Ngoài phố đìu hiu, chợ online ở các khu chung cư vẫn cực kỳ tấp nập: Càng ở nhà nhu cầu ăn uống, mua sắm lại càng tăng cao
Mặc dù buôn bán offline gặp nhiều khó khăn nhưng các cửa hàng, các hộ kinh doanh nhanh chóng chuyển hướng sang hình thức online để cải thiện doanh thu.
Những ngày gần đây, các cửa hàng, quán xá ở Hà Nội, TP.H CM đều đã tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Chính vì thế, các tuyến phố ngày thường vốn đông đúc người qua lại nay cũng trở nên đìu hiu. Hàng quán đóng im ỉm, người qua lại cũng lác đác.
Phố Bùi Thị Xuân lúc 9h sáng vắng vẻ lạ thường vì các cửa hàng bị tạm đóng cửa.
Tuy nhiên, trái ngược với ngoài phố, hội chị em lại hoạt động trên MXH rất tích cực. Đặc biệt trong các hội nhóm của người dân chung cư, của công ty... liên tục xuất hiện các bài đăng rao bán và hỏi mua.
Theo quan sát, trên một số, tần suất xuất hiện các post mua bán tương đối lớn và tương tác cũng cao. Có vẻ như ở nhà thì nhu cầu mua sắm của mọi người cũng không giảm bớt, thậm chí, một số chị em còn thừa nhận: "Làm online ở nhà càng thèm ăn vặt". Và việc mua hàng online lại quá tiện lợi, chỉ cần lên Facebook, Instagram, Zalo hoặc một cuộc điện thoại thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Chỉ khoảng 30 phút, 1 tiếng sau hàng đã tới tận cửa.
Trên group của cư dân một khu chung cư có số lượng các bài đăng bán hàng nhiều hơn cả. (Ảnh chụp màn hình)
Đặc biệt, đăng bài trên các group của cư dân trong cùng khu chung cư thì đối tượng khách hàng hầu hết quanh đó, việc vận chuyển rất đơn giản, nhanh chóng. Chị Nguyễn Hà, đang sinh sống tại một khu chung cư ở đường Phạm Văn Đồng chia sẻ: "Trước kia mình vẫn bán hàng nhưng thời gian này mọi người hỏi mua nhiều hơn. Tuy số lượng khách nhiều nhưng lượng mua cũng không tăng quá nhiều. Nhưng tiện một điều là đi giao hàng cũng dễ, mình không cần gọi ship nhiều".
Chị Hà Phương, đang sinh sống tại một khu chung cư ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang kinh doanh đồ ăn vặt nội địa Trung như miến cay, chân vịt, cánh vịt, chân gà sả ớt, trà sữa nướng, xoài bao tử... cũng "phất" lên một chút.
"Trước kia mình đăng nhiều lên trang cá nhân, các hội nhóm nhưng còn không hiệu quả bằng hiệu giờ chỉ đăng lên group của khu chung cư. Quanh đây mọi người đặt mua khá nhiều, mua lần 1 rồi hợp lại đặt mua lần 2. Một phần nữa mình nghĩ do hàng quán đóng cửa, mọi người có ít lựa chọn hơn nên đặt nhiều" - chị Phương chia sẻ.
Các mặt hàng ăn vặt được nhiều người đặt mua.
Chị Hồng Nhung (làm việc tại một công ty truyền thông ở quận Thanh Xuân) thường làm bánh cho gia đình tiện bán cho đồng nghiệp. Không dám nhận là một người kinh doanh online chuyên nghiệp nhưng chị Hồng Nhung thời gian này cũng bận rộn hơn vì số lượng đơn tăng lên dù chỉ đăng bài lên trang cá nhân và group xóm chợ online của công ty. "Bán hàng online chỉ là phụ thôi nhưng trong lúc khó khăn, khách hàng ít, lương giảm, tiền tiền kinh doanh cũng không có thì lại giúp mình cải thiện thu nhập" - Chị Nhung cho biết.
Cũng bán hàng đồ ăn vặt online nên khi TP Hà Nội yêu cầu đóng cửa hàng quán, chị Dương Thị Thu Thảo (Hai Bà Trưng) cũng không bị thiệt hại gì. Thậm chí, số đơn hàng của chị còn tăng một chút, có thời điểm lúc còn cháy hàng, không kịp giao cho khách vì nguyên liệu cũng khan hiếm hơn.
Còn anh Ngọc Cường, đang mở một quán bún đậu và các đồ ăn vặt thì chia sẻ bản thân tuy gặp khó khăn hơn nhưng vẫn đang cố khắc phục: "Mình vẫn không bán cho khách dùng tại quán nhưng 4 nhân viên vẫn không phải nghỉ. Chủ và thợ vẫn ở đây để làm, tự ship cho khách. Tiền thuê mặt bằng không hề rẻ, phải cố làm và đẩy mạnh quảng bá trên facebook thôi. Doanh thu chắc chắn giảm nhưng phần nào gỡ gạc lại".
Quán bún đậu và đồ ăn vặt của anh Cường vẫn hoạt động nhưng chỉ bán cho khách mang về hoặc đặt ship.
Theo chia sẻ từ một số người mua hàng, họ cảm thấy mua online cũng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, khi đặt mua của những người chung sống cùng khu hoặc làm cùng một công ty, tập đoàn thì có sự yên tâm hơn.
"Mình biết nhà họ ở đâu, nơi họ làm việc thì cảm thấy yên tâm hơn. Nếu hàng hóa có vấn đề gì lập tức tới tận nơi phản ánh hay trả lại. Đặc biệt với các mặt hàng như thực phẩm, đồ ăn thì mua gần, tiện lấy ăn ngay lại càng hay" - Chị Huế Trần (nhân viên công ty dược phẩm ở Bắc Từ Liêm) vừa mua mấy cân mực ống của chị bạn cùng công ty chia sẻ quan điểm.
Dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết người dân, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, 1 lượng không nhỏ người lao động bị mất việc, giảm lương... Thế nhưng, người dân cũng chuyển dịch thói quen mua sắm, tìm cách khắc phục hậu quả và mua - bán online là một trong những giải pháp giảm đau nền kinh tế.
Bởi thế, các cửa hàng tạm đóng cửa, ngoài phố vắng vẻ, đìu hiu nhưng các chợ online khu chung cư, công ty, khu phố nói riêng và chợ buôn bán online tổng hợp nói chung đều vẫn hoạt động sôi nổi. Nghề tay trái này là cách để mọi người vượt qua mùa dịch Covid-19, kiếm thêm thu nhập khi công việc chính bị ảnh hưởng.