Ngôi chùa đất sét độc nhất tại Việt Nam

Trí Thọ, nguồn ảnh afamily.vn,
Chia sẻ

Đó là ngôi chùa ở Sóc Trăng với hàng nghìn bức tượng đất sét và những cây nến khổng lồ cháy hàng trăm năm không tắt …

Chùa đất sét thực ra có tên chữ là Bửu Sơn tự. Chùa được gia đình họ Ngô lập cách đây đã hơn 200 năm và để tu tại gia nên chùa không có sư, không nhận tiền công đức của khách thập phương. Hiện nay chùa do người trong gia đình thay nhau quản lý.
 

Ngôi chùa nằm kẹp giữa hai ngôi nhà có đánh số nhà.
 
Năm 1929, ông Ngô Kim Tòng, trụ trì chùa đời thứ 4, qua một lần ốm "thập tử nhất sinh" đã được trời Phật báo mộng nên quyết định tu bổ, tôn tạo chùa bằng cách nặn tượng thờ, linh vật bằng đất sét thay vì phải đúc bằng đồng hay tạc bằng gỗ.
 
Đầu tiên, ông lấy đất sét về phơi khô. Sau khi phơi khô, ông cho đất vào cối giã nhuyễn, lọc bỏ cát và chất tạp rồi từ trí tưởng tượng của mình tạo ra các hình tượng khác nhau. Sau khi làm xong, tất cả các sản phẩm bằng đất sét đều được phủ lên bên ngoài bằng sơn và dầu bóng nên trông chúng giống như làm bằng chất liệu gỗ vậy.
 



Những linh vật đều được nặn bằng đất sét.
 
Tất cả 1991 pho tượng lớn nhỏ trong chùa được ông tạc, nặn một cách tinh tế trong vòng 42 năm. Khi đã hoàn thành việc xây cất chùa và trang trí các tượng thờ, linh thú trong chùa thì ông bắt đầu lâm bệnh nặng và mất ở tuổi 62.
 
Trong số hàng nghìn đồ thờ, đặc biệt và lạ lùng nhất là Tháp đa bảo 13 tầng bởi tháp được đắp bằng đất sét mà không nghiêng lệch gì. Cạnh Tháp Đa Bảo có Bảo tòa thỉnh Phật. Bảo tòa có một tòa sen gồm 1.000 cánh sen và trong lòng 1.000 cánh  sen lại có 1.000 vị phật nhỏ xíu ngồi tọa thiền.
 

Tòa sen 1000 cánh.
 
Ngắm tòa tháp và tòa sen này, hầu hết khách tham quan đều nghĩ rằng đây là công trình của một nhà nặn tượng, nhà điêu khắc chuyên nghiệp chứ không phải của một người mới chỉ học hết lớp 3 trường làng như ông Tòng. Ông không hiểu biết gì về mỹ thuật nhưng lại tạo nên được những bức  tượng, những linh thú với hình khối, họa tiết vô cùng tinh xảo.
 
Những năm cuối đời, ông Tòng tạm ngưng đắp tượng để tiến hành việc đúc những cây nến dựng tại các toà chính điện trong chùa.
 
Để đúc được những cây nến  theo ý muốn, ông cất công lên tận Sài Gòn mua sáp bạch lạp (một loại sáp nguyên chất) rồi về chặt nhỏ ra, cho vào chảo nấu lỏng đổ vào khuôn.
 

Hai cây nến.
 
Dự kiến các đôi nến này có kích thước khổng lồ nên ông Ngô Kim Tòng không tìm được khuôn thích hợp. Sau nhiều lần suy tính, ông đã dùng tôn lợp nhà cuộn lại để làm khuôn.
 
Để đúc thành công một cây nến, ông Tòng phải kiên trì làm việc bởi bí quyết khiến nến cháy liên tục không tắt là khi đổ khuôn không để cho sáp có khớp ngang. Muốn vậy phải đổ thường xuyên cả ngày lẫn đêm trong suốt một tháng. Sau một tháng nến nguội rồi mới gỡ khuôn ra. Mấy tháng ròng liên tục làm như vậy ông đúc được sáu cây nến lớn, mỗi cây nặng 200 kg và hai cây nến nhỏ, mỗi cây nặng 100 kg.
 
Hai cây nến nhỏ được thắp từ ngày ông Tòng mất, cháy ròng rã đến nay đã 39 năm. Theo tính toán, mặc dù chỉ còn khoảng 1/5 chiều dài nhưng phải đến 4-5 năm nữa, hai cây nến nhỏ này mới cháy hết. Và một điều kỳ lạ nữa, đó là suốt 39 năm nay, hai ngọn nến này chưa một lần bị tắt vì bất cứ nguyên nhân gì.
 

Cây nến cháy 49 năm.
 


 
Sau khi hai cây nến nhỏ tắt, cặp nến lớn tiếp theo sẽ lần lượt được thắp lên. Dự kiến mỗi cây cháy khoảng 70 năm mới tắt. Như vậy, nếu đốt từng cây một thì phải mất khoảng hơn 400 năm nữa …


 

Chia sẻ