Nghiên cứu 75 năm của Đại học Harvard phát hiện bí quyết tạo nên cuộc đời của những đứa trẻ thành công
Môi trường trưởng thành đầy tình yêu thương đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong sự nghiệp và sức khỏe tinh thần của một người.
Bạn có bao giờ thắc mắc rằng: Tại sao hai người có điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ học vấn giống nhau lại có lối sống hoàn toàn khác nhau?
Một nghiên cứu của Đại học Harvard đưa ra kết quả: Nếu trẻ em lớn lên trong môi trường ấm áp, yêu thương và được khen ngợi, cuộc sống của chúng sẽ hạnh phúc hơn trong tương lai.
Vậy những yếu tố nào trong thời thơ ấu sẽ vẽ nên trạng thái cuộc sống của con người trong tương lai?
Năm 1938, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Y Harvard bắt đầu một nghiên cứu với hy vọng trả lời câu hỏi này. Nghiên cứu mang tên "Grant Study" này đã kéo dài hơn 75 năm, mời 268 nam sinh Harvard tham gia, và tiếp tục theo dõi cuộc sống của họ trong những thập kỷ tiếp theo. Họ tham gia đánh giá thể chất và tâm lý, các nhà nghiên cứu đến thăm nhà và phỏng vấn bố mẹ họ, đồng thời được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi hàng năm…
Thời gian dần trôi, lượng dữ liệu và báo cáo khổng lồ được tích lũy thành núi. Các nhà nghiên cứu kiên trì tìm kiếm các yếu tố chính ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.
Gia đình đầy tình yêu thương tạo nên những đứa trẻ thành công
Thử nghiệm với các yếu tố ảnh hưởng khác nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng không có mối tương quan nào giữa chỉ số IQ, ngoại hình hoặc trình độ học vấn của cha mẹ với việc con cái có cuộc sống sung túc và hạnh phúc hay không. Nhưng điều thực sự ảnh hưởng đến cả một đời chính là mối quan hệ tốt đẹp.
Cụ thể, bao gồm: Một tuổi thơ ấm áp được che chở và ủng hộ, biểu hiện của sự trưởng thành (chẳng hạn như kiên nhẫn với mọi người, đối mặt với thất bại, trì hoãn sự thỏa mãn...), tâm lý lành mạnh trong thời gian học đại học (kiên cường, giao tiếp xã hội bình thường và không quá nhạy cảm), có những mối quan hệ ấm áp ở tuổi trung niên (có bạn thân, ở gần gia đình...). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng người trả lời đạt điểm cao trong dự án này là những người hạnh phúc nhất, thành công nhất và thích nghi tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến tác động của thời thơ ấu đối với sự phát triển của một người. Để đánh giá chất lượng thời thơ ấu của nhóm nam sinh tham gia nghiên cứu, họ đã thiết kế các câu hỏi sau:
- Gia đình có hòa thuận, đầm ấm không?
- Mối quan hệ với cha mẹ có đủ ấm áp và sự khuyến khích, từ đó tạo nên sự tự lực, chủ động và lòng tự tôn không?
- Có thích sống trong môi trường gia đình của mình không?
- Có gần gũi với ít nhất một anh chị em không?
Sau khi phân tích thống kê, nhà nghiên cứu phát hiện: Ảnh hưởng của thời thơ ấu, dù tốt hay xấu, vẫn tồn tại trong một thời gian dài (nghiên cứu này kéo dài hơn 70 năm...). Kết quả thậm chí còn ấn tượng hơn khi những người được hỏi có tuổi thơ ấm áp (được yêu thương) so sánh với những người thuộc nhóm 10% xếp cuối cùng (không được yêu thương):
- Thu nhập của người được yêu thương nhiều hơn 50% so với những người không được yêu thương.
- Ở tuổi 70, những người được yêu thương thường có nhiều bạn bè và các mối liên kết xã hội khác gấp 5 lần so với những người không được yêu thương.
- Những người không được yêu thương có nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao gấp 3,5 lần so với những người được yêu thương.
- ...
Từ quan điểm này, môi trường trưởng thành đầy tình yêu thương đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công trong sự nghiệp và sức khỏe tinh thần của một người.
Tình yêu trao sức mạnh để đối phó với thế giới
Thoạt nhìn, Harvard mất đến hơn 70 năm nói lên một sự thật mà ai cũng biết. Trên thực tế, khi bắt đầu nghiên cứu, chuyên gia từng đưa ra giả thuyết: Yếu tố chính ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của những sinh viên Harvard này là “khí chất đàn ông” chứ không phải tình yêu thương.
Trưởng nhóm nghiên cứu George E. Vaillant đã giải thích thế này: Tình yêu, sự ấm áp và quan hệ gần gũi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến "cơ chế đối phó" với cuộc sống của một người. Con người chuyển từ trạng thái “non nớt” sang trưởng thành, chính là từ tập trung vào bản thân đến tạo ra các mối liên kết.
Cuộc sống luôn phải đối mặt với những vấn đề và mâu thuẫn, khó khăn và thất bại. Vấn đề cốt lõi mà George E. Vaillant tập trung vào không phải là đối tượng nghiên cứu phải trải qua bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống, mà là cách họ đối mặt với những khó khăn đó và đón nhận kết quả tương ứng.
Một người lớn lên trong một môi trường đầy tình yêu thương, khi đối mặt với thất bại, có thể cười nhạo bản thân, tâm sự với bạn bè và được người nhà an ủi... Những "cách đối phó" này có thể giúp một người nhanh chóng bước vào cuộc sống lành mạnh và thú vị. Ngược lại, một người “thiếu tình thương” thường không thể tìm kiếm sự hỗ trợ khi gặp thất bại và cần phải tự chữa lành vết thương. Uống rượu và hút thuốc thường được nhiều người chọn là cách chữa lành vào lúc này.
George E. Vaillant nói: "Một mối quan hệ ấm áp và gần gũi là khởi đầu quan trọng nhất của một cuộc sống tốt đẹp. Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn có một tuổi thơ êm đềm, nhưng điều khiến mọi người hy vọng là dù cuộc sống bắt đầu như thế nào, thì chúng ta đều có cơ hội được hạnh phúc hơn trong quá trình trưởng thành. Một nam sinh Harvard tên Camille, đã đánh giá thấp bản thân và từng tìm cách kết liễu đời mình. Nhưng ở tuổi 35, người này phải nhập viện vì bệnh lao, các nhân viên y tế đã trao cho ông tình yêu và sự ấm áp mà ông hằng khao khát. Camille dần trở thành một bác sĩ, người chồng và người cha có trách nhiệm trước khi qua đời vì một cơn đau tim khi đang leo núi Alps ở tuổi 82".
Cha mẹ giúp con trẻ được hạnh phúc
Nghiên cứu Grant Study cho thấy mối quan hệ thân thiết với mẹ ảnh hưởng đến năng lực biểu cảm, thành tích học tập, hiệu quả công việc, thu nhập và mức độ minh mẫn ở tuổi 80. Những người đàn ông thiếu sự gần gũi với mẹ có nhiều khả năng mắc bệnh Alzheimer.
Bên cạnh đó, điều mà một người bố yêu thương mang đến cho con chính là: Khả năng vui chơi, tận hưởng những ngày nghỉ nhiều hơn và đối mặt với cuộc sống một cách hài hước hơn.
Nếu đứa trẻ không nhận được tình yêu từ cha mẹ, thì tình yêu từ những người thân khác, chẳng hạn như anh chị em, ông bà, chú bác cũng có thể tiếp thêm năng lượng cho chúng.
Năm 2015, giám đốc thế hệ thứ tư của dự án, Robert Waldinger, giáo sư tại Trường Y Harvard, đã giới thiệu kết quả nghiên cứu của họ trên TED. Ông kết luận bằng cách trích dẫn câu nói của Mark Twain (nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ): “Cuộc đời quá ngắn ngủi, chúng ta không có thời gian để tranh cãi, xin lỗi, trút giận, đổ lỗi cho nhau; chỉ đủ thời gian để yêu thương, nhưng khoảng thời gian này chỉ tồn tại trong vài khoảnh khắc, khiến người ta phải hối tiếc khôn nguôi!”.