Ngồi xuống tổng kết tiền nong 2023: Có người chi gần 1 tỷ dù không phải mua nhà mua xe nhưng vẫn xứng đáng!
Mọi người bắt đầu tổng kết năm, trong đó bao gồm những khoản chi đáng tiền nhất.
Cuối năm là thời điểm phù hợp nhất để nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm qua. Đó có thể là lướt lại những bức ảnh, story xem năm qua đã diễn ra như thế nào. Có người lại quyết định dọn dẹp file làm việc “chất đống" - biểu tượng của sự chăm chỉ trong năm qua.
Đối với một số người, đó là kiểm kê lại những khoản chi lớn xứng đáng nhất trong năm nay.
Chi 250 triệu đón em bé đầu lòng
Vợ chồng Trọng Trung (sinh năm 1992, Hà Nội) kết hôn năm 2021, và dự định có em bé vào năm 2023. Do sức khoẻ nền của vợ không tốt, cả hai đã chuẩn bị khá kỹ càng đón con đầu lòng. “Về khía cạnh tài chính, vợ chồng mình tiết kiệm từ lúc bắt đầu lên kế hoạch sinh em bé vào năm 2023. Các khoản tiền thu về từ đầu tư, mình sẽ trích ra một phần cho vào quỹ riêng, thay vì tái đầu tư tiếp".
Chi phí khám tổng quát, sức khỏe sinh sản trước khi của 2 vợ chồng: 25 triệu Tiêm vắc xin trước sinh sản cho mẹ: 8 triệu Trọn gói sinh sản ở bệnh viện tư: 35 triệu Lưu trữ tế bào gốc và máu cuống rốn: 80 triệu Bảo hiểm cho mẹ và em bé lần lượt: 26 triệu và 21 triệu Tiêm vắc-xin trọn gói 2 năm cho bé: 21 triệu Quần áo, máy móc, bỉm sữa, cũi, xe đẩy, đồ chơi, sửa sang phòng em bé: khoảng 30-35 triệu.
“So với nhiều nhiều người phải can thiệp bằng các biện pháp y khoa, vợ chồng mình có em bé theo hình thức tự nhiên cũng như sinh thường nên chi phí không quá cao. Thật ra một số khoản chi có thể cắt giảm, nhưng mình thấy không cần thiết. Nó nằm trong ngân sách đã đề ra trước đó nên mình vẫn quyết định xuống tiền".
Theo Trọng Trung, khi quyết định có thêm thành viên trong gia đình, vợ chồng nên chuẩn bị kỹ càng về tài chính. Lúc này, những khoản chi mới sẽ xuất hiện, có những chi phí còn không nằm trong dự tính. Hơn thế nữa, mẹ bé nghỉ sau sinh nên tổng thu nhập của gia đình sau đó sẽ bị giảm.
“Con cái là lộc trời cho, không nhất thiết phải chờ đến lúc kinh tế vững vàng, phải tiết kiệm một số tiền nhất mới sinh con. Song, mọi người nên có kế hoạch tài chính rõ ràng. Đừng để niềm vui khi có em bé lại thành gánh nặng cho cả hai. Nhiều gia đình khá áp lực vì tiền bạc sau khi sinh con, thậm chí là ảnh hưởng tình cảm vợ chồng, ông bà”.
Chi hơn 900 triệu học đóng gói concept doanh nghiệp
Nhân Thắng (sinh năm 1995, Hà Nội) mới đây đã chi 650 triệu cho khóa học đóng concept doanh nghiệp (bản đồ chiến lược và kế hoạch để làm một doanh nghiệp một cách bài bản) và phương pháp thẩm định dự án trong 1 tháng ở một Tập đoàn khá có tiếng về quản trị. Anh chàng cũng học thêm chương trình Giám đốc điều hành với học phí 270 triệu với thời gian học vỏn vẹn 3 ngày. “Quãng thời gian cấp 3 và đại học thiên về học nghệ thuật nên mình không quá tập trung đầu tư kiến thức. Sau đó, nhiều năm kinh doanh thất bại, mình muốn đầu tư để học về quản trị, nâng cấp bản thân".
Đây là khoản chi xứng đáng nhất vì Nhân Thắng đã tìm được 1 người thầy chỉ dẫn trong công việc cũng như cuộc sống. Bên cạnh đó, anh chàng đã tích lũy khoản tiền này trong khoảng thời gian làm Freelance về quảng cáo trên nền tảng Digital.
Nhân Thắng cho rằng các bạn trẻ nên chi 25-30% thu nhập cho việc học. Điều này giúp bạn cải thiện tư tưởng và tư duy, có nhiều góc nhìn để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống. Không những thế, bạn còn có thể tìm được ngành nghề bản thân yêu thích và đam mê. Song song đó, hãy nhớ tiết kiệm để trải nghiệm cuộc sống ngoài kia. Bạn sẽ có góc nhìn thực tế về cuộc sống hơn rất nhiều so với học sách vở và đi làm.
Chi 35 triệu đi 4 concert trong năm nay
Đặng Kiên (sinh năm 1998) đã đi 4 concert trong năm 2023, khoảng 35 triệu đồng. Trong đó:
1. Concert BlackPink ở Đài Loan (Trung Quốc): 12,7 triệu đồng
Vé concert: 3,7 triệu Khách sạn (3 ngày 2 đêm): 2,5 triệu; Tiền vé máy bay từ Hà Nội đi Đài Loan (Trung Quốc): 5,5 triệu; Ăn uống đi lại: 1 triệu
2. Concert Đen Vâu ở Hà Nội: 1,65 triệu đồng
Tiền vé concert: 70 euro ~ 1,82 triệu; Tiền khách sạn và vé máy bay: 530 euro ~ 13,78 triệu; Ăn uống đi lại: 2 triệu
3. Concert Imagine Dragons ở Hy Lạp - xuất phát từ Pháp vì anh chàng đang du học ở đây: 17,6 triệu đồng
Tiền vé concert: 70 euro ~ 1,82 triệu; Tiền khách sạn và vé máy bay: 530 euro ~ 13,78 triệu; Ăn uống đi lại: 2 triệu
4. Concert kỷ niệm 100 năm Disney ở Paris: 3,38 triệu đồng
Tiền vé Concert: 130 euro ~ 3,38 triệu Ăn uống đi lại như bình thường vì đang học ở Paris
“Đây là khoản chi rất xứng đáng nhất năm qua. Được nhìn thấy nghệ sĩ mình yêu thích ngoài đời. thưởng thức bữa tiệc âm nhạc sôi động với hàng chục nghìn người có cùng sở thích và đam mê, có thể tự do gào tên idol và hát theo bài hát mình yêu thích mà không cần phải lo nghĩ người xung quanh nghĩ gì,… Đấy là những trải nghiệm rất tuyệt vời với mình".
Có một số lý do khiến Đặng Kiên quyết định ưu tiên chi tiêu cho trải nghiệm. Đầu tiên, cậu bạn muốn sống hết mình và làm những điều bản thân yêu thích. Hơn thế nữa, tuổi trẻ có hạn, tiền có thể kiếm lại, còn những gì xảy ra ở độ tuổi đôi mươi cuối cùng sẽ chỉ là kỷ niệm. Trải nghiệm đi đu idol ở tuổi 20 sẽ khác với 25, 30, 35 hay 40 tuổi.
“Không bây giờ thì bao giờ. Đầu năm nay mình nghe tin BlackPink khả năng cao sẽ không tái ký hợp đồng với công ty quản lý, mình lo sợ sẽ không thể gặp cả 4 người trên 1 sân khấu nữa. Hay Đen Vân cũng vậy, concert lần 2 cách lần 1 đến tận 4 năm, và chẳng ai biết lần tiếp theo sẽ là lúc nào. Do vậy, đối với mình, thích là phải nhích, làm được thì phải làm luôn chứ không chần chừ, chờ đợi”.
Theo Đặng Kiên, khi đi xem concert hãy chuẩn bị kỹ càng nhất có thể, đặc biệt trong tiền bạc. Một sự chuẩn bị kỹ càng giúp bạn tiết kiệm được chi phí, cũng như tận hưởng được những điều bản thân thích mà không quá ảnh hưởng tới cuộc sống riêng, học hành và công việc.