Nghiên cứu quốc tế: Omicron tự nhân bản nhanh hơn Delta 70 lần trong đường hô hấp
So với biến thể Delta, biến thể Omicron tự nhân bản nhanh hơn 70 lần trong đường hô hấp, dẫn đến khả năng dễ lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người nhanh theo cấp số nhân – theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) công bố ngày 16/12.
Lây lan nhanh kể cả khi tải lượng virus thấp
Nhà virus học Michael Chan Chi-wai và các đồng nghiệp tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã tiến hành thí nghiệm với mô phế quản của người bằng cách đưa vào mẫu thử các biến thể Delta, Omicron và một biến thể khác lưu hành năm 2020. Kết quả cho thấy trong 24 giờ, biến thể Omicron nhân lên nhanh hơn gấp 70 lần so với biến thể Delta.
Theo nhà miễn dịch học Wilfredo Garcia-Beltran thuộc Viện Ragon của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ), phát hiện trên cho thấy các đột biến của Omicron đã đẩy nhanh quá trình xâm nhập hoặc nhân lên của biến thể này trong mô phế quản. Tuy nhiên, chưa rõ phát hiện này liên quan thế nào với tải lượng virus bên trong hệ hô hấp của một người.
Nhà miễn dịch học Marc Veldhoen thuộc Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) lưu ý rằng việc biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn Delta là không tốt, nhất là khi cơ thể không có miễn dịch. Nếu không có khả năng miễn dịch, virus có thể nhanh chóng lan từ phế quản đến phổi và các cơ quan khác, gây nguy cơ bệnh nặng.
Trước đó, nhà khoa học Wilfredo Garcia-Beltran thuộc Viện Ragon của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) và các đồng nghiệp cũng đã phát hiện ra biến thể Omicron lây lan mạnh hơn biến thể Delta. Bằng cách sử dụng virus giả, nhóm nghiên cứu này phát hiện ra rằng protein gai của Omicron giúp biến thể này xâm nhập tế bào tốt hơn protein gai – vùng bám vào tế bào người của virus - của biến thể Delta hoặc chủng virus gốc.
Theo nhà khoa học Garcia-Beltran, biến thể Omicron có khả năng lây truyền mạnh gấp 4 lần so với chủng gốc SARS-CoV-2 và gấp 2 lần so với biến thể Delta. Các dữ liệu cho thấy biến thể Omicron có thể lây lan kể cả khi tải lượng virus thấp hơn biến thể Delta và chủng virus gốc.
Quá sớm để kết luận Omicron gây bệnh nhẹ
Nhóm nghiên cứu của nhà virus học Michael Chan Chi-wai còn tiến hành thí nghiệm với mô phổi. Ở mô phổi, biến thể Omicron xâm nhập tế bào ít hơn so với biến thể Delta hoặc chủng virus gốc, giải thích cho việc biến thể này có thể ít gây bệnh nặng hơn so với biến thể Delta hoặc chủng virus gốc. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu, Omicron gắn chặt hơn vào các tế bào và chống lại được một số kháng thể. Mô hình cấu trúc về cách thức Omicron gắn vào tế bào và kháng thể giúp làm rõ phương thức hoạt động của biến thể này, cũng như tạo ra được các kháng thể trung hòa. Các nhà nghiên cứu ví von biến thể Omicron có cấu tạo giống như "hai đôi bàn tay đan vào nhau".
Bằng cách sử dụng các mô hình máy tính để tìm hiểu về protein đột biến trên bề mặt biến thể Omicron, các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích được các tương tác phân tử diễn ra khi một đột biến này bám vào một protein bề mặt tế bào được gọi là thụ thể ACE2 -vốn được coi là "cửa ngõ" để virus xâm nhập vào tế bào, nhằm giúp hiểu rõ cách thức các đột biến của Omicron liên kết với nhau để làm lây nhiễm sang các tế bào.
Nhóm nghiên cứu cũng lập ra mô hình về sự đột biến với các kháng thể khác nhau chống lại biến thể Omicron. Kết quả cho thấy các kháng thể tấn công biến thể này theo các cách khác nhau, trong đó một số kháng thể có khả năng mất tác dụng, trong khi số khác vẫn có thể có hiệu quả. Theo các nhà nghiên cứu, điều quan trọng cần lưu ý là mức độ nghiêm trọng của người bệnh không chỉ được xác định thông qua tốc độ nhân bản của virus, mà cần phải căn cứ vào cả phản ứng miễn dịch của người bệnh, vì đôi khi điều đó có thể dẫn đến tình trạng viêm nặng, đe dọa đến tính mạng.
Do đó, bằng cách lây nhiễm cho nhiều người, biến thể dễ lây truyền có thể gây bệnh nặng hơn và thậm chí là tử vong, dù bản thân nó ít có khả năng gây bệnh. Theo các nghiên cứu gần đây, biến thể Omicron có thể né tránh được phần nào khả năng miễn dịch của vaccine và kháng thể được tạo ra sau lần mắc bệnh trước đó.
Cùng ngày 16/12, Tiến sĩ Anurag Agrawal - Giám đốc Viện Gene và Sinh học tích hợp Ấn Độ (IGIB) bác bỏ những kết luận cho rằng biến thể Omicron chỉ gây biến chứng nhẹ. Theo tiến sĩ Agrawal, phải đến cuối tháng 12 năm nay mới có thể có được những kết luận chính xác về biến thể Omicron. Theo nhà khoa học hàng đầu của Ấn Độ này, thông thường người bệnh đều có những biểu hiện nhẹ giai đoạn đầu nhiễm virus.
Lý giải về thực tế giai đoạn đầu hiện nay khi biến thể Omicron mới chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ và ít gây nguy hiểm ở những trường hợp nhiễm, ông cho rằng người trẻ tuổi đang là những đối tượng dễ nhiễm do tần suất đi lại cao của nhóm người này. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm sẽ dần mở rộng ra trong khuôn khổ các gia đình, người lớn tuổi và người dễ bị tổn thương.
Ông Agrawal cảnh báo rằng dù chỉ gây triệu chứng bệnh nhẹ, các biến thể cũng có khả năng khiến hệ thống chăm sóc y tế tại các nước suy sụp. Do đó, ông cho rằng cần chuẩn bị sẵn các biện pháp ứng phó cho kịch bản xấu nhất, bởi ở nhiều quốc gia có quy mô dân số đông, đơn cử như Ấn Độ, số ca bệnh nặng cũng đủ làm sập hệ thống y tế trên toàn quốc.