Nghiên cứu 470.000 người của ĐH Oxford chỉ ra: Ăn ít 1 loại thực phẩm quen thuộc trên mâm cơm người Việt giúp giảm nguy cơ ung thư đáng kể
Ảnh hưởng của chế độ ăn đến việc ngăn ngừa ung thư đã được các nhà nghiên cứu ĐH Oxford chứng minh sau quá trình theo dõi 470.000 người.
Chế độ ăn ít thịt, dựa trên thực vật từ lâu đã được kiểm chứng mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, đặc biệt là tim và đường ruột, thậm chí còn có tác dụng giảm cân. Theo một nghiên cứu được công bố trên BMC Medicine năm 2022, chế độ ăn này còn có tác dụng giảm nguy cơ ung thư đáng kể.
Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ hơn 470.000 người Anh trưởng thành trong độ tuổi 40-70. Họ dành trung bình 11 năm để báo cáo dữ liệu về thói quen ăn uống và sức khỏe tổng thể của mình cho Ngân hàng Sinh học Vương quốc Anh.
Sau khi nghiên cứu tình trạng sức khỏe sẵn có, các yếu tố kinh tế xã hội và lối sống, các nhà nghiên cứu từ ĐH Oxford (Anh) phát hiện nguy cơ mắc các bệnh ung thư của người ăn chay và thuần chay thấp hơn 14% so với những người ăn thịt (lợn, cừu, bò, dê, gia cầm…) hơn 5 lần/tuần.
Tuy vậy, nghiên cứu chỉ ra dù ăn thịt 5 lần/tuần nhưng với lượng ít hơn, bạn vẫn có thể giảm 2% nguy cơ ung thư trong khi những người ăn cá nhưng không ăn thịt có nguy cơ ung thư thấp hơn 10%.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét một số loại ung thư cụ thể và phát hiện ra rằng những người đàn ông theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 31%. Ngoài ra, ăn ít thịt hơn 5 lần/tuần còn giảm 9% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Kết quả này củng cố nghiên cứu trước đó của ĐH Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy việc tiêu thụ thịt đỏ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng phụ nữ hậu mãn kinh theo chế độ ăn chay có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 18%. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này có liên quan đến việc những người ăn chay thường có chỉ số khối lượng cơ thể như BMI thấp hơn.
Mặc dù không có chế độ ăn uống nào có thể ngăn ngừa ung thư hoàn toàn, nhưng có bằng chứng bên ngoài nghiên cứu này cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vào năm 2017, Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố “có bằng chứng rõ ràng cho thấy các cá nhân có thể thực hiện nhiều biện pháp để giảm nguy cơ ung thư”. Tháng 1 cùng năm, viện này cho biết thêm cứ 10 trường hợp ung thư thì có 4 trường hợp có thể ngăn ngừa bằng cách thay đổi về chế độ ăn uống, cân nặng và hoạt động thể chất.
Khi ăn ít thịt lại, bạn có thể chuyển sang các nguồn protein thực vật bổ dưỡng như quinoa, đậu phụ, đậu lăng vừa lành mạnh vừa đủ chất. Nếu bạn chuyển sang chế độ ăn hoàn toàn từ thực vật, hãy đảm bảo rằng bạn luôn bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như canxi, sắt và vitamin B12 - những chất mà một số người ăn chay trường có thể khó có đủ.
Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là những thực phẩm giàu chất xơ, như các loại đậu, quả mọng và quả hạch cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu từ Đại học Y khoa Georgetown (Mỹ) đã kết hợp quả mâm xôi đen vào chế độ ăn của những con chuột bị ung thư vú và phát hiện ra rằng, sau 6 tháng, khối u của chúng nhỏ hơn 70% so với những con chuột trong chế độ ăn kiểm soát. Tương tự như vậy, một nghiên cứu gần đây cho thấy các tế bào ung thư tiếp xúc với chiết xuất quả việt quất trong 24 giờ trước khi xạ trị để điều trị ung thư có nhiều khả năng bị tổn thương và mất đi hơn so với xạ trị thông thường.
Những phát hiện đầy hứa hẹn trên đã dẫn đến nghiên cứu trên người với các hợp chất từ quả mọng như dâu tây, việt quất... Ngoài ra, rau họ cải, các loại đậu, thực vật có màu đỏ hồng như dưa hấu, cà chua, quả hạch như hạnh nhân, óc chó, hồ đào… từ lâu cũng đã trở thành ngôi sao trong việc phòng chống ung thư.
Theo Eatingwell