Hàng quán đóng cửa, chị em rủ nhau họp chợ online: Đồ ăn vặt lên ngôi, thực phẩm hàng ngày cũng chạy như tôm tươi

M52,
Chia sẻ

Các hàng quán tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch Covid-19 nên trên các chợ online lại càng thêm nhộn nhịp.

Sau TP. HCM thì Hà Nội cũng đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố. Quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống Covid-19. 

Điều này đương nhiên sẽ gây nên ít nhiều xáo trộn trong cuộc sống của mọi người. Nhưng để giải quyết vấn đề, hội chị em đã nhanh trí tìm đến các địa chỉ bán hàng online, mua sắm tất tần tật từ quần áo, giày dép, đồ ăn vặt, thực phẩm hàng ngày. Đây cũng là cách của các cửa hàng trong mùa dịch nhằm kéo lại doanh thu, hạn chế thiệt hại khi bị đóng cửa hàng.

Dễ thấy, khi các hàng quán tạm đóng cửa, chợ online lại hoạt động sôi nổi hơn hẳn ngày thường. Hầu hết các group mua bán đều mở topic họp chợ, kêu gọi mọi người vào rao hàng: "Hiện giờ thì chỉ có cầm điện thoại để mua bán, trao đổi hàng hoa thôi. Cả nhà có gì quăng hết vào topic này. Họp chợ để cùng ra đơn nhé", "Họp chợ đi chị em ơi", "Em chưa biết tối nay sẽ ăn gì, cả ngày ở nhà vừa xong bữa sáng đã tới bữa trưa, vừa mới đó lại tới bữa tối. Phát điên vì nghĩ món ăn là có thật. Ai có món gì gợi ý không?"...

Hàng quán đóng cửa, chị em thi nhau họp chợ online: Đồ ăn vặt lên ngôi, thực phẩm hàng ngày cũng chạy như tôm tươi - Ảnh 1.

Chị em kêu gọi nhau họp chợ online để mua, bán, trao đổi hàng hóa. (Ảnh chụp màn hình)

Mỗi bài đăng như thế đều thu hút lượt like và bình luận lớn. Các thành viên vào giới thiệu rõ về giá cả, mặt hàng, chế độ vận chuyển cho khách.

Đặc biệt, số lượng bài đăng về các đồ ăn vặt dường như áp đảo và lượt tương tác cao hơn hẳn so với các mặt hàng khác trong group mua bán online. Có vẻ dịch thì dịch, niềm đam mê ăn uống của hội chị em vẫn là điều khó bỏ, không tới trực tiếp được thì gọi đồ ăn online.

Bánh, chè, ruốc, nem rán, chân gà xả ớt... là những mặt hàng đông đảo chị em quan tâm. (Ảnh chụp màn hình)

Chị Nguyễn Mai Chi, chủ một cửa hàng trà sữa và đồ ăn vặt ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Mấy ngày gần đây lượng khách đặt hàng online có tăng thêm khoảng 20%. Khách không đi ra ngoài nên hay gọi giao hàng về nhà ăn uống. Với mình thì có lãi vì chỉ bán online, có lượng khách ổn định rồi nhưng nhiều hàng quán offline thì thiệt hại lớn đấy".

Các thực phẩm hàng ngày như rau, hoa quả, chả, giò... cũng được chị em chọn mua không ít. Thậm chí, nhiều gia đình quyết không tích trữ đồ ăn mà ngày nào lo ngày đấy.

Hoa quả, đồ ăn là những mặt hàng đang được chị em quan tâm. (Ảnh chụp màn hình)

Vừa làm văn phòng, vừa kinh doanh online thêm các mặt hàng như xúc xích, chả cốm, chả ốc... chị L.T.T cho biết: "Giá cả các mặt hàng vẫn thế, khách hỏi mua nhiều và có khi còn cháy hàng không có mà bán vì thực phẩm khan hiếm hơn".

Chị T.T cho biết có khi còn cháy hàng vì khách hỏi mua tăng lên nhiều.

Như chị T.D (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết không mua gì ngoài 1 thùng mì tôm để ăn sáng. Thời gian này được làm online ở nhà, chị thường tranh thủ lượn vào các group bán hàng có tiếng, đông thành viên để xem có món gì mới. "Trước kia phải đi làm thì cứ trên đường về mình ghé qua chợ. Giờ được ở nhà làm nên lười thay đồ, lười ra ngoài, thành ra mua thực phẩm mình cũng gọi ship hết. Buổi trưa mình mua ngọn bí và trứng vịt lộn, thêm ít chả cốm. Buổi tối mua mấy cân sò lông ngồi ăn trừ bữa được" - chị T.D chia sẻ.

Các mặt hàng khác như giày dép, quần áo, lọ hoa, đồ chơi trẻ em, vật dụng gia đình... cũng vẫn được các chị em rao bán tích cực trong thời gian này. Việc chuyển đổi dần hình thức bán offline sang tăng cường bán online không chỉ cải thiện thu nhập cho người lao động mà còn là biện pháp giảm đau kinh tế hiệu quả.

Hàng quán đóng cửa, chị em rủ nhau họp chợ online: Đồ ăn vặt lên ngôi, thực phẩm hàng ngày cũng chạy như tôm tươi - Ảnh 5.

Chia sẻ