“Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” - cuốn sách tuyệt vời về tình mẹ

Libra,
Chia sẻ

Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên thực sự chạm đến trái tim của người đọc bởi những điều quá đỗi gần gũi với bất cứ ai trên cuộc đời này.

“Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” là cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Hàn Quốc, Cheon Myeong Kwan. Với hai vế đối nhau, ngay từ tựa đề tiểu thuyết đã làm nổi bật thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm: Dù ngoài kia dông bão như thế nào, thì lòng mẹ vẫn là chỗ dựa bình yên nhất cuộc đời. Từng trang sách như những nét vẽ đơn giản, mộc mạc nhưng sâu sắc về tình mẹ. Cuốn sách khiến bạn cười, khiến bạn khóc, khiến bạn xót xa và rồi hạnh phúc. 
 
 
Cuốn sách mở đầu bằng sự bế tắc của nhân vật khi phải tự mình đối diện với sự tuyệt vọng đến cùng cực. Thứ gì bán được cũng đã đội nón ra đi, đầu tiên là cái xe hơi cũ chạy ròng rã mười năm, sau đó là tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính xách tay... Ngay đến cả bộ sưu tập sách với băng video cũng lần lượt nối tiếp nhau rời khỏi nhà. Căn phòng nhỏ tối tăm ấy chỉ còn trơ lại tấm nệm và gã trung niên 48 tuổi sống trong đống đổ nát. Không sự nghiệp, không vợ con, giá mà gã còn son trẻ, gã có thể “bán ngay tức khắc tấm thân này”. Nhưng thực tế bây giờ, gã chỉ muốn “chết đi cho xong nợ đời”.
 
Trong thời khắc ấy, khi mà con người ta nợ nần chồng chất và đợi đến hôm sau bị tống ra khỏi nhà trọ, khi mà mọi hy vọng lụi tắt còn niềm tin như chút ánh sáng le lói cuối ngày tàn… ấy là lúc gã nhận được cuộc gọi từ người mẹ già. Cuộc gọi giản đơn với câu thoại “Mẹ nấu cháo gà đấy, con về ăn nhé?” nhưng lại bừng lên trong lòng người đàn ông đã đi quá nửa cuộc đời một nguồn ấm áp lạ kỳ. 
 

“Giây phút khi nghe mẹ bảo tôi về ăn cháo gà, cơn đói bỗng quặn lên đau cả bụng. Miệng tôi như đượm vị cháo gà ngầy ngậy, beo béo. Một cơn thèm khát dâng lên mãnh liệt, thực sự lúc ấy tôi chỉ muốn được vục đầu vào cái nồi đầy cháo mà húp xì xoạt”... Cổ họng đột nhiên nghẹn thắt, gã đáp lại bằng một giọng yếu ớt “Mẹ, con đến ngay đây”. Ngừng lại ở đoạn này, tôi bỗng thấy cay cay nơi sống mũi, chợt nhớ lại những dòng thơ mà mình từng đọc được:

“Ăn chưa con?
Tiếc nuối gì những bữa cơm phải tự mình ngược đãi
Mà phải ăn vội ăn vàng,
Lề đường, hàng quán
Bát cơm chan nước mắt
Về nhà đi, mẹ nấu cơm rồi”…

Phải rồi, cho dù sách kinh tế có dạy chúng ta “không có bữa trưa nào là miễn phí”, thì trong ngôi nhà nhỏ, nơi có người mẹ già tần tảo, những bữa cơm vẫn luôn là miễn phí đến cuối đời. Có lẽ In Mo sẽ không ngờ rằng, ngoài nỗi xấu hổ khi về “ăn bám”, gã còn phải đối diện với một ông anh 52 tuổi từng vào tù ra khám, một cô em ly dị chồng … Tất cả đều quay về với mẹ, nơi khu tập thể cũ kỹ dọc theo đường tàu hỏa vùng ngoại ô khu. Căn nhà mẹ mua bằng số tiền bảo hiểm tai nạn khi bố qua đời trong tai nạn ô tô mười năm trước. Và giờ đây, họ lại bắt đầu học cách sống cùng nhau, như những đứa trẻ trong hình hài người lớn, bên cạnh người mẹ tuổi đã ngoài 70. 
 

Dõi theo từng trang viết của Cheon Myeong Kwan, người ta càng đọc càng bị lôi cuốn bởi giọng văn nhẹ nhàng, có khi hài hước, có lúc lại xót xa. Ông đặc tả Han Mo, anh trai In Mo , “như một con quái vật khổng lồ bị thiểu năng thần kinh”, kẻ biến thái với đủ tiền án về bạo lực, lừa đảo, trộm cắp, một tên vô lại, đi tù như đi chợ. Hay cô em gái út Mi Yeon với cuộc sống hôn nhân đầy khó khăn, phải trải qua đến hai đời chồng nhưng cái kết vẫn là đường ai nấy bước. Cô đem theo đứa con gái mới lớn với tính cách ngỗ ngược, hư hỏng, khó lòng dạy bảo. 

Mỗi nhân vật đều mang những bí mật, những nỗi niềm riêng, nhưng người mẹ chẳng bao giờ chỉ trích, cũng không can thiệp quá sâu vào đời sống và bí mật của các con, thậm chí chẳng hỏi vì cớ gì mà lại quay về. Đối với bà, nấu cho chúng một bữa ngon lành, nhìn chúng ăn thật no đã là một niềm hạnh phúc. Dù thực đơn chỉ quẩn quanh với cháo gà, miến xào, mì đậu tương... nhưng đủ khiến các con cảm thấy khoảng trống trong lòng vơi đi không ít.
 

Hình ảnh người mẹ mà Cheon Myeong Kwan miêu tả với “ánh hoàng hôn buổi xế chiều đang nặng nề phủ bóng xuống khuôn mặt” khiến tôi không khỏi xúc động. Bà không đủ sức mạnh để giải quyết tất cả vấn đề của chúng, cũng không thể thay con gánh vác những lỗi lầm, nhưng ở bà có một sự bao dung và chia sẻ. Bà không quay lưng với con, không từ bỏ niềm mong đợi và kỳ vọng, cánh cửa ấy vẫn sẵn sàng đón những bước chân lạc lối quay về. Sự đồng hành dịu dàng ấy, mùi thơm từ những món ăn lan tỏa nhẹ nhàng trong căn phòng ấy, phải chăng là liều thuốc giảm đau hữu hiệu nhất cho vết thương của từng người?

“Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” được xuất bản với sự hỗ trợ của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Cheon Myeong Kwan đã thực sự chạm đến trái tim của người đọc với ngòi bút uyển chuyển cùng thông điệp sâu sắc. Khi những mảnh đời, những nỗi đau riêng lẻ tụ họp về dưới một mái nhà, trong tình yêu vô điều kiện của mẹ, họ đã cùng nhau tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, cái họ gọi là “gia đình”, là tình thân ruột thịt.
Chia sẻ