Nghị lực phi thường của cô giáo trẻ từng bị cán nát chân
Trên đường đi vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm đã bị xe tải cán nát chân trái. Cuộc đời cô giáo tuổi 23 tưởng chừng như đã rơi vào ngõ cụt...
Nỗi ám ảnh kinh hoàng
Tốt nghiệp sư phạm Toán năm 2008, cô Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1986) mang tình thương của người làm thầy về vùng sâu thuộc huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) giáp nước bạn Campuchia. Sau một năm công tác tại trường THPT Tân Thành (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng), cô Tâm nhận được sự tin yêu của phụ huynh và học sinh nơi đây. Mọi chuyện diễn ra đúng như ước mơ của cô giáo trẻ… Thế nhưng, tai nạn kinh hoàng ngày 31/08/2009 - những ngày đầu tiên của năm học thứ 2 mà cô được đứng lớp - đã khiến tất cả như vụt tắt.
Cô Minh Tâm vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại: “Hôm đó, tôi đến nhà một em học sinh để vận động ra lớp vì em ấy đã nghỉ học không lý do nhiều ngày. Trên đường về, khi tôi lái xe chạy lên dốc cầu thì tai nạn xảy ra”. Chiếc ôtô tải chở vật liệu xây dựng vượt quá trọng tải cho phép khi lên được nửa dốc cầu thì tụt xuống, ập lên người cô. Cô và xe máy lật ngang. Do xe tải quá nặng, không thể hãm phanh và tụt ngày càng thêm nhanh. Dù cô Tâm đã cố nhoài người tránh né nhưng không kịp, bánh sau xe tải đã cán nát chân trái cô.
Nhận được tin, bà Nguyễn Thị Bảy (mẹ ruột cô giáo Tâm) như chết lịm. Nhà có hai mẹ con, năm đầu cô Tâm đi dạy bà cũng theo lên huyện biên giới, thuê nhà trọ ở cùng để hai mẹ con đỡ đần nhau. Đến năm sau, bà trở về quê nhà tại TP.Cao Lãnh. Ấy vậy mà chỉ vừa trở về thì hay tin con bị tai nạn. Bà Bảy nghẹn ngào: “Tôi nghe bà con ở đó nói, khi ấy chân con Tâm bị xe cán nát hết, xương gãy đâm ra ngoài mà đứt ruột. Mới ra trường được 1 năm lại bị vậy, tương lai con tôi không biết như thế nào”.
Cô Tâm được đưa tới bệnh viện huyện, tỉnh rồi chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Bác sĩ cho biết cô phải tháo khớp gối, kết quả giám định y khoa tỉ lệ thương tật vĩnh viễn là 61%.
Bản thân cô cũng cố gắng tự làm mọi việc.
Luôn tươi cười mỗi khi đứng lớp
Nhờ học sinh mà lạc quan sống
Sau khi xuất viện, cô Tâm và mẹ trở về nhà công vụ giáo viên. Hằng ngày, các em học sinh đều thay phiên nhau đến thăm và chăm sóc, nhờ vậy mà những ngày dưỡng bệnh trôi qua nhanh chóng. Cô Minh Tâm kể: “Nhìn các em đến thăm hỏi sức khỏe, tôi xúc động lắm, muốn mau mau khỏi để có thể trở lại dạy các em. Thời gian đó, nhiều em còn nán lại nhà để tôi chỉ bài nên cũng đỡ nhớ nghề”.
Sau khi gắn chân giả, cô Tâm ngày đêm luyện tập với chiếc chân mới. Nhiều lúc té đau, cô lại nghĩ đến mẹ và các em học sinh mà nín nhịn cố gắng đi tiếp. Bị tai nạn vào tháng 8/2009, sau Tết âm lịch, cô Tâm trở lại trường. Vì chưa quen với chiếc chân giả nên cô vẫn chống gậy đứng trên bục giảng. "Có lúc tôi sợ những học sinh cá biệt có thể trêu chọc, thậm chí bắt chước dáng đi của tôi. Tôi cũng sợ ánh mắt ái ngại của phụ huynh khi họ thấy một giáo viên khuyết tật dạy con mình… Nhưng tôi quan niệm rằng cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim" - cô Tâm kể về thời gian trở lại trường với chân giả và gậy chống.
Mỹ Duyên (học trò cũ của cô Tâm) bồi hồi nhớ lại: “ Dù bị vậy nhưng lúc nào đứng lớp cô cũng vui vẻ, lạc quan. Cô Tâm thương học trò lắm.Các bạn trong lớp cũng ráng học để cô vui”.
Bốn năm trước, một vị lãnh đạo Sở thấy hoàn cảnh cô khó khăn nên gợi ý cô nên chuyển trường. Dù quyến luyến đồng nghiệp, học trò nhưng cũng không muốn làm gánh nặng cho mẹ già khi phải đi xa để chăm con gái, cô Tâm chia tay huyện biên giới, chuyển công tác về trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, quê nhà của cô.
Ở vị trí mới, cô cũng mạnh dạn xin được đứng lớp chứ không chỉ làm việc ở bộ phận hành chính. Cô cho biết: "Tôi đã vượt qua những chướng ngại tâm lí, cố gắng gần gũi, chỉ dạy các em tận tình hơn”. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi sau đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của cô.
Tình yêu sư phạm đã giúp cô sống lạc quan, yêu đời hơn.
Mỗi đêm cô miệt mài đọc tài liệu giảng dạy.
Bà Bảy vẫn canh cánh nỗi lo về hạnh phúc gia đình của cô con gái
Cô Tâm luôn quan niệm: “Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là đầu hàng số phận”. Sắp tới, cô dự định thành lập một CLB dành cho những người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật trẻ tại TP.Cao Lãnh - nơi để mọi người sống cởi mở hơn, yêu đời hơn. Hằng ngày, cô vẫn miệt mài bên trang giáo án với hi vọng truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, đến với các em bằng tấm lòng của của thầy cô giáo như chính cái tên mà mẹ cô đã đặt - Minh Tâm.
"Dù muốn hay không tôi cũng phải đối diện với thực tế. Suốt thời gian dài điều trị, tôi sống trong cả nỗi đau về thể xác và tinh thần. Nhiều khi tôi thấy buồn chán, cô độc, mất hết niềm tin... Nhưng bên cạnh tôi, mẹ vẫn âm thầm chăm sóc, lo lắng cho tôi. Các đồng nghiệp vẫn quan tâm và động viên tôi với tình cảm chân thành, những đứa học vẫn mong mỏi tôi quay lại lớp học… Đó là hạnh phúc đồng thời là động lực để tôi đứng dậy. Tôi bắt đầu cởi mở với mọi người hơn. Và tôi chợt nhận ra mình muốn được đứng lớp, muốn tiếp tục được dạy các em học sinh, muốn cống hiến hết khả năng của mình cho giáo dục. (Trích lời chia sẻ của cô Minh Tâm) |
Mạnh Khang - Trương Tuấn