Nghỉ học ở nhà vì dịch, học sinh nhận được bưu phẩm có "1-0-2" từ thầy cô, dân mạng nhìn vào cười chảy nước mắt
Sợ học sinh không chịu học tập chăm chỉ nên các thầy cô giáo đã nghĩ ra những cách thức giao bài tập vô cùng độc đáo.
Do ảnh hưởng của virus corona chủng mới nên thời gian qua, các trường học ở Trung Quốc đã tạm đóng cửa và tổ chức các hoạt động giảng dạy trực tuyến cho học sinh.
Tuy nhiên, việc học online gây ra những khó khăn nhất định cho giáo viên trong việc giao bài tập cho học sinh, cũng như kiểm soát xem học sinh có làm đầy đủ bài tập được giao hay không. Chính vì vậy, nhiều thầy cô tại đất nước này đã nghĩ ra những cách thức giao bài vô cùng độc đáo.
Mới đây, một tài khoản Weibo (mạng xã hội Trung Quốc, tương tự như Facebook) đã chia sẻ một câu chuyện vô cùng hài hước. Cụ thể, cô gái này đi ra bưu điện để lấy bưu phẩm và tình cờ trông thấy hàng loạt bịch hàng được đóng gói giống hệt nhau.
Ban đầu, cô gái đoán đây là khẩu trang nhưng nghĩ đến việc mặt hàng này đang khan hiếm ở Trung Quốc nên đã loại bỏ suy nghĩ này. Sau đó vì quá tò mò nên cô gái hỏi thẳng nhân viên giao hàng và biết được sự thật hài hước.
Hóa ra, hàng chục bưu phẩm được đóng gói giống hệt nhau này chính là bài tập về nhà của học sinh được giáo viên đóng gói và gửi qua đường bưu điện. Cư dân mạng sau đó được trận cười nắc nẻ và để lại nhiều bình luận hài hước:
"Các thầy cô đúng là quá sáng tạo. Tưởng tượng mấy em học sinh hớn hở đi nhận bưu phẩm, mở ra là cả chồng bài tập và tài liệu mà thấy hài".
"Đúng là phải làm cách này thì mấy cô cậu học trò mới chăm chỉ học được".
"Chú shipper ơi, cho cháu gửi trả lại bưu kiện này được không? Bưu kiện này đáng sợ quá".
Hiện tại, gần 200 triệu học sinh tại Trung Quốc đang học trực tuyến. Hôm 17/2, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã giới thiệu "lớp học đám mây internet toàn quốc" được hỗ trợ bởi hơn 7000 máy chủ và có thể đáp ứng cho 50 triệu học sinh cùng học một thời điểm.
Các bài học bao gồm 12 môn học khác nhau. Trong khi đó, Kênh truyền hình giáo dục Trung Quốc cũng đang phát trực tuyến các chương trình học qua vệ tinh tới các khu vực hẻo lánh có kết nối mạng chậm.