Nghe lén cuộc nói chuyện của con dâu trong bếp, tôi rơm rớm nước mắt xúc động vì không ngờ mình lại có đứa cháu tuyệt vời như thế!
Cháu nội tôi đúng là một đứa trẻ ngoan, tinh tế nhạy cảm.
Mấy hôm trước có kết quả thông báo điểm chuẩn của các trường, tôi liền gọi điện cho con gái và con trai để hỏi xem hai đứa cháu tôi có trúng tuyển không. Kết quả khiến tôi vui đến nỗi cười không khép được miệng, cháu tôi một đứa đỗ trường Y, một đứa đỗ Ngoại ngữ, không uổng 12 năm đèn sách vất vả. Khi nghe được tin vui này, tôi vội vã cầm điện thoại chạy ra ngoài khoe với hàng xóm, rủ họ cùng chung vui với mình, hàng xóm cũng hết lời chúc mừng khen ngợi, còn nói rất lâu rồi mới thấy tôi vui vẻ như vậy.
Nghe lời chúc phúc của hàng xóm, tôi nheo mắt lại, mỉm cười vui vẻ hưởng ứng họ: “Cám ơn lời chúc của mọi người. Khi có thông báo nhập học, tôi sẽ khao tất cả một bữa thật hoành tráng!”.
Sau khi trò chuyện với hàng xóm, tôi vội vã đến ngân hàng rút tiền để làm quà cho lũ trẻ. Tôi còn đi mua hai cái lì xì màu đỏ thật to để nhét tiền vào đó, coi như chút may mắn tôi dành cho hai đứa cháu của mình trước khi bước vào hành trình mới. Tôi chỉ là một bà lão gần đất xa trời, cả cuộc đời tôi gắn liền với nông thôn đồng ruộng, không có lương hưu hàng tháng như những người khác. Thu nhập chính của gia đình tôi đến từ vài mẫu ruộng cho thuê và tiền tiêu vặt mà con cái biếu tôi ngày lễ Tết. Giờ đây hai đứa cháu tôi đỗ đạt cao như vậy, với tư cách là người lớn trong nhà, tôi đến ngân hàng rút 10 triệu tiền mặt, chia đều vào hai chiếc lì xì đỏ, mỗi chiếc 5 triệu.
Khi về đến nhà, tôi gọi điện cho con trai, con gái và bảo chúng cuối tuần đưa các cháu về nhà tôi. Tôi sẽ đích thân đưa những phong bao lì xì màu đỏ tận tay hai đứa cháu giỏi giang của mình.
Sáng sớm cuối tuần, tôi đạp xe ra chợ gần đó để mua hải sản mà bọn trẻ thích ăn. Vì tôi sống một mình nên ăn uống cũng đơn giản, bình thường một bữa tôi chỉ ăn hết đâu đó 30 nghìn. Nhưng ngày hôm đó, để các con vui vẻ và no bụng, tôi đã chi tổng cộng gần 2 triệu, bao gồm cả đồ uống. Hai triệu đó tương đương với chi phí ăn uống của tôi trong một tháng, nhưng giờ tiêu nhiều như vậy tôi lại chẳng có cảm giác xót tiền, ngược lại còn thấy vui vẻ vô cùng.
Tôi hẹn con cháu lúc 12 giờ trưa nên vừa đi chợ về là tôi hối hả bắt tay vào nấu nướng, đang dở tay thì con gái và con rể đến, còn mang theo rất nhiều đồ ăn. Lần nào về nhà chúng cũng gói cho tôi rất nhiều đồ, ở nhà có việc gì cần sức đàn ông là con rể tôi sẽ nhiệt tình giúp đỡ. Thấy con hiếu thảo như vậy, mỗi lần ngồi nói chuyện với hàng xóm, tôi luôn khen ngợi con rể.
Chẳng mấy chốc cơm canh đã sẵn sàng. Tôi gọi điện thoại cho con trai hỏi bao giờ thì nhà nó mới đến:
"Con gần về đến nhà rồi, khoảng 20 phút nữa mẹ nhé!”.
Mỗi lần gia đình con trai đến nhà tôi ăn cơm, vợ chồng chúng luôn là người đến muộn nhất. Kể cả đến sớm hơn chút thì chúng cũng chẳng chịu xắn tay áo giúp tôi làm gì, chỉ ngồi ghế sô pha nghịch điện thoại, chờ cơm nước xong xuôi thì ngồi xuống ăn. Tôi đã nhắc nhở bao nhiêu lần mà chúng vẫn chứng nào tật nấy nên cũng đành chịu. Khoảng 20 phút sau, gia đình con trai tôi cuối cùng cũng tới nơi. Chúng tôi ngồi vào bàn ăn, cụng ly với nhau để ăn mừng hai đứa cháu của cả nhà đạt điểm cao, đỗ vào trường đại học chúng thích.
Ăn uống xong, tôi lấy phong bao lì xì đã chuẩn bị từ trước nhét vào tay cháu ngoại và cháu nội: “Bà đã già rồi, không để dành được nhiều, hôm nay bà cũng không giấu gì, bà tặng mỗi đứa 5 triệu, bà chúc hai đứa khởi đầu hành trình mới thuận lợi, học hành suôn sẻ, thế là bà vui rồi!”.
"Con cảm ơn bà nội, con xin nhận tấm lòng của bà, nhưng con không thể nhận phong bao lì xì này".
"Vâng, bà ngoại ơi, bà đã già rồi, chúng con phải hiếu thảo với bà mới đúng. Chúng con không thể lấy tiền của bà được!”.
Hai đứa cháu tôi rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện, chúng nhất quyết không chịu nhận lì xì, tôi phải nói mãi chúng mới cầm lấy.
Sau bữa cơm, cháu ngoại và con gái tôi dọn mâm, còn cháu nội thì lôi mẹ nó vào bếp rửa bát. Lúc đi ngang qua phòng bếp, tôi nghe loáng thoáng tiếng con dâu lầm bầm:
“Bà nội con hay thật đấy, cho cả hai đứa cháu bằng nhau, đáng lẽ cháu nội phải được nhiều hơn chứ!”.
Cháu nội tôi quay sang nói:
“Mẹ đừng có nói thế. Con cũng nói thật với mẹ, con không đồng ý với việc lần nào về nhà bà ăn cơm, gia đình mình cũng đến muộn nhất, chẳng giúp được gì cho bà cả. Mẹ cũng đừng có mặt nặng mày nhẹ với bà nội và cô út, cả nhà đều vui vẻ, chỉ có mỗi mẹ cứ cau có khó chịu, con cũng không vui đâu. Mẹ đừng nghĩ con còn nhỏ mà con không biết gì, con không tán thành thái độ của bố mẹ với bà nội như vậy. Số tiền hôm nay bà cho con sẽ tự giữ, sau này nếu bà có việc gì, con sẽ lấy số tiền đó ra lo cho bà, mẹ đừng đòi con đưa cho mẹ. Với cả, sau này nếu có về nhà bà ăn cơm thì nhà mình đừng về muộn như thế nữa, nếu bố mẹ không thích thì con tự về trước một mình”.
“Ơ hay, mày ăn nói với mẹ như thế hả…”.
Nghe đến đó thì tôi quay đi. Mắt tôi rơm rớm, lòng tự thấy may mắn thay cho vợ chồng con trai tôi, chúng sống như vậy mà nuôi được đứa con quá tốt. Cháu nội tôi đúng là một đứa trẻ ngoan, tinh tế nhạy cảm. Ngẫm lại mới thấy, quả nhiên ngoài việc học hành, nhân phẩm và cách làm người còn quan trọng hơn thế.