Nghề "ôsin" được đưa vào luật: kẻ hồ hởi, người băn khoăn, lo lắng

Nhã Đan,
Chia sẻ

Ngày 25/5/2014 tới đây, nghề giúp việc trong gia đình sẽ có bước ngoặt lớn nhờ nghị định mới của Chính phủ. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, chính những người giúp việc còn bất đồng quan điểm. Người thì hưởng ứng, người lại ngại luật.

Nghị định vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 25/5 tới quy định, người giúp việc nếu ở cùng chủ nhà phải được nghỉ ít nhất 8 giờ mỗi ngày, nếu làm cả năm thì được nghỉ 12 ngày có lương, mỗi tháng được nghỉ ít nhất 4 ngày. Tiền lương cho người giúp việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. (Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng theo 4 mức: vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, chủ nhà phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế theo quy định. Nếu làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ lễ, Tết thì gia chủ cũng phải trả tiền thêm...

Thực tế, tìm hiểu từ hai phía, có không ít người giúp việc hồ hởi với nghị định mới ban hành vì dành nhiều ưu đãi cho họ nhưng cũng có những người lại thờ ơ. Trong khi đó, hầu hết các chủ nhà thì lại tỏ ra băn khoăn, trăn trở. 

Người giúp việc: người thích, kẻ thờ ơ

Cô Lê Sự (Ninh Bình) có thâm niên làm giúp việc cho gia đình được hơn 10 năm nay, hiện cô đang giúp việc trông em bé cho một gia đình tại Cửa Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng có nghe qua về nghị định mới này. Tôi hoàn toàn ủng hộ và mong nghị định này sớm đi vào hiện thực".

Nghề
Cô Sự rất hưởng ứng nếu mình có được bảo hiểm y tế hàng năm

Hiện tại, công việc của cô rất ổn. Cô giúp việc cho gia đình này đã được 3 năm. Cô cũng mong muốn có được bảo hiểm y tế vì: “Công việc gì cũng vất vả, từ lao động tay chân tới lao động trí óc, sức khỏe tôi ngày càng cao nên nếu có được bảo hiểm y tế thì tốt quá. Tôi cũng sẽ đỡ lo được phần nào cho bản thân, đỡ là gánh nặng cho con cái”.

Nhưng những người có chung quan điểm với cô Sự không nhiều, nhiều chị em giúp việc tỏ ra lo ngại trước nghị định này. 

Chị Vũ Thị Mận (quê ở Bắc Giang), hiện đang làm giúp việc cho một gia đình tại Ba Đình, Hà Nội. Chị thổ lộ: “Tôi giúp viêc cho gia đình anh chị nhà này được 4 năm có lẻ, họ coi tôi như người trong gia đình vậy. Anh chị chủ đều giới thiệu với hàng xóm tôi là em gái ở quê lên. Và bản thân tôi thích được gọi là em gái hơn là người giúp việc. Anh chị ở đây rất tốt với tôi, lương tôi cũng ổn, không có gì khúc mắc nên tôi nghĩ không cần phải làm hợp đồng, ký cọt gì cho phiền phức”.

Nghề
Trong khi đó, chị Mận lại ái ngại và tỏ ra không hưởng ứng việc ký hợp đồng lao động

Trong khi đó, sự ái ngại của cô La Thị Yến (quê ở Thái Bình) lại là: “Tôi không muốn bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động. Thứ nhất tôi đi làm giúp việc thêm sau khi nghỉ hưu, tôi đã có bảo hiểm y tế chi trả, thứ 2, tôi thích ‘bay nhảy’, nhỡ ký hợp đồng xong rồi không thấy hợp thì chẳng lẽ lại cố gắng làm tiếp”.

Đó là những tranh luận của chị em giúp việc, còn đứng trên vị trí chủ nhà cũng có rất nhiều lý lẽ. 

"Thật khó xử trong việc chi trả bảo hiểm cho người giúp việc"

Là sự trăn trở rất thật của chị Quỳnh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị chia sẻ: “Tôi coi chị giúp việc hiện tại như người trong nhà. Bản thân chị cũng là người chăm chỉ, biết việc, chị đã làm công trong nhà tôi được 6-7 năm. Gia đình tôi cũng trả lương cho chị hậu hĩnh, không kể tiền thêm nếm, lương cứng chị đã được 3,5 triệu. Khoản tiền này đã cao hơn hẳn quy định mức lương tối thiểu của Chính phủ. Nếu tính một cách chi li, tôi còn trả chị ấy cả tháng tới 7-8 triệu đồng. Không những thế, chị vẫn được nghỉ ngơi đàng hoàng, vẫn về quê thường xuyên, có tiền tàu xe, mua sắm mỗi lần về. Nhưng nếu theo nghị định mới này phải đóng bảo hiểm thì chẳng lẽ chúng tôi lại cắt bớt tiền lương của chị để trả. Vậy chắc cũng không hay, khó xử cho ngay cả tôi lẫn chị ấy. Còn nếu không cắt bớt mà thêm vài trăm ngàn đóng bảo hiểm chắc tôi không kham được”.

Nghề
Chị Quỳnh Trang chia sẻ, lương cô giúp việc nhà chị hiện tại là 3,5 triệu chưa kể những 'phụ phí' khác. Nếu hiện tại phải đóng thêm bảo hiểm cho người giúp việc thì thật là việc quá sức cho gia đình chị

Chị Trà Thu (Trần Tử Bình, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi thấy nghị định này khó khả thi. Mục đích của nghị định là bảo vệ người giúp việc, đó là điều tốt. Song theo tôi thấy đây là công việc giúp việc khá đặc thù, nếu cứ áp dụng các quy định chung về giờ giấc, nghỉ ngơi, tiền lương… như các loại hình khác thì không đơn giản chút nào".

Chị Thu trình bày, chị cũng thuê người giúp việc với mức lương là 3 triệu đồng 1 tháng. Chị giúp việc có nhiệm vụ dọn nhà và cơm nước, việc trông con dường như chị Thu không để giúp việc phải mó tay. Chị bảo: “Tôi nghĩ mức lương đó là thỏa đáng, nếu giờ phải đóng thêm cả tiền bảo hiểm rồi cho giúp việc nghỉ theo quy định thì chắc tôi phải làm thay họ từ a-z việc gia đình, thậm chí phải thuê thêm người nữa. Tôi thấy nghị định mới đang ưu ái người giúp việc quá. Thuê người để họ đỡ đần mình, giúp mình bớt vất vả nhưng nếu theo quy định thì giúp việc còn sướng hơn cả mình rồi".

Anh Trấn Ngọc (Quán Thánh, Hà Nội) đồng tình với Nghị định của Chính phủ song anh vẫn lăn tăn: “Bác giúp việc nhà mình cũng gần 60 tuổi, nếu cần thiết đóng bảo hiểm cho bác cũng là điều tốt và gia đình tôi sẽ thực hiện nhưng mình nghĩ bác sẽ giữ lại tiền chứ không chịu đóng bảo hiểm”.

Không dễ để thực hiện

Trả lời về vấn đề này, luật sư Bùi Sinh Quyền (Văn phòng luật sư Phúc Thọ) nói, quy định như thế này trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu rồi và hiện nay nước ta mới bắt đầu thực hiện. Việc ban hành các quy định chi tiết về lao động giúp việc gia đình là điều vô cùng cần thiết. Điều này góp phần thay đổi nhận thức xã hội, coi giúp việc gia đình là một nghề, người giúp việc sẽ được coi trọng hơn trong xã hội.

Việc ra đời các quy định cụ thể với lao động giúp việc gia đình là cơ sở pháp lý để thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Giúp người giúp việc tránh khỏi những rắc rối không đáng có. 

Tuy nhiên, đội ngũ lao động giúp việc ở Việt Nam còn thiếu tính chuyên nghiệp. Từ trước đến nay, thuê người giúp việc luôn là thỏa thuận miệng từ mức lương đến mô tả công việc, điều này khiến việc thực hiện nghị định là khó khả thi. Bản thân người giúp việc không muốn bị trói buộc vào hợp đồng lao động, hơn nữa, làm việc nhà rất khó xác định khung giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi. 

Nghị định 27/2014/NĐ–CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý để thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Giúp tạo dựng sự bình đẳng trong quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc. Từ quy định này, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xử lý vi phạm đối với chủ lao động với người lao động nếu có vấn đề xảy ra. 
Chia sẻ