Hơn 60% dân số tiêm đủ liều vắc-xin, Bộ Y tế cảnh báo thêm về biến thể Omicron
Tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam hiện đã vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới. Bộ Y tế tiếp tục cảnh báo về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron.
Tối 16-12, Bộ Y tế cho biết đến ngày 15-12, thế giới đã ghi nhận gần 272 triệu ca mắc Covid-19, trong đó trên 5,3 triệu trường hợp tử vong.
Biến thể Omicron đã xuất hiện ở 4 châu lục, ít nhất 77 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận các trường hợp biến thể Omicron.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta.
Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân ở TP HCM
Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến nay cả nước đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (72,8%), trong đó 28.800 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương
Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vắc-xin Covid-19, tiêm trên 135,7 triệu liều. Từ đầu tháng 9-2021 đến tháng 12-2021, tốc độ tiêm chủng tại các địa phương tăng đáng kể (trung bình 1 ngày tiêm được từ 1-1,5 triệu liều vắc-xin). Tốc độ tiêm vắc-xin của Việt Nam trong tháng 11-2021 đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện tỉ lệ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 96,8% dân số tiêm 1 liều vắc-xin và đủ 2 liều vắc-xin Covid-19 là 80,3%. Với đối tượng trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm được hơn 7,6 triệu liều vắc-xin, trong đó tiêm 1 liều là 65,8% và đủ 2 liều là 17,8%.
Tính trên toàn bộ dân số, nước ta đã tiêm được 77% liều mũi 1 và 60% liều mũi 2.
Bộ Y tế cho biết mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới là đến cuối năm 2021, 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 và 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vắc-xin đến giữa năm 2022.
Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vắc-xin-19, vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021.