Ngô là 'thực phẩm trường thọ' nhưng ai không nên ăn?

MINH LÂM/VTC News,
Chia sẻ

Bên cạnh những lợi ích là những điều cấm kỵ mà chúng ta cần biết khi ăn ngô.

Theo thông tin từ trang Sohu, ngô rất giàu chất dinh dưỡng và còn được ví là “thực phẩm trường thọ” vì rất giàu chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất. Dưới đây là những tác dụng với sức khỏe khi chúng ta bổ sung ngô vào chế độ ăn hàng ngày.

Những lợi ích sức khỏe của ngô

Giảm táo bón

Ngô rất giàu canxi, selen, vitamin E và đặc biệt là magiê. Chính vì thế, ăn ngô có thể giúp tăng nhu động ruột, thúc đẩy quá trình bài tiết của cơ thể, từ đó giảm táo bón.

Ngô là 'thực phẩm trường thọ' nhưng ai không nên ăn? - Ảnh 1.

Ngô có nhiều lợi ích với sức khỏe. (Ảnh: Tasting Table)

Tăng cường quá trình trao đổi chất

Mầm ngô rất giàu chất chống oxy hóa. Ăn ngô mỗi ngày có thể mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho cơ thể. Một trong những thay đổi rõ ràng nhất đó là tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ngoài ra, ăn ngô còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, các chất độc và chất thải sẽ được loại bỏ kịp thời khỏi cơ thể. Điều này không chỉ thúc đẩy quá trình lưu thông máu mà còn giúp giảm cân.

Ngăn ngừa ung thư

Ngô chứa glutathione. Hợp chất này được cho là có thể vô hiệu hóa các chất gây ung thư và đào thải các chất này qua đường tiêu hóa. Ngoài glutathione, selen trong ngô cũng giúp bảo vệ cơ thể khỏi ung thư. Khi kết hợp với vitamin E, selen có thể ngăn ngừa sự hình thành của hơn 10 loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư vú và ung thư đại tràng. Vitamin E cũng rất nhiều trong ngô.

Một khoáng chất khác trong ngô có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư đó là magiê. Khoáng chất này có thể tăng cường sức khỏe của hệ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc của các chất gây ung thư với cơ thể.

Một chất khác trong ngô là lutein được chứng minh là có thể ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, ung thư da, ung thư phổi và ung thư tử cung; trong khi đó zeaxanthin trong ngô có thể ngăn ngừa ung thư da và ung thư phổi.

Hạ huyết áp và mỡ máu

Ngô rất giàu canxi, có thể hạ huyết áp, thúc đẩy sự phân chia tế bào, hạ cholesterol trong máu và ngăn chặn sự lắng đọng của cholesterol lên thành mạch máu. Do đó, ngô được cho là có tác dụng phòng ngừa và góp phần điều trị bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, tăng lipid máu (mỡ máu cao) và huyết áp cao.

Trì hoãn lão hóa

Thường xuyên ăn ngô có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa. Có được tác dụng này là nhờ các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa trong ngô giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tuần hoàn máu và ngăn ngừa sự hình thành các chất độc hại trong mạch máu.

Giảm cân

Ngô là loại ngũ cốc giàu chất xơ, tăng cảm giác no sau khi ăn. Ngô có thể được dùng thay thế các loại ngũ cốc khác, đặc biệt có thể tiêu thụ lâu dài đối với những người có mong muốn giảm cân.

Ai không nên ăn ngô?

Ngô là 'thực phẩm trường thọ' nhưng ai không nên ăn? - Ảnh 3.

Ngô rất tốt nhưng có nhiều người không nên ăn (Ảnh: Eating Well)

Người có hệ tiêu hóa kém

Những người có hệ tiêu hóa kém nên cẩn trọng khi ăn ngô. Ngô là một trong những loại ngũ cốc nguyên hạt, ăn ngô sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Nếu có hệ tiêu hóa kém, ví dụ như những người bị loét dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản, ăn ngô quá thường xuyên và quá nhiều có thể xuất hiện tình trạng chảy máu, xuất huyết đường tiêu hóa.

Người có sức đề kháng kém

Việc tiêu thụ trên 50g chất xơ mỗi ngày có thể cản trở quá trình hấp thụ protein, ảnh hưởng đến tốc độ chuyển hóa chất béo và lâu dần ảnh hưởng tới các cơ quan nội tạng, mạch máu của cơ thể. Chính vì thế, những người có sức đề kháng kém không nên ăn nhiều ngô để tránh mang lại những điều bất lợi cho cơ thể.

Bệnh nhân tăng đường huyết

Mặc dù rất giàu dinh dưỡng nhưng hàm lượng glucose trong ngô lại tương đối cao. Chính vì thế, những người mắc bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường nên cẩn trọng khi ăn ngô.

Người thiếu canxi và sắt

Ngô có lượng chất xơ dồi dào. Tuy nhiên, axit phytic trong ngô có thể có tác động tiêu cực đối với những người bị thiếu canxi và sắt do axit phytic làm kết tủa các chất này.

(Nguồn: Sohu)

Chia sẻ