Nghệ thuật trang trí máng xối nước mưa ở cung đình Huế
Không chỉ cung điện, lăng tẩm ở Kinh thành Huế được tạo hình kiến trúc đặc sắc, ngay từ máng xối nước mưa cũng được chăm chút tỉ mỉ.
Nói đến Huế, không thể không nhắc tới nghệ thuật trang trí kiến trúc cung đình. Kể từ khi hình thành tới nay, kinh đô Huế trải qua bao thăng trầm, nhưng nét đẹp vốn có của cung đình Huế vẫn chưa bao giờ phai mờ trong lòng mỗi người yêu mến mảnh đất này. Nét đẹp cổ phong nhuốm màu thời gian, hiện diện qua năm tháng luôn là điểm nhấn thu hút du khách khắp nơi đổ về chiêm ngắm. Ở đó, từ những mảnh sứ đơn sơ đến họa tiết cầu kỳ phức tạp nhất không chỉ thể hiện tài hoa của nghệ nhân mà còn đậm đà hơi thở hoàng triều.
Người ta xúc động trước những kiến trúc cung đình rêu phong, đắm mình vào những nét trang nghiêm nơi đền đài lăng tẩm... Đến thăm kiến trúc cung đình Huế, bạn có thể ngắm những hoa văn, họa tiết trang trí tưởng chừng đơn sơ nhưng lại gửi gắm biết bao ý nghĩa. Giá trị nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế không chỉ được thể hiện ở quy mô tổng thể mà còn tinh tế qua từng chi tiết nhỏ. Ngay cả hệ thống máng xối nước, cũng được chăm chút với những nét đặc sắc.
Máng xối nước là một phần quan trọng của các kiến trúc có bố cục từ 2 nếp nhà trở lên nằm cạnh nhau. Đây cũng là kiến trúc thường thấy ở cung đình Huế. Điều đặc biệt gây ấn tượng nếu bạn để ý tới các máng xối nước này, đó là nó không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ dẫn nước mà còn là một thành tố kiến tạo nên nét nghệ thuật trong tổng thể kiến trúc cung đình. Sự tinh tế và tỉ mỉ thể hiện ngay ở những họa tiết tạo tác phần đầu máng xối hình rồng. Những họa tiết này mang tính biểu tượng cho văn hóa, cho tín ngưỡng và gửi gắm điềm lành.
Ở kiến trúc cung đình Huế, bạn sẽ thấy được họa tiết rồng xuất hiện ở khắp mọi nơi. Từ đường gờ mái, tay vịn cầu thang đến những tấm bình phong... đều có họa tiết rồng nhưng được thể hiện vô cùng đa dạng chứ không nhàm chán, lặp lại.
Chẳng hạn như họa tiết rồng ăn chữ thọ, lưỡng long chầu nguyệt (họa tiết hỏa châu ở giữa và có hai rồng chầu về), lưỡng long tranh châu (gần giống với lưỡng long chầu nguyệt nhưng quả cầu ở giữa không có ngọn lửa bao quanh), long ẩn vân (rồng ẩn mình trong mây), ngư long hỷ thuý (cá và rồng vui đùa với nước)... Trong đó, họa tiết lưỡng long chầu nguyệt là biểu tượng mang tính tín ngưỡng, cầu mong mưa thuận gió hòa. Hỏa châu trong kiểu thức này tượng trưng cho sấm sét và hai con rồng tượng trưng cho mưa.
Ngoài rồng, họa tiết cá cũng được lựa chọn để trang trí đầu máng xối nước mưa tại một số công trình trong cung đình Huế, là biểu tượng cho sự sung túc, dư dả.
Như một lẽ tự nhiên, họa tiết cá được sử dụng làm đầu máng nước bởi cá vốn thuộc về nước. Trong hệ thống biểu tượng, cá biểu tượng cho sự giàu có, dư dả. Còn cá hóa rồng tượng trưng cho việc học thành tài, đỗ đạt kỳ thi để làm quan.
Khi trời mưa lớn, nước dồn từ trên nóc mái, chảy qua miệng rồng hoặc cá trang trí ở đầu máng xối tạo nên nét đẹp thú vị.
Tại các cung điện, lăng tẩm tại Huế, đầu máng xối nước mưa thường dùng họa tiết rồng hoặc cá (cá ở đây thường là cá chép, cá gáy) như đã nói ở trên. Những chi tiết nhỏ này giúp kiến trúc tổng thể của điện đài hài hòa hơn, chưa kể đến tác dụng thẩm mỹ đã tăng lên rất nhiều.
Họa tiết đầu máng xối nước mưa hình cá luôn nổi bật trong những tấm hình check-in của các bạn trẻ đến Khiêm Lăng thăm thú (Ảnh: Trân Ơi, Vy Ngân, Dương Thùy Trang)
Ngoài Huế, bạn cũng có thể bắt gặp các máng xối nước mưa được trang trí cầu kỳ tại nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An. Các kiến trúc này cũng sử dụng các con vật làm họa tiết trang trí đầu máng xối, như con cóc, con cá chép hay ễnh ương. Các máng xối này được trang trí bằng gốm tráng men, gắn mảnh sứ màu... nhưng về độ tinh xảo thì không thể bằng trong cung đình Huế.