Ngoại giao vắc xin và con đường đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin
Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc xin, goại giao vắc xin là một "mặt trận" rất quan trọng, là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vắc xin.
Nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, lâu dài
Với sự xuất hiện các biến chủng mới từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và lây lan nhanh trên thế giới và ở trong nước, cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam bước sang giai đoạn mới.
Đứng trước tình hình này, cùng với việc bổ sung phương châm phòng chống dịch "5K vắc xin công nghệ", Việt Nam xác định, chiến lược vắc xin vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc xin ngừa Covid-19, cộng với tình trạng phân phối vắc xin không đồng đều giữa các quốc gia, thì ngoại giao vắc xin là một "mặt trận" rất quan trọng, bởi vận động được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vắc xin.
Lô vắc xin Moderna do Mỹ viện trợ thông qua cơ chế Covax.
Thực tế là, bằng ngoại giao vắc xin, hàng chục triệu liều vắc xin từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đã về đến Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào công tác phòng chống dịch, tiến tới từng bước mở cửa xã hội.
Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao nhất đến những người tham gia trực tiếp vào công tác ngoại giao vắc xin là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Xuất phát từ yêu cầu cấp bách về phòng chống dịch Covid-19, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh và tầm quan trọng của ngoại giao vắc xin, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học-Công nghệ.
Một trong những địa bàn được đánh giá là có những kết quả tích cực trong công tác ngoại giao vắc xin là Liên bang Nga, khi Việt Nam không chỉ tiếp cận được nguồn vắc xin của Nga mà còn đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ để gia công vắc xin Sputnik V tại Việt Nam, từng bước tiến tới tự chủ nguồn vắc xin mà không phải sử dụng ngân sách nhà nước.
Nỗ lực từ cấp cao để đưa vắc xin về nhiều nhất, sớm nhất
Thành quả tốt đẹp của công tác ngoại giao vắc xin nói chung cũng như ngoại giao vắc xin với địa bàn Liên bang Nga nói riêng đến từ một chiến lược xuyên suốt, kịp thời và hiệu quả từ trên xuống dưới, cũng như từ những hành động cụ thể thể hiện quyết tâm đưa được vắc xin về càng nhiều, càng sớm càng tốt phục vụ công tác phòng chống dịch. Có thể thấy, thông điệp về vận động vắc xin được thể hiện trong mọi chương trình nghị sự, làm việc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với lãnh đạo, đại diện ngoại giao các nước bạn.
Trong buổi tiếp Đại sứ Liên bang Nga Gennady Bezdetko nhân dịp Đại sứ bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, bên cạnh các trao đổi quan trọng về quan hệ hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có vấn đề cung cấp và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng, chống Covid-19 cho Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 16/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có buổi điện đàm hết sức hiệu quả và thực chất.
Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng thành công của Nga trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, bày tỏ cảm ơn và nhấn mạnh mong muốn của Việt Nam về việc Nga tiếp tục hỗ trợ về vắc xin, thuốc điều trị và vật tư y tế chống dịch, ưu tiên tiếp cận vắc xin và đẩy nhanh chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.
Đáp lại, lời đề nghị đã nhận được sự cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu nước Nga khi Tổng thống Putin đánh giá cao hợp tác giữa hai nước trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua với nhiều hành động thiết thực và cụ thể và khẳng định tiếp tục hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm sớm đẩy lùi đại dịch.
Thông điệp về hợp tác vắc xin cũng là một nội dung quan trọng trong các cuộc trao đổi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều vị lãnh đạo khác của Việt Nam với các lãnh đạo Nga và đại diện ngoại giao Liên bang Nga tại Việt Nam.
Trong khi đó, tại Liên bang Nga, ngay từ đầu tháng 8, dù mới bắt đầu nhiệm kỳ một thời gian ngắn, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã thành lập một tổ công tác đặc biệt chuyên trách việc tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực phòng chống Covid-19, trong đó một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là triển khai nỗ lực "ngoại giao vắc xin" để hỗ trợ hiệu quả công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 trong nước.
Nhiệm vụ của tổ công tác là tìm hiểu kinh nghiệm của Nga trong phòng chống dịch, tìm kiếm các nguồn thuốc điều trị và đặc biệt là vắc xin để phối hợp với trong nước triển khai mua, nhập khẩu. Tổ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ ngành trong nước và các doanh nghiệp được nhà nước chỉ định đứng ra mua vắc xin và thuốc điều trị để làm việc với các cơ quan chức năng của Nga - ở đây là Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF).
Các nỗ lực tiếp xúc, tìm kiếm, vận động được triển khai không mệt mỏi ở nhiều cấp độ ngoại giao. Cuối tháng 9 vừa qua sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hợp tác phòng chống Covid-19 giữa Việt Nam và Nga cũng được coi là một trong bốn nội dung làm việc trọng tâm. Cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các lãnh đạo nước bạn đã bàn đến các biện pháp cụ thể trong hợp tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19, bao gồm cả việc cung cấp vắc xin Sputnik V cho Việt Nam, cũng như việc chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnik V tại Việt Nam.
Đến 28/9, lô vắc xin Sputnik V đầu tiên cũng đã được Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) tiếp nhận tại Hà Nội. Buổi lễ chuyển giao diễn ra tại sân bay Nội Bài với sự tham dự của Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, Thứ trưởng Bộ Y tế Gs.Ts Trần Văn Thuấn, đại diện Bộ Ngoại Giao, các cơ quan quản lý, ngoại giao, thương mại hai nước… Trước đó, ngày 26/9 VABIOTECH cũng công bố sản xuất thành công lô vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn được Viện Gamalaya (LB Nga) phân tích và thẩm định. VABIOTECH - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế là đối tác nhận chuyển giao công nghệ gia công đóng gói và sản xuất vắc xin Sputnik V của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tại Việt Nam theo hợp đồng sản xuất, chuyển giao công nghệ và nhập khẩu với số lượng hàng giai đoạn đầu tiên từ nay tới tháng 6/2022 là 40 triệu liều vắc xin theo thỏa thuận đã ký kết.
Theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Liên bang Nga, do hiện tại nguồn cung vắc xin trên thế giới còn khan hiếm, Việt Nam có chủ trương đa dạng các nguồn cung vắc xin để phục vụ cho mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, Nga là nước có nền khoa học nghiên cứu y học rất tốt, bằng chứng thể hiện qua việc Nga đã sáng chế và đăng ký tổng cộng 4 loại vắc xin Covid-19 và kết quả miễn dịch lên tới trên 97% của Sputnik V. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ xem xét một số loại vắc xin Covid-19 và thuốc chữa khác của Nga.