Ngộ độc sau khi ăn tôm càng, tính mạng sản phụ bị đe dọa
Một bà mẹ 24 tuổi mới sinh con vừa phải nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu, đe dọa tử vong sau khi ăn tôm càng. Liệu có phải "dịch tôm càng" là nguyên nhân chính?
Bà mẹ mới sinh có nguy cơ tử vong sau khi ăn tôm càng
Tại phòng cấp cứu Bệnh viện Nam Kinh (Trung Quốc), người chồng 28 tuổi tên là Vượng Kiến Huy đang ngồi bên hành lang, mắt nhìn lên trần nhà, thái độ thất thần, im lặng buồn bã.
Anh ân hận vô cùng vì đã mua tôm càng để "bồi dưỡng" cho vợ sau khi người mẹ 24 tuổi này vừa sinh cho anh một cậu quý tử được 50 ngày tuổi.
Hình ảnh bệnh nhân trên đang được cấp cứu (Ảnh Internet)
Anh kể, sau khi ăn tôm càng (crawfish) vợ anh đã rơi vào trạng thái "miệng nôn trôn tháo", chân phải mất cảm giác, cứng đờ gần như tê liệt, phải đưa vào viện cấp cứu ngay trong đêm.
Ngắm nhìn vợ đang nằm hôn mê trên giường, trên người bủa vây chằng chịt những ống thở và dây truyền máu các loại, anh vô cùng lo lắng.
Cô nằm bất động, mắt nhắm nghiền, miệng khô, khuôn mặt nhợt nhạt đến trắng bệch. Dù đã trải qua hàng chục loại xét nghiệm và điều trị tích cực, nhưng vẫn phải dùng máy thở để duy trì cuộc sống yếu ớt.
Anh Huy cho biết, trong bệnh án của vợ, các bác sĩ viết "rối loạn chức năng thận, rối loạn chức năng gan, tổn thương cơ tim, rối loạn chức năng đông máu…"
Bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho biết, bệnh nhân bị "nhiễm trùng nặng dẫn đến tổn thương chức năng đa cơ quan", khi đến phòng cấp cứu đã ở trong tình trạng nguy kịch, có khả năng tử vong cao.
Đây là bệnh lý hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể, cũng chưa thể khẳng định chắc chắn hay "buộc tội" sản phụ này đã mắc bệnh Haff.
Tôm càng là món ăn khá phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Chỉ số xét nghiệm cao vượt ngưỡng nghiêm trọng
Theo kết quả xét nghiệm, chỉ số nhiễm trùng trên cơ thể bệnh nhân cao gấp 1300 lần so với người bình thường.
Bác sĩ Nhiếp Thời Nam, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nam Kinh cho biết, bệnh nhân có mức độ nhiễm trùng cao gấp 1300 lần bình thường, chỉ số lactate máu người bình thường là 0,5 ~ 1.7mmol /lít, nhưng bệnh nhân đạt 15mmol /lít.
Bất cứ phần cơ (phần mềm) nào trên cơ thể bệnh nhân cũng đều bị tổn thương, đặc biệt là cơ tim đang có chỉ số tổn thương cao hơn khoảng từ 20-30 lần so với bình thường.
Các sĩ Nam còn nói thêm, chỉ số transaminase của người bình thường là từ 40-50, nhưng chỉ số của bệnh nhân này cao tới 2000.
Bác sĩ Nam nói, bệnh viện đang điều trị theo cách đặc biệt nhất để cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên nguy cơ tử vong có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Hiện chỉ có thể tập trung nguồn lực để theo dõi tích cực.
Ăn tôm càng có nhiều nguy cơ nếu chế biến không cẩn thận
Hàng năm, mùa hè luôn là thời điểm có nhiều bệnh nhân nhập viện do triệu chứng "bệnh tôm càng".
Các bác sĩ khuyên rằng, để tránh ngộ độc, sau khi mua tôm về, mọi người nên bảo quản tôm sống trong nước sạch ít nhất 24-36 giờ để tôm thải hết chất độc.
Khi chế biến tôm cần phải xử lý thật sạch vì trong vỏ tôm và các "ngóc ngách" trên đầu tôm chứa nhiều vi khuẩn có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo thống kê, thời gian gần đây ở Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn tôm càng với hàng chục trường hợp mỗi năm.
Các cơ quan chức năng tại nơi xảy ra "dịch tôm càng" cũng đã tiến hành kiểm tra các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ các mẫu tôm được bán ở chợ và đưa ra các cảnh báo đối với người tiêu dùng.