Nghẹn ngào những lời chia sẻ của người dân về Thủ đô xếp hàng viếng Tổng Bí thư
Chiều 25/7, hàng nghìn người đã lặng lẽ xếp hàng dài hơn 2km đến khu vực Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội) chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những người già, cựu chiến binh… rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cụ bà 77 tuổi một mình đi từ Hà Nam lên viếng Tổng Bí thư với bài thơ do mình sáng tác
Chiều 25/7, giữa dòng người đông đúc đổ về Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông đợi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một cụ bà mái đầu bạc trắng, dáng vẻ mệt mỏi và gầy yếu, một mình tìm đường để vào viếng Tổng Bí thư.
Khi được hỏi lý do một mình đi xa đến đây, bà chỉ trả lời rất đơn giản: “Tôi nhớ Bác thì tôi đi! Tôi một lòng một dạ, cứ phải đi thì tôi mới chịu được!”.
Được biết bà là Tạ Thị Lê, năm nay 77 tuổi (bà sinh năm 1947), trú tại xóm 4, thôn Dương Cương, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Bà cho biết, sáng sớm nay (25/7), bà đi xuống trung tâm huyện vì nghĩ rằng ở huyện có tổ chức tưởng niệm. Tuy nhiên, sau khi biết ở địa phương không tổ chức, bà Lê đã bắt xe khách một mình lên Hà Nội.
“Tôi thấy Bác là người có đức có tài, thương dân vô hạn….Tôi thương Bác là tôi đi, để được đến gần Bác, tôi mới về thanh thản”, bà Lê nghẹn ngào.
Bà Lê chia sẻ, con cái bà đều bận công việc nên không thể đưa bà đi được. Bà biết ở đầu làng có xe khách đi lên Hà Nội nên tự bắt xe để họ đưa đi.
“Đến đây phải chờ đợi thì con cháu nó cứ nóng lòng nóng ruột. Mà có một mình tôi thì tôi yên chí ở đây”, bà kể.
Tuy một mình lên Hà Nội, bà Lê đã được con cháu chuẩn bị cho đồ ăn mang theo để sẵn sàng chờ đến lượt vào viếng.
“Tôi cứ chờ đến tối, đến chiều, lúc nào vào viếng được Bác xong thì tôi về. Hay là kể cả đến mai cũng được. Tôi đã quyết tâm đi là tôi đi”, bà Lê khẳng khái nói..
Theo lời chia sẻ của bà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nguồn cảm hứng “khai sáng” để bà có thể viết được.
“Mong muốn từ lúc còn ít tuổi, mãi đến năm 2.000 tôi mới có thể viết. Tôi viết rất nhiều bài về Bác Hồ, Bác Trọng, Bác Giáp, ông Phạm Văn Đồng. Hôm nay tôi cũng mang đi”, bà Lê nói.
Cũng như bà Lê, bà Lê Thị Dung, ở Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần người dân rất thương tiếc.
Đêm qua bà thao thức suốt đêm và dậy từ lúc 4h sáng để bắt xe từ Quảng Ninh lên Hà Nội, với mong muốn được thắp một nén hương thơm trước vong linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Bác là một người xuất chúng trong Đảng, người dân chúng tôi vô cùng thương nhớ Bác. Tôi thao thức cả đêm chẳng ngủ được, tâm nguyện về đây để thắp cho Bác nén hương thơm, tưởng nhớ công đức của Bác”, bà Dung xúc động nói.
Nước mắt của những người cựu chiến binh già…
Ông Nguyễn Văn Vỵ, 91 tuổi, đi từ Lục Nam, Bắc Giang lên Hà Nội dẫn đoàn cựu chiến binh 3 chiến dịch vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đoàn có 119 người, đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phần đông thành viên của đoàn từ 70 đến ngoài 90 tuổi.
Họ là những chiến sĩ của 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Ông Vỵ khóc nghẹn khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc của thời bình.
“Khi nghĩ đến hình ảnh Tổng Bí thư làm việc đến phút cuối cùng, nằm trên giường bệnh vẫn làm việc, tôi vô cùng xúc động, vô cùng nhớ thương. Chúng tôi là thế hệ đã đi qua nhiều cuộc chiến. Tôi mong rằng các lãnh đạo kế nhiệm sẽ học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Tổng Bí thư, bảo vệ và phát huy thành quả của cách mạng”, ông Vỵ nói.
Bà Hoàng Thị Mến (80 tuổi) tự hào cho biết bà đã có 60 năm tuổi Đảng từ tháng 5 vừa qua. Đi từ Nam Định lên bến xe Mỹ Đình, rồi đi xe ôm tới đây, có mặt từ 5 giờ sáng trước phố Trần Thánh Tông, mặc dù tuổi cao sức yếu, bà vẫn kiên nhẫn đợi chờ để được vào viếng.
Bà tâm sự, đã đến được nơi đây thì dù không được vào viếng thì bà cũng đã toại nguyện ước muốn và thể hiện được tình cảm với Tổng Bí thư.
“Nghe tin bác Trọng từ trần, bà chỉ có khóc thôi, bởi vì bà thương bác. Với những quyết định của bác ký, những người có công với cách mạng luôn được nhớ tới. Dù bác không còn nữa, nhưng vẫn còn bao nhiêu cuốn sách bác viết ra dành cho toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt hướng tới thanh niên để thực hiện phát triển đất nước”, bà Mến nghẹn ngào nói trong nước mắt.
Ông Ngô Văn Đại (78 tuổi) cùng vợ và em gái đến viếng Bác. Ông cho biết, sau khi biết tin người dân được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông bà đã bắt xe buýt đến đây và xếp hàng đợi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Chúng tôi kính trọng và vô cùng thương tiếc Bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì có Bác mà cuộc sống của chúng tôi thấy tốt đẹp như ngày nay. Tôi nhớ nhất câu Bác nói: đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày nay”.
Người dân chúng tôi kính trọng lắm, nên hôm nay phải quyết tâm đi cùng bà nhà tôi đến đây, xếp hàng vào viếng Bác, tiễn đưa Bác lần cuối. Phải xếp hàng để đợi được vào viếng, dù có đến đêm cũng phải vào viếng Bác, thắp cho Bác được một nén nhang, cho lòng thanh thản”, ông Đại nói.
Trong khi đó, cựu chiến binh Lê Kinh Thông, 73 tuổi, trú tại phố Lý Nam Đế (Hà Nội) không khỏi bùi ngùi khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Tôi là sinh viên khóa 14 khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi nghe tin bác Trọng mất, tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi là những người lính nên luôn tôn trọng những người lãnh đạo có tầm, có tâm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì vậy, tôi quyết tâm phải đi tiễn bác Trọng lần cuối, có phải đợi bao lâu cũng đi”.
Là một người lính từng xông pha chiến trường, ông Thông cho biết, những người cựu chiến binh như ông chỉ mang một khát vọng lớn lao nhất là khát vọng hòa bình. Hiện nay, dù đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng lại xảy ra tệ nạn tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng.
“Tôi kỳ vọng các thế hệ kế cận có thể tiếp bước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng”, ông Thông chia sẻ.
Là một trong những người dân đến viếng, bà Ngô Thị Quý năm nay 75 tuổi, từng là y sĩ của Viện Pasteur Trung ương (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương). Bà đến từ sáng sớm nhưng chưa có cơ hội được vào thắp nén nhang. Mặc dù vừa có cơn mưa lớn, song bà Quý cùng nhiều người dân vẫn ở lại khu vực chờ, mong mỏi được kính viếng Tổng Bí thư.
“Cụ Trọng là người đảng viên đáng kính, chân chính nên người dân thương mến. Cụ để lại ấn tượng sâu sắc là người đấu tranh tham nhũng, tiêu cực mạnh mẽ”, bà Quý chia sẻ.
Những lời nói của Tổng Bí thư luôn trong tâm trí chúng tôi…
Cũng trong chiều nay, ông Trịnh Nghĩa Dũng (Gia Lâm, Hà Nội) làm nghề tài xế xe ôm công nghệ đã tắt ứng dụng, sẵn sàng đưa đón miễn phí người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước chiếc xe máy của mình, ông Dũng gắn tấm biển đen kèm dòng chữ màu trắng dễ nhìn: “Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xe đưa đón miễn phí”. Ông vừa chở người đến đầu đường Trần Thánh Tông, một người dân lỉnh kỉnh túi đồ từ trên xe bước xuống gửi lời cảm ơn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Dũng bày tỏ lòng cảm phục, biết ơn những việc làm vì nước, vì dân cho tới phút cuối cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông xúc động chia sẻ: “Cả cuộc đời Tổng Bí thư đã vì dân vì nước. Tổng Bí thư ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn của người dân khắp cả nước, kiều bào và bạn bè quốc tế. Trong ngày Quốc tang này, tôi cũng muốn góp chút sức nhỏ của mình để giúp đỡ những người xa xứ đến Thủ đô để thăm viếng bác, bởi công việc của tôi là chạy xe ôm công nghệ nên nắm rõ những cung đường chung quanh nhà tang lễ”.
“Chiều nay tôi tắt app, đưa đón miễn phí mọi người đến điểm viếng Tổng Bí thư. Tôi đi ngoài đường, ai hỏi chở đi viếng Tổng Bí thư tôi sẵn sàng chở miễn phí ngay. Vốn biết đường sá Hà Nội nên tôi đi nhanh và tiện. Đến chiều nay, tôi đã chở được hơn 20 người đi đến điểm viếng. Từ những việc nhỏ này, tôi mong rằng những hành động đẹp sẽ được nhân lên”, ông Dũng cười nói.
Cũng trong dòng hàng nghìn người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều qua, bà Đỗ Thị Chính, năm nay 93 tuổi, mắt kém không nhìn rõ đường, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bà đã xin phép nghỉ 1 buổi chấp tác ở chùa để nhờ một phật tử khác đưa bà đến để xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư.
“Nghe tin là người dân đươc vào viếng Bác nên tôi đến sớm để xếp hàng. Tâm nguyện cuối cùng của tôi là được thắp cho Bác nén hương. Một người có tâm, có đức, có công với đất nước cho biết. Tổng Bí thư là người rất yêu nước, thương dân, tận tụy, nhiệt huyết với công việc, người dân rất mến mộ và thương tiếc Bác”, bà Chính bày tỏ.
Là người sẵn sàng đưa bà Chính đi viếng Tổng Bí thư, anh Nguyễn Kim Tuấn (quận Ba Đình) cho biết, sáng nay anh đã dậy từ rất sớm để thu xếp việc gia đình, với mong muốn được vào Nhà tang lễ Quốc gia sớm nhất có thể để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Khi biết bà Chính có nguyện vọng như vậy thế là 2 bà con chúng tôi thu xếp đi ngay. Thấy xếp hàng đông quá, biết là hành trình viếng Tổng Bí thư sẽ rất vất vả vì đông đúc, nhưng đã đến đây, với một tâm nguyện và sẽ hoàn thành tâm nguyện trong đời. Phải chờ đợi giây phút được tiễn biệt Tổng Bí thư”, anh Tuấn cho biết.
Trong giây phút xúc động, anh Tuấn chia sẻ, Tổng Bí thư là người rất yêu nước, thương dân, tận tụy, nhiệt huyết với công việc, người dân rất mến mộ và thương tiếc bác.
“Nghe tin bác mất chúng tôi rất buồn, đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai được, như mất một người thân, ruột thị trong gia đình chứ không phải là người ngoài. Tôi vào để gặp bác lần cuối cùng, nếu không thì sẽ ân hận suốt cuộc đời. Học bác, noi gương Bác để chúng tôi dạy bảo con cháu ngoan ngoãn, biết cống hiến hơn”, anh Tuấn nói.