Ngồi học 15 tiếng mỗi ngày, chàng trai bị liệt sau một giấc ngủ
Tỉnh dậy sau giấc ngủ, Tiểu Lôi thấy mình không thể cử động cơ thể do đốt sống cổ của anh bị tổn thương sau thời gian dài ngồi học 15 tiếng mỗi ngày.
Theo Metropolitan Express, nhân Ngày Cột sống Thế giới 16/10, giáo sư Tiền Vu, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), chuyên gia về các bệnh cột sống, khuyến cáo rằng những thay đổi trong thói quen hàng ngày của người hiện đại cũng như tư thế cột sống cổ không đúng khiến tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa.
"Tại phòng khám ngoại trú, chúng tôi phát hiện ngày càng có nhiều người mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở độ tuổi 20, thậm chí có người còn gặp vấn đề về cột sống cổ khi mới 17 - 18 tuổi", GS Tiền nói, đồng thời kể về Tiểu Lôi, bệnh nhân đặc biệt mà ông từng điều trị.
Cách đây không lâu, Tiểu Lôi (tên nhân vật được thay đổi), 22 tuổi, người Hàng Châu, được cha mình đưa đến chữa bệnh.
Cuối năm ngoái, anh học đại học năm cuối ở Hàng Châu và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh cho khóa cao học. Thời gian đó, anh chỉ ngủ 4 - 5 tiếng mỗi ngày. Ngoài việc ăn và ngủ, về cơ bản anh dành hơn 15 tiếng mỗi ngày cho việc ngồi vào bàn "dùi mài kinh sử".
Khoảng một tháng trước kỳ thi, Tiểu Lôi cảm thấy đau ở cổ, cánh tay tê. Để không ảnh hưởng đến việc ôn tập, anh cố chịu đựng cơn đau và tiếp tục học. Anh quyết tâm kiên trì chờ thi xong mới đi khám.
Khoảng một tuần sau, vào buổi sáng sớm, Tiểu Lôi thức dậy và phát hiện mình không thể nhấc tay hay cử động cơ thể nên gấp gáp nhờ bạn cùng phòng gọi xe cứu thương. Ngay khi đến bệnh viện, Tiểu Lôi được bế vào phòng cấp cứu.
Sau khi áp dụng nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, bác sỹ phát hiện cột sống cổ của anh bị tổn thương ở các đốt từ 4 đến 6, dây thần kinh cột sống bị chèn ép nặng dẫn đến liệt cấp tính. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ngay.
Ca phẫu thuật rất thành công nhưng do điều trị chậm trễ, dây thần kinh cột sống bị chèn ép quá lâu gây tổn thương không thể phục hồi, bệnh nhân khó có thể trở lại trạng thái ban đầu trong thời gian ngắn.
"Cổ đau nhức và cánh tay tê cứng thực chất là tín hiệu đau khổ mà cơ thể gửi đến. Nếu Tiểu Lôi tới bệnh viện kịp thời thì tình hình bây giờ đã hoàn toàn khác", GS Tiền nói đầy tiếc nuối.
Sau một thời gian điều trị, Tiểu Lôi được xuất viện. Anh trở về quê nhà tìm một công việc nhẹ nhàng và thường xuyên thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tay. Mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là được trở lại như ngày xưa.
(Nguồn: Sohu)