Nghe con gái 6 tuổi nói "người lớn Việt Nam thiếu tôn trọng trẻ con", bà mẹ này đã có cách ứng xử rất khác, bất chấp bị mang tiếng là "phụ nữ cá biệt"

ĐX,
Chia sẻ

Khi thấy con gái trên chuyến bay về Việt Nam năm 6 tuổi (con sang Đức từ năm 3 tuổi) lại có vẻ không thật sự háo hức, bà mẹ ấy đã căn vặn và nhận được lời phát biểu già đanh "Vì người Việt thiếu tôn trọng trẻ con", chị đã làm gì?

Đó là câu chuyện của Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐHSPHN) về cách tôn trọng trẻ con qua câu chuyện cụ thể từ cô con gái mình.

Một câu chuyện cũ được TS. Vũ Thu Hương kể lại về cô con gái mình. Vào 1 ngày trên chuyến bay về Việt Nam (cô bé sang Đức từ năm 3 tuổi) khi con gái chị 6 tuổi quay về Việt Nam. Thay vì sự háo hức thường thấy, cô bé lại tỏ vẻ thất vọng. Khi được hỏi lý do tại sao, cô bé đã thẳng tưng tuyên bố lý do 1 cách cực chính đáng "Người Việt thiếu tôn trọng trẻ con".

Với nhận xét có vẻ già đời này của đứa trẻ 6 tuổi, TS. Thu Hương không cho rằng con có vấn đề mà nhận thấy con nói đúng. Vì bản thân chị cũng là người Việt và lớn lên trong sự thiếu tôn trọng con trẻ.

Nghe con gái 6 tuổi nói "người lớn Việt thiếu tôn trọng trẻ con", người phụ nữ này đã có cách xử lý khác biệt bất chấp việc bị mang tiếng là "bà mẹ cá biệt" - Ảnh 1.

"Cô bé 6 tuổi" với lời nhận xét già đanh, con gái của TS. Vũ Thu Hương, năm nay đã trở thành cô gái 21 tuổi tự tin và độc lập, tự mình biết ứng phó và xử lý với các vấn đề trong cuộc sống.

Nói thêm về việc tại sao con chị khi 6 tuổi lại phát biểu như vậy, TS. Vũ Thu Hương cho biết vì lúc ở bên Đức người ta dạy trẻ cách quan sát và hết sức tôn trọng con trẻ từ trong cách hành xử cũng như luôn tôn trọng việc trẻ được nói lên chính kiến của mình.

Giáo viên mầm non ở đây cũng cực kỳ tôn trọng và thường đối xử với đứa trẻ ngang hàng, chứ không coi chúng là "bề dưới", là "những đứa nhóc". Khi nói chuyện với chúng thì người lớn sẽ ngồi xuống ngang mặt nói chuyện, mọi cư xử đều thận trọng.

Trong khi đó ở Việt Nam thì đứa trẻ này lại nhận thấy những sự vô lý và cảm thấy "bất mãn" vì việc người lớn hay xoa đầu trẻ con, đứng trên cao mà cười cợt. Cô giáo thì vào lớp cứ 'quát quát' học trò. Người lớn không chào trẻ trước, nhưng lại rất hay bắt bẻ những đứa trẻ không chịu chào người lớn.

Người lớn cũng thường bắt trẻ con nói đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, kính ngữ, nhưng có khi lại nói trống không, chỏng lỏn hoặc ra lệnh với trẻ. Nhiều lúc người lớn đã làm sai không những không xin lỗi mà lại còn quát hoặc đổ lỗi cho trẻ.

Khách đến chơi nhà nói chuyện với mẹ không tự đi tìm không gian riêng mà lại bắt trẻ vào trong nhà cho người lớn nói chuyện. Chưa kể người lớn hay chen lấn, xô đẩy và khi va vào trẻ con hay ai đó còn không biết xin lỗi.

Khi trẻ có đề nghị gì đó tại các điểm dịch vụ thì chủ quán thường hỏi "mẹ cháu đâu?".

Và tất cả những điều con để ý quan sát và nhận xét chị thấy con nói đúng, quả là người lớn ở ta có "sự vô lý" thật. Và chị đã rút kinh nghiệm ngay từ cách đối xử với chính con mình để cho con sự tôn trọng cần có.

Và dưới đây là cách TS. Vũ Thu Hương "đối xử" với để con cảm thấy được tôn trọng. Cách thực hiện có thể không theo số đông vẫn làm, dù có lúc chị bị mang tiếng là "bà mẹ cá biệt" hoặc "không biết dạy con ngoan".

Nghe con gái 6 tuổi nói "người lớn ở Việt Nam thiếu tôn trọng trẻ con", người phụ nữ này đã có cách xử lý khác biệt bất chấp việc bị mang tiếng là "bà mẹ cá biệt" - Ảnh 2.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội.

"1. Khi thấy con đang làm gì đó không quá nguy hiểm, có thể bẩn, có thể không gọn gàng, có thể trông như là đang nghịch ngợm, có thể hơi mạo hiểm 1 chút, có thể không nghiêm túc.... tớ không nhắc nhở hay quát nạt con. Tớ quan sát con làm và thực sự thấy con tự do và sáng tạo hơn khi được làm thứ mình muốn.

Đến giờ dạy học sinh, ngồi ăn với lũ trẻ 6 tuổi, tớ cũng vẫn thế. Có cu cậu nhét khoai tây chiên vào bánh mì, có cô nàng xẻ cả cái bánh mì ra và rưới nước canh vào bánh, có cô bé ngồi gặm hết bánh rồi mới lấy thìa xúc pate, bơ... vào miệng ăn, tớ vẫn ngồi quan sát, không hề có ý kiến.

Rõ ràng nếu người Việt khác trong vị trí của tớ, sẽ nhắc trẻ liên tục, đó là sự thiếu tôn trọng trẻ.

2. Trẻ không học bài, tớ không bao giờ nhắc. Kệ thôi. Việc gì của trẻ thì mặc trẻ. Học không ổn thì cô giáo phạt và trẻ phải chịu thôi. Tớ không bao giờ ép con học vì sự sĩ diện của bản thân cũng như mơ ước không thực hiện được của chính mình. Tôn trọng trẻ ngay cả trong việc để trẻ tự chịu trách nhiệm như người lớn là điều trẻ cần.

3. Khi người lớn sai thì xin lỗi và sẵn sàng chịu phạt. Các cha mẹ sẽ nhìn thấy tớ bị trẻ phê phán, xin lỗi khi thấy mình sai thật và chịu hình phạt giống các bạn ấy khi các cha mẹ đến thăm lớp của tớ. Ở nhà cũng vậy, tớ sai là tự xin lỗi và chịu phạt. Điều này khiến con gái rất hài lòng.

4. Không bao giờ xem hoặc dùng đồ cá nhân của con mà không hỏi. Đặc biệt, tớ không bao giờ lén xem nhật kí của con. Điều này con tớ thật sự thích và rất tự hào về mẹ mình.

5. Không bao giờ tự quyết bất kể điều gì của con. Mọi việc tớ đều hỏi con, nếu có gì cảm thấy không ổn thì tư vấn, nếu con không nghe thì cho con tự chịu hậu quả để con rút kinh nghiệm.

6. Luôn đề cao con trong mọi việc. Tớ không ca ngợi kiểu con rất giỏi mà luôn khẳng định con sẽ làm được và sẽ làm tốt. Tớ không bao giờ xông vào làm hộ con điều gì kể cả khi con rất bé. Trừ khi con không thể tự làm (dưới 2 tuổi) thì tớ mới giúp. Hướng dẫn con tự làm và đề cao sự tự lập của con cũng là điều mà con thích ở bà mẹ "cá biệt" là tớ.

7. Con là người tự chọn ngành và chọn trường. Cháu chỉ nghe lời khuyên của mẹ như tất cả những người khác. Con còn đến gặp đại giáo sư hướng dẫn mẹ làm luận án tiến sĩ để hỏi ý kiến chọn ngành nghề trước khi lựa chọn. Mẹ chỉ là 1 kênh tham khảo thôi.

8. Sẵn sàng cho con ra ở riêng ngay khi con đủ lớn".

Và những điều chị làm dù có ai đó nói rất nhiều rằng là "mẹ quá chiều chuộng con" hay "con là 1 đứa trẻ hư" thì thành quả thực tế chị và con là người được đón nhận.

Hiện tại đứa trẻ 6 tuổi với lời "nhận xét già đanh" ấy đã 21 tuổi và thành quả đã thấy rõ như thế này:

"Con tớ (Thư Péo) đã ra ở riêng ngay khi tròn 18. Sau này ở Úc về trốn dịch, nàng thích ở với mẹ chứ mẹ vẫn sẵn sàng cho nàng ra ngoài ngay. Điều này giúp Péo thực sự chủ động khi sang Úc học. Tự lo từng thứ siêu nhỏ đến siêu lớn, nàng hoàn toàn không cần hỏi đến ai, tự mình xử lý mọi thứ ổn thỏa nhất. Tìm được nhà rẻ nhất, gần trường. Lo đầy đủ đồ dùng cá nhân đủ cho cuộc sống. Biết tự xin bảo lưu về Việt Nam khi chớm bùng dịch (giá vé chưa tăng, kịp trước khi đóng biên), tự xin đi cách ly, tự xin học online tiếp, tự đăng kí môn học trong kì nghỉ hè cho đỡ mất thời gian. Đến nay, dù bạn ấy nghỉ 1 kì do dịch, bạn ấy sẽ vẫn tốt nghiệp đúng hạn.

Điều mà Thư làm được cũng nhờ con được tự quyết mọi thứ từ tấm bé và thực sự ở riêng ngay khi tròn 18.

Gái nhà tớ giờ 21 tuổi, đã trưởng thành rồi. Điều cháu tự hào nhất là mẹ rất tôn trọng. Đó là điều cháu cần. Tớ nghĩ trẻ nào cũng vậy".

Với chia sẻ của TS. Vũ Thu Hương có lẽ nhiều bậc cha mẹ sẽ nhìn lại "sự công bằng" cần có trong việc đối xử với trẻ. Muốn trẻ con tôn trọng mình hãy dành cho chúng sự tôn trọng trước tiên. Không phải đòi hỏi mẹ cha người lớn cần được kính trọng mà quên mất rằng con trẻ cũng cần được tôn trọng. Mọi bài học lý thuyết đều là sáo rỗng nếu người lớn không chịu làm tấm gương.

Chia sẻ