Ngủ trưa kiểu này sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị tiểu đường

Hồng Quân,
Chia sẻ

Thời gian ngủ trưa khác nhau có những ảnh hưởng khác biệt đến sức khỏe. Thậm chí có một số tranh cãi cho thấy thói quen ngủ trưa có thể gây ra bệnh tiểu đường.

Tuy chỉ là khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa ngày, những tác động của giấc ngủ trưa tới sức khỏe con người vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Một số nhà nghiên cứu cho rằng giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể mang lại lợi ích tích cực trong khi số khác lại cho rằng ngủ trưa tác động ngược lại thậm chí có thể gây suy giảm tuổi thọ.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã chỉ ra những người thường xuyên ngủ trưa trong khoảng thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn người có giấc ngủ trưa ngắn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Đại học Tokyo, giấc ngủ trưa kéo dài từ 1 giờ trở lên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 50%.

thoi quen ngu trua
Giấc ngủ trưa kéo dài từ 1 giờ trở lên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 50%. (Ảnh minh họa: Internet)

Tiến sĩ Yamada, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay: “Một số người có nhu cầu ngủ trưa nhiều bởi tối hôm trước không ngủ đủ. Điều này khiến thành động mạch dày lên, gia tăng áp lực máu trong thành mạch và dẫn đến huyết áp cao. Đây chính là nguyên nhân gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và cả tiểu đường”.

Sau khi thống kê kết quả của 200 nghiên cứu với tổng số 261.000 người tham gia, tiến sĩ Yamada và cộng sự đi đến kết luận những người hay mệt mỏi và ngủ trưa dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn hẳn những người có giấc ngủ trưa ngắn. Tiến sĩ cũng cho biết thêm, giấc ngủ trưa ngắn dưới 30 phút sẽ không khiến cơ thể mệt mỏi khi tỉnh dậy và giữ được tỉnh táo cũng như tập trung vào công việc hơn.

Theo tuần san Health Day của Anh, trong khi ngủ đủ giấc ban đêm mang lại những lợi ích không thể phủ nhận thì ngủ quá nhiều vào ban ngày lại sở hữu những tác động trái ngược hoàn toàn. Tạp chí cũng trích dẫn 21 nghiên cứu trên hơn 300.000 người cho thấy những người có giấc ngủ trưa dài thường gặp các vấn đề liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất trong cơ thể. Các rối loạn này là tiền đề hình thành những chứng bệnh như huyết áp cao, tăng cholesterol, tiểu đường và tích tụ mỡ thừa quanh eo. Tiến sĩ Tomohide Yamada, tác giả nghiên cứu Mối quan hệ giữa giấc ngủ và hội chứng rối loạn chuyển hóa cho biết, thời gian ngủ trưa càng dài, nguy cơ đối mặt với hội chứng này càng tăng cao. Số liệu thống kê cho thấy, những người ngủ 90 phút sở hữu tỉ lệ mắc cao hơn 1/3 so với những người chỉ ngủ 40 phút. 

thoi quen ngu trua
Những người ngủ trưa dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn hẳn những người có giấc ngủ trưa ngắn. (Ảnh minh họa: Internet)

Trước đó, vào khoảng cuối năm 2013, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã tiến hành khảo sát giấc ngủ của 27.000 công nhân đã về hưu. Hơn 2/3 tương đương khoảng 18.500 người trong số này cho biết, họ thường xuyên ngủ trưa trong thời gian dài. Sau khi loại bỏ những yếu tố tiêu cực như hút thuốc lá, rượu bia, thời gian ngủ ban đêm và những hoạt động thể chất khác, các nhà khoa học thu được kết quả không mấy bất ngờ. Những người ngủ trưa nhiều hơn một giờ có nguy cơ phải đối mặt với tiểu đường cao hơn hẳn so với những người không có thói quen này. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, nghiên cứu này chưa đủ cơ sở để kết luận ngủ trưa quá một giờ sẽ gây ra bệnh tiểu đường mà chỉ là gia tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.

Tuy vậy, kết luận này lại được nhiều nhà khoa học chú ý và dành nhiều sự quan tâm. Elian Lucassen, Chuyên viên Y khoa tâm lý kiêm nhà nghiên cứu tại trung tâm Y khoa Đại học Leiden (Hà Lan) cho hay: “Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với những người có thói quen ngủ trưa lâu. Không ít người sẽ muốn thay đổi thói quen này nếu biết những tác động của chúng lên sức khỏe” Cô cũng cho biết thêm, nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và việc ngủ quá ít hoặc quá nhiều vào ban đêm. Không chỉ gây rắc rối cho hệ tuần hoàn, ngủ ngày quá nhiều cũng gây ra rối loạn đồng hồ sinh học của con người.

Tuy vậy, bạn cũng không nên bỏ hẳn giấc ngủ trưa. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch tễ Pháp, có đến một nửa số người trưởng thành của nước này không ngủ đủ giấc. Các chuyên gia y khoa khuyến cáo một người trưởng thành nên có một giấc ngủ trưa kéo dài từ 20 đến 30 phút. Đây là thời điểm cơ thể nghỉ ngơi hồi phục sức lực đồng thời tăng cường sự tỉnh táo, hiệu quả trong công việc.
 
(Nguồn: Webmd, prevention, wsj)
Chia sẻ