Ngơ ngác nghe tin xóa sổ, dân chợ Long Biên lo mất cơ nghiệp
Sau khi có tin Bộ Công Thương có quyết định xóa bỏ hoặc di dời chợ đầu mối Long Biên, hàng ngàn tiểu thương buôn bán tại chợ này sau phút ngơ ngác đã tỏ ra lo lắng. Nhiều người cho biết, nếu chợ bị xóa sổ thì rất nhiều người sẽ bị phá sản, mất cả cơ nghiệp.
Ngơ ngác rụng rời
Đang tựa lưng vào ghế tranh thủ chợp mắt ngủ để tối thức bán hàng, cô Lương – chủ một đầu mối chuyên bỏ sỉ cam sành ở chợ đầu mối Long Biên giật mình, ngồi phắt dậy khi nghe được thông tin chợ đầu mối này sẽ bị xóa sổ.
Cô Lương chia sẻ, cô đã bán hàng ở đây trên 20 năm trời, cả gia đình đều sống dựa vào gian hàng hoa quả cô buôn bán ở chợ này. Nhưng nếu bây giờ mà đóng cửa thì chỉ có chết đói bởi cô không đi làm công nhân, không công ăn việc làm gì, con cái lại đang đi học thì lấy tiền đâu. Mà giờ cô đã nhiều tuổi rồi, xe máy không biết đi, nếu đóng cửa chợ thì hết chỗ bán, di dời chợ ra các huyện ngoại thành cũng chịu không thể đi xa được.
Cảnh buôn bán tập nập hàng đêm ở chợ đầu mối Long Biên (Theo Vietnamplus)
Theo cô Lương, tiền lúc mua cái kiốt này mấy chuc năm trước bằng tiền mua cả cái nhà ở Hà Nội. Và để có được một chỗ bán hàng ở chợ này, cô phải dốc hết tiền của, phải đi vay mượn thêm mới đủ.
“Mọi người cứ nghĩ đơn giản rằng đóng cửa chợ, tiểu thương nghỉ bán thế là xong chứ ít ai nghĩ các tiểu thương ở chợ thiệt hại hàng tỷ đồng. Như nhà cô đây, hôm trước có người tới trả 2,5 tỷ để mua lại cái kiốt này mà tiếc không bán. Còn nếu có kế hoạch xóa bỏ hay chuyển chợ thì có bán vài chục triệu cũng chẳng ai mua”, cô Lương than thở.
Tương tự, cô Yên - một mối chuyên bỏ sỉ bưởi cũng cảm thấy rụng rời chân tay khi được biết về thông tin chợ đầu mối Long Biên sắp bị xóa sổ.
“Cô gắn bó với chợ này từ những ngày ra đời làm ăn, tính đến bây giờ cũng đã hơn 20 năm, buôn bán tại chợ cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình cô. Thế mà, đùng một cái giờ nghe tin chợ sắp bị xóa sổ thấy buồn, lo lắng và hoang mang lắm chứ”, cô Yên nói.
Theo cô Yên, Bộ ngành quyết định xóa sổ chợ thì tiểu thương cũng đành chịu. Song, với tiểu thương buôn bán ở chợ này thì đây là điều thật kinh khủng, họ sẽ chịu thiệt rất nhiều, sẽ có nhiều gia đình mất cả cơ nghiệp, thậm chí là phá sản, lâm vào cảnh nợ nần trắng tay.
Cô Yên giải thích, ở chợ này toàn buôn bán gối đầu, lấy hàng chuyến sau mới trả tiền hàng chuyến trước. Ở chợ, các tiểu thương toàn buôn bán hàng qua điện thoại, không biết địa chỉ nhà cửa của bạn hàng ở đâu, thậm chí nhiều mối lấy hàng chỉ ngồi ở nhà gọi điện thoại, hàng sẽ được giao đến tận nơi, người bán và người mua không biết mặt nhau. Do đó, giờ nghỉ bán, mình không ở chợ thì biết tìm người ở đâu mà đòi tiền.
“Ở đây, các chủ hàng cho nợ nhiều lắm, có mối nợ vài triệu, có mối nợ tới vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng chứ không ít. Như nhà cô đây, chưa phải buôn bán lớn mà cũng cho họ nợ tới vài trăm triệu, mình mà nghỉ bán, họ lại đổi số điện thoại thì hết chỗ tìm để thu hồi vốn”, cô Yên lo lắng.
Hàng ngàn tiểu thương đi về đâu?
Bên cạnh những lo lắng về số tiền sẽ bị thiệt hại, không ít tiểu thương ở chợ còn cảm thấy hoang mang bởi sắp tới nếu xóa sổ chợ đầu mối Long Biên thì tiểu thương sẽ đi về đâu.
Cảnh mưu sinh của những nữ nhân công vác ở chợ Long Biên
“Khi nghe thông tin chợ sẽ bị xóa sổ trong thời gian tới tôi còn không tin vào tai mình”, ông Trung - chủ kiốt buôn hoa quả Lan Trung tại chợ cho hay.
Theo lời ông Trung, chưa tính tiểu thương buôn bán chính, có kiốt đàng hoàng thì chợ này nuôi sống hàng nghìn người từ các tỉnh lẻ đổ về. Họ lên đây gồng gánh thuê kiếm tiền nuôi sống cả gia đình, thậm chí có người chỉ nhờ vào gánh hàng thuê ở chợ mà nuôi cả mấy đứa con ăn học đại học.
“Vậy xóa sổ thì những người đó biết đi đâu làm việc. Rồi hoa quả từ Lục Ngạn, Sài Gòn, Đắc Lắc sẽ bán đi đâu, tất cả những thứ đó đổ về chợ này chứ đâu?”.
Chị Nga, một mối chuyên bỏ sỉ hoa quả của Thái Lan và Trung Quốc tại chợ này than thở, chị phải bỏ tiền tỷ ra để mua lại kiốt bán hàng của người chủ trước. Vậy mà giờ đây, chưa thu hồi được một nửa vốn đã nghe thông tin chợ sẽ đóng cửa.
“Bây giờ tôi chỉ thắc mắc là ở trên Bộ ngành phê duyệt quyết định xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên này thì có nghĩ tới hàng ngàn tiểu thương sẽ đi đâu buôn bán, họ sẽ được đền bù như thế nào?”, chị Nga nói.
Ngoài ra chị Nga còn thắc mắc, UBND quận Ba Đình vừa mới quy hoạch cho sửa chữa, nâng cấp chợ đầu mối Long Biên, hiện đang bước đầu nâng cấp vậy sao lại có thông tin đóng cửa chợ. Nếu đóng cửa chợ thì nâng cấp làm gì để tốn thêm tiền ngân sách của Nhà nước.
Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh, Phó ban Quản lý chợ Long Biên khẳng định, hiện tại bà chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc Bộ Công thương phê duyệt quyết định xóa bỏ hoặc di dời chợ đầu mối Long Biên.
“Lúc nãy thấy tiểu thương ở chợ gọi điện vào nói chuyện rằng trên báo có đăng thông tin chợ Long Biên sẽ bị xóa sổ, tôi liền vào mạng đọc báo kiểm tra thì mới hay biết”, bà Thịnh cho hay.
Theo bà Thịnh, hiện chợ Long Biên có khoảng 1.200 tiểu thương buôn bán chính thức với các ngành hàng gồm: rau củ quả, hoa quả, thủy hải sản. Các mặt hàng nông sản từ khắp các tỉnh thành đều được đổ về chợ này để phân phối cho các chợ bán lẻ trong thành phố. Song, bà Thịnh cũng khẳng định rằng chợ Long Biên không phải là chợ đầu mối, từ năm 2007, thành phố đã quy định chợ này là chợ loại 2 (tức chợ dân sinh) và chợ do UBND quận Ba Đình quản lý trực tiếp.
“Ngoài ra, chợ cũng đang được UBND quận Ba Đình cho nâng cấp, cải tạo và sửa chữa. Đặc biệt, việc sửa chữa, cải tạo chợ lần này cũng chính do UBND quận làm chủ đầu tư. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ cải tạo sửa chữa xong để cho tiểu thương thuận lợi buôn bán hàng hóa dịp Tết”, bà Thịnh nói.
Bảo Hân