Nghiên cứu chỉ ra: 5 hành vi độc hại của cha mẹ có thể gây ra "vết thương chí mạng" cho con cái
Dưới lớp vỏ bọc tình yêu, một số phụ huynh đã vô tình làm tổn thương con mà không hề hay biết.
Trong nhiều gia đình, cha mẹ thường kì vọng con cái nghe lời và làm theo những gì người lớn nói. Tuy nhiên, nếu việc này không được kiểm soát sẽ dễ trở thành hành động "ép buộc".
Dưới góc nhìn của những bậc phụ huynh thích kiểm soát, con cái không bao giờ lớn và cần sống trong sự bảo vệ của cha mẹ. Thế nhưng phương pháp giáo dục sai lầm dễ khiến con cảm thấy ngột ngạt, khó trưởng thành.
Thực tế, việc cha mẹ kiểm soát con thái quá có thể để lại ảnh hưởng xấu thế nào?
Những đứa trẻ lớn lên dưới sự kiểm soát của phụ huynh
Theo các chuyên gia tâm lý học, những đứa trẻ lớn lên dưới sự kiểm soát của cha mẹ thường có chung những tính cách tiêu cực sau:
- Lòng tự trọng thấp, có xu hướng tự phủ nhận bản thân.
- Nhạy cảm, khả năng chịu đựng căng thẳng kém.
- Có xu hướng nổi loạn, dễ cáu kỉnh.
- Khó phát triển các mối quan hệ với người xung quanh.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi khoa Tâm lý của Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc chỉ ra: Nếu cha mẹ ép buộc con làm điều bé không thích, trẻ dễ gặp vấn đề về tính cách ở tuổi vị thành niên.
Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy những yếu tố ảnh hưởng đến tính cách của trẻ em bao gồm: Sự kiểm soát tâm lý của cha mẹ, mối quan hệ mẹ - con, sự giám sát của mẹ, kỳ vọng thái quá từ cha. Đặc biệt, cha mẹ càng kiểm soát thì con cái càng có xu hướng nổi loạn và không nghe lời.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ rõ: Việc cha mẹ kiểm soát con thái quá có thể để lại tổn thương tâm lý cả đời cho đứa trẻ.
Bên cạnh đó, những phụ huynh kiểm soát con cái cũng thường gặp tình trạng rối loạn tâm lý nặng nề. Bởi cha mẹ dễ rơi vào 2 trường hợp cực đoan: Họ bị ám ảnh phải kiểm soát concả ngày, hoặc ám ảnh về việc con trở thành “đứa trẻ hư” mà họ lo sợ.
5 loại hành vi kiểm soát quá mức
Dưới đây là 5 loại hành vi kiểm soát con cái quá mức mà phụ huynh dễ mắc phải:
1. Giám sát:
Cha mẹ luôn muốn biết con đang làm gì, và cho là điều hiển nhiên khi trẻ phải khai báo mọi hành động trong ngày. Không chỉ muốn theo dõi, phụ huynh còn ám ảnh việc kiểm soát suy nghĩ của đứa trẻ.
2. Ép buộc
Khi con không nghe lời, cha mẹ không tôn trọng ý kiến mà sẽ ép buộc bé phải theo ý mình. Thậm chí, điều tiêu cực nhất có thể xảy ra là phụ huynh đe doạ hay sử dụng đòn roi với con.
3. Coi thường hoặc phớt lờ bé
Đây là hành vi kiểm soát ngầm mà nhiều phụ huynh không nhận ra. Cha mẹ coi thường khi thấy khuyết điểm của con, về lâu dài sẽ khiến trẻ nghi ngờ năng lực của chính mình. Khi con gặp khó khăn, cha mẹ lại không giúp đỡ, khiến con bị tổn thương tinh thần.
Về lâu dài, trẻ có thể hình thành một vài tâm lý tiêu cực như: “Tính mình xấu nên phải nghe lời cha mẹ”, “Mình tệ quá, không ai thương mình hết. Chỉ có bố mẹ thương mình thôi”…
4. Phản đối gay gắt
Khi thấy con không đi theo định hướng sắp đặt, dù trẻ làm đúng hay sai, phản ứng đầu tiên của phụ huynh là phản đối và dẹp bỏ suy nghĩ của bé.
5. Hạn chế tự do của trẻ
Không ít phụ huynh từng nói những điều tiêu cực như : “Tiền bạc trong nhà đều dồn hết vào việc học của con. Đến đồ ăn ngon cũng dành cho con hết. Cha mẹ vất vả đi làm kiếm tiền, con còn không biết vâng lời sao?”.
Dưới lớp vỏ nhân danh tình yêu, nhiều phụ huynh kiểm soát quyền tự do của con cái mà không hiểu điều trẻ thực sự muốn là gì. Đó là biểu hiện của việc cha mẹ hạn chế con trong không gian hẹp, không cho trải nghiệm và tìm hiểu thế giới bên ngoài.
Về lâu dài, những hành động này nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng tâm lý, khiến con mất đi sự an toàn và nghi ngờ chính mình.
Làm cách nào để cha mẹ không kiểm soát con quá mức?
1. Hãy là chính mình
Thực tế, nhiều cha mẹ kiểm soát con cũng vì sự “không hoàn hảo” trong con người mình. Họ đặt kì vọng con phải trở thành phiên bản nâng cấp của người lớn, từ đó sửa được những điều không hoàn hảo trong cha mẹ. Họ như đang cố gắng tìm kiếm “cái tôi” của mình bên trong những đứa trẻ.
Điều này có công bằng với con không?
Thực tế, mỗi người lại có mong muốn và tính cách khách nhau. Do đó, thay vì suốt ngày vây quanh con, cha mẹ hãy tìm thứ mình thích, dành thời gian cho bản thân thay vì kiểm soát con cái.
2. Ý thức về “ranh giới” kiểm soát con
Cha mẹ cần tôn trọng sự khác biệt của những thành viên trong gia đình. Mỗi người đều có sở thích và lối sống khác nhau. Điều cha mẹ áp đặt chưa hẳn là điều trẻ mong muốn. Do đó, phụ huynh không nên ép buộc bé đồng tình với ý kiến của mình trong mọi trường hợp. Thay vào đó, hãy khuyến khích bé nói lên suy nghĩ của bản thân, ủng hộ những quan điểm đúng đắn của con.
3. Từ bỏ những kỳ vọng vô lý
Cha mẹ kiểm soát thông qua sự vâng lời của những đứa trẻ. Điều này vô tình đã áp đặt những tiêu chuẩn vô lý lên con cái. Khi đứa trẻ không làm theo ý kiến của cha mẹ, phụ huynh không nên quá lo lắng mà hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao con không thích làm theo, điều con nói có đang đúng hay không...
Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cha mẹ mặc kệ con thích làm gì thì làm. Hãy đặt con dưới sự kiểm soát vừa phải, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của bé.
Mỗi đứa trẻ đều có con đường trưởng thành riêng. Thay vì ép con trở thành người cha mẹ mong muốn, phụ huynh hãy trở thành người bạn đồng hành và hướng dẫn.
4. Cho trẻ sự tự do
Những sai lầm của con thường được chia làm 2 loại:
Một, những lỗi con không thể gánh chịu một mình và đòi hỏi cha mẹ cần phải sửa chữa, uốn nắn ngay từ nhỏ. Ví dụ như cha mẹ hướng con phải sống tử tế, không bạo lực...
Hai, những vấn đề trẻ cần tự mình trải nghiệm như học cách thích nghi với môi trường xung quanh, đối mặt với khó khăn và áp lực học tập… Khi đó, cha mẹ nên khuyến khích con thử sức và không ngại sai. Những vấp váp đầu đời sẽ khiến bé trưởng thành hơn và rút ra nhiều điều bổ ích.
Do đó, hãy để đứa trẻ tự lựa chọn việc mình muốn và chịu hậu quả. Tất nhiên, “hậu quả” đó cũng phải nằm trong sự kiểm soát an toàn của cha mẹ.
Nguồn: Sohu