Ngoài phi công, tiếp viên, đây là nghề trong ngành hàng không có thu nhập đáng kể
Đây là vị trí công việc có thu nhập cao nhưng rất áp lực
Những năm gần đây, ngành hàng không trên đà phát triển mạnh mẽ, tạo ra cơ hội việc làm cho các bạn trẻ có ước mơ làm trong ngành nghề này. Ngoài phi công, tiếp viên hàng không, bạn có thể trở thành kiểm soát viên không lưu với mức thu nhập cao. Đây là công việc mơ ước được nhiều bạn trẻ quan tâm.
KIỂM SOÁT VIÊN KHÔNG LƯU LÀ GÌ? CÔNG VIỆC CỤ THỂ RA SAO?
Để đảm bảo an toàn đường hàng không cần sự phối hợp và liên kết từ nhiều bộ phận khác nhau, trong đó có dịch vụ không lưu. Kiểm soát viên không lưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo máy bay biết vị trí chính xác, không bị lạc đường, không bị trùng đường bay và không xảy ra va chạm khi hạ cánh cùng một thời điểm.
Kiểm soát không lưu được chia thành 4 loại hình khác nhau, gồm: Kiểm soát không lưu đường dài, kiểm soát không lưu tiếp cận, kiểm soát không lưu tại sân bay và kiểm soát không lưu mặt đất. Với mỗi loại hình trên sẽ là những kiểm soát viên không lưu tương ứng.
1. Kiểm soát viên không lưu đường dài
Trong số các vị trí kiểm soát, kiểm soát viên đường dài mang trọng trách lớn hơn cả với nhiệm vụ đảm bảo hoạt động bay luôn an toàn. Trên không gian cao, tầm nhìn bị che khuất, vì vậy hoạt động bay của các tàu bay cần được kiểm soát một cách liên tục và chặt chẽ. Kiểm soát viên không lưu đường dài sẽ đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các tàu bay bằng cách áp dụng quy định khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các tàu bay là 1.000 feet, tương ứng với 304,8m trên không.
Trong suốt hành trình bay từ khi cất cánh, kiểm soát không lưu cần giữ liên lạc với phi công, nắm được lộ tuyến để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chưa dừng ở đó, ngày nay lưu lượng chuyến bay tăng cao khiến kiểm soát không lưu không những phải đảm bảo yếu tố an toàn mà còn kiêm luôn việc điều phối để đẩy nhanh tốc độ, giúp lưu lượng chuyến bay đạt hiệu quả cao nhất.
2. Kiểm soát viên không lưu tiếp cận
Nhiệm vụ của họ là dẫn dắt và sắp xếp các tàu bay đến theo một thứ tự nhất định để không xảy ra tình trạng chen lấn lộn xộn. Sau khi tàu bay được xếp thứ tự thì sẽ tiến hành vào làm tiếp cận và hạ cánh. Không chỉ vậy, kiểm soát viên không lưu tiếp cận còn phải hướng dẫn các tàu bay xác định độ cao một cách nhanh nhất vào đường bay mình mong muốn trước khi chuyển tiếp sang giai đoạn bay đường dài.
3. Kiểm soát viên không lưu tại sân bay
Kiểm soát viên không lưu tại sân bay có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động của tàu bay khi cất cánh và hạ cánh. Họ là người cung cấp thông tin cho tàu bay cất cánh đúng với kế hoạch dự kiến, hướng dẫn những tàu bay đến sân bay hạ cánh đúng theo quy định,… Nói chung tất cả những hoạt động của tàu bay từ khi vào địa bàn sân bay đều phải nghe theo chỉ thị và hướng dẫn của kiểm soát viên làm việc tại sân bay để không gây ra tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát trên cao.
4. Kiểm soát viên không lưu mặt đất
Các kiểm soát viên không lưu mặt đất có trách nhiệm kiểm soát hoạt động của các chuyến bay trong khu vực từ địa điểm đỗ cho đến vị trí chờ để cất cánh hoặc hạ cánh. Họ sẽ điều hành tàu bay, người và các phương tiện di chuyển trong khu vực thuộc phạm vi quản lý. Mọi phương tiện di chuyển đều phải được sự cho phép của kiểm soát viên không lưu, nếu các phương tiện vi phạm quy định sẽ bị xử lý theo quy định.
NHỮNG TỐ CHẤT MÀ KIỂM SOÁT VIÊN KHÔNG LƯU CẦN CÓ
1. Yêu công việc và có trách nhiệm
Trước tiên, yêu cầu cần thiết cũng là bắt buộc để bạn hoàn thành nhiệm vụ là phải có niềm đam mê với công việc. Khi đam mê, bạn sẽ làm việc với sự nhiệt huyết kèm theo trách nhiệm. Như vậy, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ cao hơn rất nhiều so với một người làm việc theo kiểu "hết giờ lấy tiền".
2. Có trí nhớ và định hình không gian tốt
Một kiểm soát viên không lưu xuất sắc là những người sở hữu trí nhớ siêu phàm. Nghĩa là bạn cần phải sở hữu một bộ não cực thông minh, trí nhớ tốt để có thể ghi nhớ đường bay, dữ liệu thu thập được và quan sát được trên bầu trời để đưa ra phương hướng chính xác cho phi công.
Ngoài ra, bạn còn phải có định hình về không gian thật tốt để liên tưởng tới những bối cảnh trên quãng đường mà phi công đang hoạt động.
3. Khả năng làm việc theo nhóm và có sự quyết đoán
Trong những tình huống xấu, chẳng hạn như máy bay gặp sự cố, kiểm soát viên không lưu phải đưa ra phương án giải quyết nhanh chóng dưới sự trợ giúp của đồng nghiệp. Lúc này, bạn cần có kỹ năng làm việc nhóm. Bên cạnh đó, khi gặp tình huống đã nghĩ ra cách giải quyết, kiểm soát viên không lưu có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm về lựa chọn đó.
4. Sức khỏe là yếu tố quan trọng cần lưu ý
Là người đồng hành cùng phi công trong suốt chuyến bay. Thậm chí, kiểm soát viên không lưu còn phải quan sát nhiều hơn phi công nên họ cần có sức khỏe tốt, dẻo dai để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày.
5. Cần phải biết ngoại ngữ
Ngoại ngữ cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc. Kiểm soát viên không lưu không chỉ làm việc với phi công Việt Nam mà còn phải làm việc với rất nhiều phi công đến từ các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, bạn cần phải biết ngoại ngữ để có thể trao đổi và hướng dẫn họ đảm bảo có một lộ trình an toàn tuyệt đối.
6. Chịu được áp lực công việc
Những kiểm soát viên không lưu, đặc biệt là kiểm soát viên không lưu đường dài cần làm việc hết công suất. Khối lượng công việc một ngày rất lớn nên luôn phải đối mặt với áp lực.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bạn cần có sự kiên định, ý chí phấn đấu cao để đối mặt và vượt qua những áp lực thường ngày. Hãy coi đó là một trong những nhiệm vụ phải hoàn thành để đạt chất lượng cao trong công việc.
THU NHẬP CỦA KIỂM SOÁT VIÊN KHÔNG LƯU RẤT HẤP DẪN
Kiểm soát viên không lưu có vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn trong mỗi hãng bay, vì vậy đây là một vị trí được ưu ái và chú trọng nhất. Khi tham gia vị trí kiểm soát viên không lưu, bạn sẽ được chu cấp toàn bộ trang thiết bị phục vụ cho công việc tốt nhất. Ngoài ra, kiểm soát viên không lưu còn được tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn.
Một kiểm soát viên không lưu có mức lương dao động từ 50 triệu đồng trở lên/tháng, tùy thuộc vào năng lực và thâm niên công tác.
Một số vị trí công việc đối với nghề kiểm soát viên không lưu:
- Chuyên gia về an toàn, điều tra sự cố không lưu;
- Chuyên gia không lưu;
- Chuyên gia về huấn luyện (Huấn luyện viên không lưu);
- Kiểm soát viên không lưu trở thành chuyên gia thiết kế phương thức bay, thiết kế vùng trời không lưu;
- Trở thành các lãnh đạo tại các trung tâm kiểm soát viên không lưu;
- Đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các phòng, ban, đơn vị thuộc Tổng công ty và Cục Hàng không Việt Nam.