Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn

Bài, ảnh: Thiên Kim,
Chia sẻ

Từ thành công của tủ đồ “ai cần thì lấy, ai thừa thì cho”, bà mẹ hai con xinh đẹp lại tiếp tục cho ra đời tủ sữa mẹ miễn phí sau nhiều tháng lao tâm ấp ủ.

10 tháng trước, nhiều người ngạc nhiên lẫn cảm động khi tủ đồ miễn phí "ai cần thì lấy, ai thừa thì cho" của chị Lê Huyền Trang (29 tuổi) ra đời. Đến nay khi tủ đồ đã đi vào ổn định, dù công việc kinh doanh lẫn cuộc sống rất bận rộn, bà mẹ ấy vẫn cố gắng đến cùng để tiếp tục tạo ra một trái ngọt sẻ chia nữa. Đó là tủ sữa mẹ dành cho những đứa trẻ không may phải xa lìa dòng sữa ngọt ngào từ sớm.

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Tủ sữa miễn phí bắt đầu hoạt động vào ngày mùng 10 Tết Đinh Dậu.

"Để hành trình làm mẹ là tuyệt vời nhất"

Tôi tìm đến số 548 Cộng Hoà (quận Tân Bình, TP.HCM) như một lần của nửa năm về trước. Ngay cửa, một chiếc tủ đầy ắp áo quần được gấp gọn gàng, in dòng chữ: Tủ đồ miễn phí, cần cần thì lấy, ai thừa thì cho. Suốt nhiều tháng qua, chiếc tủ ấy đã giúp biết bao người có hoàn cảnh khó khăn được ấm áp khi mùa đông, dễ chịu lúc trời hè, hay chí ít là không rách rưới, tàn tạ. Càng đáng trân quý hơn khi người khởi xướng ra nó, chị Lê Huyền Trang, chủ một công ty chuyên về dịch vụ chăm sóc mẹ và trẻ sơ sinh đã duy trì và mở rộng chiếc tủ nghĩa tình này đến nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Chị Trang, người sáng lập tủ sữa cùng con trai út của mình.

 Chị Trang tiếp tôi khi con trai út của chị đang ngủ say sưa. Vừa canh giấc ngủ cho con, chị vừa phải tiếp chuyện liên tục với những bà mẹ gọi đến xin sữa, trong khi bản thân phải kiêm luôn quản lý việc kinh doanh của công ty. Người mẹ hai con bận rộn như vậy hơn tuần nay, kể từ khi tủ sữa miễn phí bắt đầu hoạt động.

Chị Trang chia sẻ: "Thành công từ tủ đồ miễn phí chính là động lực để mình cho ra đời tủ sữa mẹ trữ đông. Lúc này mọi thứ cũng thuận lợi hơn vì các mẹ đã tin tưởng mình. Nhưng quan trọng hơn là nó đáp ứng được tâm tư, nỗi lòng của những bà mẹ vì nhiều hoàn cảnh mà không thể nuôi con bằng sữa của chính mình".

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Người "mở hàng" cho tủ sữa miền phí là một phóng viên.

 Xuất thân từ một được sĩ, lại làm công việc liên quan đến sức khoẻ của các bà mẹ và trẻ nhỏ và đồng thời cũng là mẹ "bỉm sữa", chị Trang từng chứng kiến rất nhiều trường hợp mẹ phải dùng sữa công thức để nuôi con. Nhưng vậy đã may, có người đến một lon sữa bò cũng không có tiền mua cho con uống. Đó là chưa kể trường hợp trẻ có thể bị dị ứng sữa công thức.

"Rồi có mẹ bị ung thư, mẹ bị viêm gan, bị nhiễm những căn bệnh quái ác nên dù có sữa cũng không thể cho con bú. Trong khi đó, có những người mẹ tuyệt vời, trời ban cho dòng sữa dồi dào đến độ con dùng mãi mà không hết, một ngày vắt dư được hẳn 1 lít, trữ mãi mà chả cần dùng đến nên sữa lại hư đi" – chị Trang chia sẻ những dòng tâm sự của mình trên trang cá nhân.

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Rất nhiều bà mẹ phải cho con uống sữa công thức vì thiếu sữa.

Nhận ra những mâu thuẫn ấy, lại cảm thương cho những đứa trẻ khát sữa chính là tiền đề để chị ấp ủ việc phải tạo ra một "ngân hàng sữa mẹ". Ở đó, người thiếu sữa sẽ tìm đến lấy cho con, và người mang bầu sữa tràn đầy có thể sẻ chia dòng sữa ngọt ngào của mình cho bao đứa trẻ khác.

Vẫn phương châm cũ, chị Trang mong muốn được làm nhịp cầu nối giữa người cần và người tặng. "Hãy sẻ chia để hành trình làm mẹ là tuyệt vời nhất" – câu slogan ngắn gọn nhưng chất chứa trọn vẹn tấm lòng của bà mẹ hai con.

Sợ nhất là sữa không an toàn

Chỉ có tấm lòng thôi chưa đủ. Tủ sữa của bà mẹ trẻ tưởng thuận lợi nhưng cũng gặp khá nhiều trở ngại, từ việc tìm kiếm nguồn sữa đến chi phí để đầu tư chiếc tủ bảo quản sữa chất lượng. Nhưng khó khăn lớn nhất nằm ở vấn đề làm sao để nguồn sữa nhận lấy từ khắp các nơi đảm bảo an toàn lẫn dinh dưỡng cho trẻ.

Chị Trang cho biết, quá trình này ngốn của chị đến hơn một năm, từ trước cả khi ra mắt tủ đồ miễn phí. Theo đó, chị phải đi khảo sát, hỏi ý kiến rất nhiều chuyên gia, để xem nguồn sữa từ những bà mẹ khác nhau có làm trẻ bị lây bệnh truyền nhiễm hay )như viêm gan, HIV…) hay không. Bên cạnh đó, chị cũng tham vấn trên dưới 300 bà mẹ để biết cách phân biệt đâu là nguồn sữa an toàn nhất cho trẻ.

Ngọt ngào tủ sữa miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Sữa trữ đông ghi rõ ngày tháng bắt đầu cho vào túi chuyên dụng.

 "Trong quá trình tìm hiểu, các bác sĩ cho mình biết, các sản phụ thường trải qua quá trình chăm sóc rất kỹ càng, phải xét nghiệm máu ít nhất ba lần, để nếu mang bệnh truyền nhiễm thì sẽ được sàng lọc ngay từ đầu. Mặc khác, tình trạng sức khoẻ cũng ảnh hưởng đến lượng sữa của mẹ, tức là nếu sức khoẻ yếu thì sữa cũng không đủ cho con mình bú chứ chưa tính đến việc dư thừa phải tích trữ" – chị Trang chia sẻ.

Xác định được điều này, chị Trang tìm cách giảm thiểu tối đa nguy cơ sữa kém chất lượng, bằng cách xác minh kỹ càng tình trạng sức khoẻ của người mẹ cũng như cách bảo quản sữa. Mặt khác, các túi sữa được mang đến phải ghi rõ ràng ngày giờ vắt và bắt đầu trữ đông. Nhưng chị Trang có một niềm tin mãnh liệt, rằng bất cứ bà mẹ nào khi đã cất công tìm đến cho sữa đã mang trong mình một thứ tình cảm thiêng liêng như mẫu tử. Đó là thước đo và là chiếc "máy kiểm nghiệm" chính xác hơn bất kỳ những cách thức nào khác.

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 6.

Chị Trang cử nhân viên công ty đi lấy sữa để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.

Vợ vắt sữa, chồng mang đến cho

Không phụ lòng bà mẹ trẻ, hơn một tuần bắt đầu, đã có gần 30 người đăng ký nhận sữa và khoảng 20 người liên hệ đến cho. Với tấm lòng của mình, chị Trang không nề hà phiền phức, dù nhiều trường hợp ở khá xa liên hệ được nhân sữa cho con.

"Trong nội thành thì mình huy động các nhân viên của công ty mang sữa đến tận nếu các bà mẹ không đến được, cũng là một cách để tìm kiếm ngồn sữa. Còn ở ngoại tỉnh như trường hợp của một mẹ ở Bình Thuận vừa rồi thì mình gửi chuyển phát nhanh để sữa không hư trong quá trình vận chuyển" – chị nói.

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Nhiều người không quản đường sá xa xôi đến cho sữa.

 Việc tủ sữa được đón nhận nhiệt liệt cũng giúp chị Trang có thêm động lực khi rất nhiều bà mẹ tìm đến cho sữa. "Có chị nhà ở Bình Dương, tranh thủ thời gian đưa người thân ra sân bay rồi tạt qua đưa cho mình cả một thùng sữa đầy gần 50 bịch loại 250 ml. Mỗi lần vắt sữa như vậy tốn cả tiếng đồng hồ của người mẹ, nên mình biết nó quý giá đến chừng nào" – chị Trang kể.

Giữa trời nắng, Anh Hải (29 tuổi) cầm một bị sữa mẹ trữ đông to tướng đến chỗ chị Trang. Anh làm nghề kinh doanh ở Hóc Môn, con đầu lòng mới 2 tháng tuổi. "Vợ mình dư sữa, coi trên mạng thấy có tủ sữa hay quá nên kêu mình mang sang. Để tủ lạnh cũng ko có chỗ nên đem cho, giúp được ai thiếu sữa thì giúp".

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 9.

Những người chồng đến cho sữa thay vợ.

  Có chút ngần ngại, chị Phan Thị Thu Hoài (27 tuổi, nhà ở Thủ Đức) cầm sẵn cả chứng minh nhân dân lẫn giấy khai sinh của con đến xin sữa. Con trai chị mới 9 tháng tuổi nhưng bị hóp lồng ngực nên cơ thể rất yếu, rất cần nguồn sữa mẹ nhưng chị lại không đủ sữa. "Sợ các chị không tin mình nói thật nên mình đem sẵn giấy tờ theo cho chắc. Nếu không có tủ sữa này chắc mình phải cho con uống sữa công thức mất" – chị Hoài thật lòng.

 

Ngọt ngào tủ sữa mẹ miễn phí của bà mẹ hai con ở Sài Gòn - Ảnh 10.

Chị Hoài vui mừng khi vừa có được những bịch sữa mẹ trữ đông mang về cho con.

 Cứ thế, bóng những người phụ nữ khệ nệ ôm chiếc thùng đã đầy ắp sữa cứ đến rồi đi. 

BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh, BV phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) chia sẻ việc san sẻ sữa mẹ cho các trẻ thiếu sữa là việc làm nhân đạo, rất có ý nghĩa nhân văn nhưng không được tuỳ tiện thực hiện.

"Sữa mẹ để trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng trong vòng 72 giờ, nếu trữ đông có thể dùng được sau khi vắt trong vòng 2 tuần đến 6 tháng tuỳ thiết bị trữ đông, nhưng cần đảm bảo các điều kiện vệ sinh thì mới an toàn cho trẻ. Có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây qua sữa mẹ như HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, giang mai...

Một nghiên cứu ở Úc đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do nhiễm vi khuẩn trong sữa mẹ và có những trường hợp sữa mẹ có số lượng vi khuẩn vượt quá mức cho phép mà người mẹ không có triệu chứng gì. Do đó người mẹ nếu làm mọi cách vẫn không đủ sữa mẹ thì nên dùng sữa mẹ hiến tặng đã được kiểm soát và xử lý đúng cách tại ngân hàng sữa mẹ chính thống".

Dù đã hoạt động tương đối hiệu quả, chị Trang cho biết vẫn sẽ tiếp tục cân nhắc và tiếp thu ý kiến chuyên môn của BS để hoàn thiện tủ sữa. Để sau khi thưởng thức dòng sữa sẻ chia ngọt lành, những đứa trẻ phải phát triển thật khoẻ mạnh.

Chia sẻ