnh cúm cũng không nên tắm muộn vì sức đề kháng yếu trong giai đoạn này kém dễ có thể gây hệ lụy cho sức khỏe.

Sau khi tắm, cần lau khô người cẩn thận. Bạn cũng có thể dùng máy sấy tóc để sấy dọc sống lưng, vai và cổ, gáy… Hơi nóng thấm vào từ từ có tác dụng làm dịu các triệu chứng đau nhức cơ thể do bệnh cúm gây ra. Một cốc trà gừng hoặc nước gừng uống sau khi vừa tắm cũng có tác dụng làm ấm cơ thể và tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu.

Người bị cúm có nên tắm không? - Ảnh 2.

Sau khi tắm, cần ủ ấm cơ thể cẩn thận.

Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C bằng một cốc nước cam hoặc các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa, hoặc ăn một bát yến mạch.

Bị cúm có nên xông hơi không?

Theo BS. Trần Văn Phúc (bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội), xông hơi mặt là giải pháp cho nghẹt mũi, một triệu chứng đặc trưng của căn bệnh cúm.

BS Trần Văn Phúc cho biết, người bị cúm thường bị chảy nước mắt, nước mũi, hoặc tệ hơn là nghẹt mũi hoàn toàn, gây ra tình trạng đau đầu liên tục. Vì vậy, vào khoảng 10 giờ sáng, người bệnh có thể chuẩn bị một chậu nước nóng và xông hơi mặt trong 5 phút để làm dịu chứng sổ mũi và làm sạch đường hô hấp.

Với câu hỏi: Người bị cúm có nên xông hơi toàn thân hay không, BS Phúc chia sẻ rằng: Không nên xông hơi toàn thân bằng nước nóng khi đang sốt cao, vì sẽ gây mất nhiệt trong khi cơ thể đang cố gắng tăng thân nhiệt để tiêu diệt virus.

Người bệnh chỉ nên xông hơi toàn thân khi đã hết sốt và tốt nhất là khi bệnh đã lui hẳn, BS.Trần Văn Phúc khẳng định. Xông hơi nước nóng ở nhiệt độ khoảng 40 độ trong 5 - 10 phút là đủ.

Có thể sử dụng các loại lá như chanh, sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu… Tuy nhiên, không nhất thiết phải quá cầu kỳ trong việc lựa chọn lá xông.

Cần vệ sinh cá nhân và nơi ở thật tốt

Quan trọng nhất là, khi mắc cúm người bệnh cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là tai mũi họng. Cần sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để xịt mũi và làm mềm chất nhầy, giúp giảm nghẹt mũi. Tránh xì mũi mạnh và thường xuyên, vì điều này có thể gây kích ứng niêm mạc và xoang mũi.

Không gian sống cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng khí và ấm áp. Có thể sử dụng các thiết bị để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm phòng. Cần đảm bảo rằng phòng có độ ẩm phù hợp để giảm triệu chứng ho và sốt.

Bệnh nhân cúm cần được cách ly với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng. Điều này cần ghi nhớ đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.

Người bệnh cảm cúm nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế ; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn chất dịch, tránh nguy cơ lây bệnh cúm cho người khác.

Người chăm sóc bệnh nhân mắc cúm cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.

Người bị cúm có nên tắm không? - Ảnh 3.

Chia sẻ