Ngủ 1 giấc tỉnh dậy, cô gái thấy mình bị bán sang Trung Quốc và 15 năm khốn khổ tìm đường về quê hương
15 năm ròng rã làm vợ xứ người, người phụ nữ bất hạnh phải ăn cháo kê thay cơm, không mua cho mình nổi một bộ quần áo mới... Sau những ngày cơ cực cuối cùng chị cũng tìm được đường về nhà.
Đó là cảnh sống mà chị Văn Thị Nguyệt (SN 1980, ngụ xóm 8, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) phải gánh chịu suốt mười mấy năm qua vì bị kẻ xấu lừa bán làm vợ xứ người.
Hành trình 15 năm lưu lạc
Một ngày mùa thu năm 2001, khi đang giúp việc cho một nhà
hàng ở thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) thì chị Nguyệt gặp một vị khách tự giới
thiệu tên là Quang. Sau khi ăn xong bữa trưa, anh ta gọi trả tiền và boa cho
chị những đồng tiền lẻ còn thừa.
Tối cùng ngày người đàn ông này lại xuất hiện, tỏ ra cảm
thông với cô nhân viên phục vụ. Quang nói: “Thiếu gì công việc nhàn hạ lại kiếm
nhiều tiền em không làm, sao lại gắn bó với nghề này cho vất vả, lương ba cọc
ba đồng. Có muốn ra Hà Nội làm việc không anh đưa đi. Nhà anh ở Hà Nội, tối nay
anh về. Em có đi thì đi cùng anh luôn. Ra ngoài đó anh sẽ tìm cho em một công
việc phù hợp".
Nghe người đàn ông vừa quen này nói, chị Nguyệt vui mừng cứ
nghĩ gặp được “quý nhân” nên gật đầu đồng ý mà không chút nghi ngờ. Khi chiếc
xe khách dừng ăn cơm, Quang đưa cho chị một ly nước nói chị uống cho đỡ khát.
Rồi cũng từ đó, chị ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Tỉnh dậy, biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc, chị
Nguyệt gào khóc, quỳ xuống ôm lấy chân người đàn ông này van xin cho chị trở
về. Tuy nhiên, người này không động lòng và giao chị cho một người phụ nữ biết nói tiếng Việt sau khi đã nhận
lại một số tiền rồi lạnh lùng bước đi, để mặc chị gào khóc van xin trong tuyệt
vọng.
Chị Nguyệt kể lại ngày bị lừa bán.
Chị Nguyệt bị nhốt trong một gian phòng tối, bên trong có
hàng chục cô gái người Việt cũng bị lừa bán như chị. Rồi lần lượt họ phải theo
những người đàn ông bản địa đến mua về làm vợ. Thấy chị tỏ ra ngoan cố, chủ
chứa đe dọa nếu không đồng ý theo người ta về làm vợ sẽ bị ném vào nhà thổ để
làm gái mại dâm. Nghe vậy, chị Nguyệt lại càng sợ hãi.
Chị được
Liều Hài Miền (SN 1978) mua về làm vợ với giá 8 vạn nhân dân tệ. Họ đưa chị tới
một nơi hẻo lánh, bốn bên là đồi núi. Gia đình chồng nghèo “rớt mồng tơi”, cực
khổ hơn cả gia đình chị ở quê.
Những ngày đầu làm vợ, vì sợ chị bỏ trốn nên gia đình chồng
giam lỏng. Mọi sinh hoạt đều có người giám sát, tối đi ngủ có người khóa cửa từ
phía ngoài, sáng sớm lại mở ra.
Ở vùng nghèo khó này, cơm là một món ăn xa xỉ, chỉ khi sinh
đẻ, lễ Tết đến mới được ăn cơm. Quanh năm phải ăn cháo kê thay cơm, không biết mùi
vị của con cá là gì. Chỉ năm hết Tết đến mới dám mua một kg thịt lợn. Sau một tháng bị giam lỏng, người nhà chồng bắt chị lên
rẫy trồng kê. Đến bữa, chị lại trở về phục dịch, hầu hạ 7 người trong gia đình chồng.
Sống ở nơi đất khách không biết ngôn ngữ, không người thân lại
quá nghèo khó khiến chị Nguyệt chán nản, nhiều lần tìm cách trốn chạy. Một lần lợi dụng
sơ hở nhà chồng không khóa của ngoài, chị vùng dậy chạy trốn. Chỉ vài phút sau,
người nhà chồng nhốn nháo đi tìm.
“Đứng nấp trong lùm cây giữa núi rừng, tôi thấy chồng vừa
chạy tìm tôi vừa khóc. Không biết chồng khóc vì xót số tiền đã mua tôi về làm
vợ hay thương yêu tôi thật lòng. Nhưng khi thấy chồng khóc, tôi lại không đành,
quyết định không trốn nữa", chị kể.
Chung sống được hai tháng thì chị mang thai. Sinh cậu con
trai đầu lòng, gia đình chồng tỏ ra khó chịu, cho rằng nhà đã nghèo khó, sinh
con trai thì sau này kiếm tiền đâu mà cưới vợ.
Để có số tiền 8 vạn nhân dân tệ mua chị về làm vợ, người nhà
chồng đã thế chấp nhà cửa đi vay ngân hàng. Giờ nhiệm vụ kiếm tiền trả nợ, cha
mẹ chồng giao lại hoàn tòan cho vợ chồng chị. Sinh con được một tháng, vợ chồng
chị được gia đình chồng cho ra riêng ở túp lều tranh ngay bên cạnh. Người chồng
phải xa nhà đi làm thuê kiếm tiền trả nợ. Một mình chị ở nhà vừa nuôi con, cáng
đáng việc đồng án.
“Bản thân được người ta mua về làm vợ nhưng tôi cảm thấy
mình là người may mắn khi gặp được người chồng hiền lành, biết thương yêu, chăm
sóc vợ con. Gia đình chồng từ khi tôi sinh con trai đã tỏ ra vô trách nhiệm,
không đoái hoài gì đến mẹ con tôi cả. Nghĩ thân phận mình, tôi càng quyết tâm
làm việc, dành dụm tiền để nuôi hi vọng một ngày được trở về quê hương", chị
Nguyệt chia sẻ.
Với quyết tâm kiếm tiền để trở về quê hương, chị Nguyệt chắt
chiu từng đồng bạc lẻ. Suốt 15 năm làm vợ trên đất khách, chị không dám mua cho
mình một bộ quần áo mới, không dám mua một con cá để ăn. Học được cách muối dưa
ngày còn ở với cha mẹ, hàng ngày, chị ra chợ nhặt những lá rau già bị người ta
vứt bỏ, mang về cắt nhỏ làm dưa muối để ăn, mang ra chợ bán kiếm tiền.
Dành dụm được chút tiền từ việc bán rau dưa, nuôi thêm đàn
gà, con lợn, cộng thêm số tiền chồng gửi về hàng tháng, chị đã trả được số nợ
ngân hàng đã vay mượn trước đây. Khi nợ nần không còn, chị lại bắt đầu góp tiền để làm lộ phí trở về quê hương.
Năm 2012, chị lại sinh đứa con thứ hai vẫn là “thằng cu”,
gia đình chồng lại tỏ thái độ không hài lòng. Lợi dụng điều đó, chị xin phép gia
đình được trở về tìm lại gia đình và kiếm vợ “dần” cho hai cậu con trai.
Sau 4 năm ròng thuyết phục, cuối tháng 7/2016 hạnh phúc vỡ òa khi chị được gia đình
chồng cho phép trở về quê hương. Vì sợ vợ con đi không trở lại, người chồng
cũng khăn gói đi cùng.
Ngày đoàn tụ trong nước mắt
Căn nhà nhỏ của ông Văn Đình Thuận (67 tuổi, bố của chị Nguyệt) những ngày qua nhộn nhịp người ra vào. Họ đến để chúc mừng gia đình ông được đoàn tụ, vì tò mò muốn biết cậu con rể người Trung Quốc cùng hai đứa cháu lai như thế nào. Sau 15 năm lưu lạc chẳng ai ngờ người phụ nữ này lại có cơ hội được trở về quê hương.
Ngồi ôm đứa cháu ngoại vào lòng, ông Thuận nhớ lại. Ngày
nghe tin con gái bị người đàn ông lạ dẫn đi, ông lặn lội tìm kiếm suốt 5 tháng
ròng. Hàng ngày ông rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp các bến tàu, nhà
xe, các địa điểm du lịch, nhà hàng để tìm. Vì không có tiền, ông phải bán con
lợn, đàn vịt, chiếc đồng hồ, bộ bàn ghế cũ để làm lộ phí. Một ngày chỉ ăn đúng bữa
trưa, tối đến nhai vội chiếc bánh mì nhạt rồi đến các khu chợ, ghế đá ngủ.
Sau 5 tháng ăn sương nằm đất nhưng tin tức con gái vẫn bặt
vô âm tín, ông buồn bã trở về. Cũng từ đó, dù không còn tiếp tục tìm kiếm nhưng
ông vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ nhìn thấy con gái mình trở về.
“Tôi cứ sợ khi nằm xuống rồi vẫn không có cơ hội gặp lại con mình. Biết nó còn sống, được trở về thế này không còn gì vui sướng hơn. Giờ nó đã có chồng con, sống khỏe mạnh như thế này, dù có nhắm mắt tôi cũng an lòng", ông Thuận chia sẻ.
Cũng theo ông Thuận, vợ chồng ông có 4 người con, chị Nguyệt là con thứ 3 trong gia đình. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên chị không được
đi học. Chưa kịp lớn đã phải xa nhà đi làm thuê. Rồi cũng vì không được chăm
sóc, lại nhẹ dạ, cả tin nên mới 21 tuổi, chị đã bị lừa bán, lưu lạc suốt 15 năm qua.
Nhớ lại ngày được đoàn tụ cùng gia đình sau bao năm bặt vô âm tín, hai dòng nước mắt chị Nguyệt lại rơi. Đến tận bây giờ, dù đã ngồi chung mâm cơm cùng cha mẹ nhưng chị vẫn cứ nghĩ đó là giấc mơ. Chị không nghĩ số phận mình lại may mắn như vậy.
Ở bên đó khó khăn, quanh năm suốt tháng chỉ bát cháo kê ăn
với muối. Nhưng vì khí hậu tốt lành nên hai đứa con chị mập mạp, trắng trẻo.
Cậu con trai lớn đã 14 tuổi, đứa nhỏ đã lên 4. Giờ về đây rồi chúng nói thích ở
đây luôn, không muốn quay trở về nữa.
Nhắc đến người đàn ông tên Quân đã lừa bán mình, chị Nguyệt chia sẻ: “Tôi chỉ gặp anh ta một lần duy nhất, cũng chẳng biết lý lịch anh ta như thế nào. Giờ có muốn tố cáo cũng biết gì về anh ta đâu mà tố cáo. Chung quy lại cũng chỉ vì tôi quá nhẹ dạ, cả tin nên mới bị người ta lợi dụng, lừa bán như vậy. Đã mười mấy năm trôi qua rồi, giờ tôi đã có chồng và hai đứa con. Tôi không muốn khơi lại quá khứ, xem như đó là số phận mình".
Chồng chị Nguyệt cũng ở lại quê vợ để sinh sống.
Được biết, đã nữa tháng nay kể từ ngày đưa chồng con trở về
thăm quê hương, để duy trì cuộc sống, anh Miền dù ở nơi đất khách quê người, dù
bất đồng ngôn ngữ nhưng vẫn xin đi làm phụ hồ trong các công trình xây dựng gần
nhà. Chị Nguyệt cũng không quản ngại nắng mưa, ngày hai buổi đi phu gạch. Hai
đứa con nhờ ông bà ngoại chăm sóc.
“Đã được
trở về rồi tôi không muốn ra đi nữa. Tôi không muốn trở về nơi nghèo khó kia.
Tôi muốn con cái mình bớt khổ, có tương lai. Chồng tôi cũng nói vợ con ở đâu
thì anh sẽ ở đó nên tôi quyết định sẽ ở lại quê hương mình. Dù nghèo khó nhưng
còn được ở bên cạnh cha mẹ, anh em. Tôi sẽ cùng chồng làm lụng để có cuộc sống
tốt đẹp hơn, nuôi con cái trưởng thành", chị Nguyệt trải lòng.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Sỹ Lực (trưởng công an xã Quỳnh Thạch) xác nhận, chị Nguyệt đã trở về đoàn tụ cùng gia đình sau 15 năm mất tích. Hiện tại, vợ chồng chị Nguyệt cùng hai cậu con trai đang sống cùng cha mẹ ruột tại địa phương.