Nghiện mua sắm trực tuyến là một bệnh tâm lý, cứ 20 người thì có 1 người mắc: Các nhà nghiên cứu chỉ ra lý do khiến bệnh trầm trọng

Tr. Thu,
Chia sẻ

Những người bị ám ảnh với việc chi tiêu, mua sắm trực tuyến có thể sẽ tích trữ những thứ họ đặt hàng, cuối cùng là dẫn tới nợ nần, tranh cãi với những người thân yêu và hoàn toàn mất tự chủ.

Các nhà trị liệu tâm lý khẳng định nghiện mua sắm trực tuyến là một bệnh và nó cần được chính thức thừa nhận rằng có thể có hại cho sức khỏe tâm thần của con người.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Hannover ở Đức cho biết họ có thể xác định chính xác các triệu chứng và đặc điểm của bệnh này như thế nào cũng như nó ảnh hưởng đến tâm trí con người ra sao.

"Rối loạn mua sắm" (BSD) đã được công nhận trong nhiều thập kỷ, nhưng các chuyên gia nói rằng, trong thời đại internet hiện đại như ngày nay thì nó lại mang một ý nghĩa hoàn toàn mới và có thể gây ảnh hưởng tới 1/20 người. Những người bị ám ảnh với việc chi tiêu, mua sắm trực tuyến có thể sẽ tích trữ những thứ họ đặt hàng, cuối cùng là dẫn tới nợ nần, tranh cãi với những người thân yêu và hoàn toàn mất tự chủ.

Các nhà nghiên cứu khẳng định: Nghiện mua sắm trực tuyến là một bệnh tâm lý và cứ 20 người thì có 1 người mắc phải - Ảnh 1.

"Đã đến lúc cần nhận ra rằng BSD là một bệnh tâm thần riêng biệt và nó cần được chia sẻ nhiều hơn trên internet", tiến sĩ, bác sĩ Astrid Müller nói.

Trong một nghiên cứu, bác sĩ Müller, một nhà trị liệu tâm lý tại Trường Y khoa Hannover ở Đức và các đồng nghiệp của cô, đã xem xét bằng chứng từ 122 bệnh nhân nghiện mua sắm trực tuyến và thấy họ có tỉ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn bình thường.

Họ cho rằng sự gia tăng của các shop (cửa hàng) bán hàng trực tuyến, ứng dụng và giao hàng tận nhà chính là các yếu tố góp phần khiến cho một người trở nên... nghiện mua sắm. Internet đã giúp cho việc mua sắm trở nên thuận tiện, không lộ danh tính, dễ tiếp cận và chi trả đơn giản hơn. Có những cửa hàng bán hàng trực tuyến làm việc 24/24 giờ, mọi người có thể mua đồ mà không phải đối mặt với chủ cửa hàng hoặc đến tận nơi. Không những có thể mua trực tuyến, họ còn có thể mua giảm giá và với số lượng lớn.

Nhưng tiến sĩ Müller và nhóm nghiên cứu cho biết điều này có nghĩa là những người trẻ tuổi hơn đang có dấu hiệu rối loạn mua sắm. Nó ảnh hưởng đến 5% dân số và có tác động nghiêm trọng về mặt tinh thần.

Các nhà nghiên cứu giải thích rằng rối loạn mua sắm, đặc biệt là hình thức mua sắm trực tuyến, có thể gây ra một vòng lặp là "cực kỳ thèm muốn mua một số thứ và sự thỏa mãn khi được tiêu tiền". Điều này sau đó có thể dẫn đến một sự cố trong tự kiểm soát, "cực kỳ đau khổ" khi không được thỏa mãn, các vấn đề tâm thần khác, khó khăn trong mối quan hệ và sự lộn xộn về thể chất cũng như có thể dẫn tới nợ nần.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Comprehensive Psychiatry (Tâm thần toàn diện).

Các nhà nghiên cứu khẳng định: Nghiện mua sắm trực tuyến là một bệnh tâm lý và cứ 20 người thì có 1 người mắc phải - Ảnh 2.

Những dấu hiệu cho thấy một người nghiện mua sắm

Rối loạn mua bắt buộc thường xảy ra bên cạnh tâm trạng khác, như lo lắng hoặc rối loạn ăn uống, hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

Nó thường xuất hiện ở tuổi vị thành niên muộn hoặc ở những người trong độ tuổi 20 và thường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Các dấu hiệu có thể bao gồm:

- Bạn không thể giữ được tiền lâu trong túi.

- Bạn không thể theo dõi được việc chi tiêu của mình.

- Việc mua sắm chi phối những sở thích khác cũng như công việc của bạn.

- Bạn mua sắm không cần lý do.

- Bạn mua những sản phẩm không cần thiết mà không cân nhắc đến tình hình tài chính.

- Bạn có cảm giác hưng phấn khi mua sắm hoặc khi đặt chân đến các trung tâm mua sắm.

- Bạn giấu giếm việc mua hàng không để những người thân yêu của mình biết.

Chia sẻ