Nghe bạn thân nói vu vơ một câu, người đàn ông đi xét nghiệm ADN với con, nhận kết quả lập tức hối hận
Nghe theo câu nói vu vơ của người bạn thân, anh Mạnh (*) quyết định đi làm xét nghiệm ADN với con trai.
Đi xét nghiệm ADN vì một câu nói vu vơ của bạn thân
Kết hôn 10 năm, anh Mạnh sống hạnh phúc bên vợ và đứa con trai (9 tuổi) khỏe mạnh, thông minh.
Anh Mạnh là người thành đạt, công việc bận rộn nên thường phải đi công tác. Tuy nhiên, anh vẫn luôn dành thời gian cho vợ và con.
Gia đình xuất hiện mâu thuẫn khi bạn thân của anh từ nước ngoài trở về và ghé qua gia đình anh chơi. Khi gặp mặt, người bạn thân bỗng nói bâng quơ một câu: "Sao thằng bé (con anh Mạnh) nhìn chẳng giống mày ngày bé chút nào thế".
Điều này khiến cho anh Mạnh suy nghĩ, buổi đêm anh bật dậy ngắm gương mặt của con. Anh nhận ra đúng là con anh không có nét giống anh ngày bé. Đặc biệt, 2 vợ chồng anh Mạnh đều có mắt 2 mí nhưng thằng bé lại có mắt một mí.
Từ câu nói của bạn thân, anh Mạnh bắt đầu nghi ngờ, anh nghĩ về thời điểm mình và vợ đến bên nhau. Thời điểm anh quen vợ là khi cô ấy đang thất tình, bị người yêu cũ phụ bạc. Vì 2 người gặp nhau đúng thời điểm nên vợ anh đã đồng ý cưới ngay khi anh ngỏ lời cầu hôn.
Nghĩ về quá khứ, anh Mạnh thấy hoài nghi sự chung thủy của vợ, nhất là chuyện vợ anh có mối tình sâu nặng với người yêu cũ khi xưa. Anh Mạnh không giữ được bình tĩnh nên đã tra hỏi vợ và yêu cầu xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống với con trai.
Kết quả xét nghiệm ADN hé lộ sự thật
Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy con trai anh và anh cùng huyết thống. Lúc nhận kết quả, thay vì vui mừng, anh Mạnh cảm thấy ân hận vì đã nghi ngờ vợ. Ngày có kết quả xét nghiệm cũng là ngày vợ anh đưa con rời khỏi nhà.
Đại tá Hà Quốc Khanh – Cố vấn khoa học cao cấp tại Trung tâm xét nghiệm Gentis cho biết, trong quá trình làm việc, ông đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp đi xét nghiệm huyết thống vì những lý do vu vơ, không có căn cứ khoa học. Sau đó, khi nhận kết quả xét nghiệm, họ lại cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình, tình cảm vợ chồng, hạnh phúc gia đình cũng vì thế mà rạn nứt và tan vỡ. Anh Mạnh cũng là một trong số những trường hợp này.
Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, trường hợp con không cùng nhóm máu hoặc có gương mặt không giống bố mẹ nhưng vẫn cùng huyết thống là chuyện rất bình thường. Bởi, gương mặt không phải là biểu hiện quyết định huyết thống. Các đặc điểm biểu hiện ra bên ngoài chỉ là những kiểu hình được thể hiện thông qua gen di truyền.
Trong cơ chế di truyền về gen, các gen lặn và gen trội của bố và mẹ có thể kết hợp với nhau và tạo ra những kiểu hình biểu hiện bên ngoài không giống bố, mẹ. Kiểu hình biểu hiện ra bên ngoài cũng có thể là do di truyền từ đời trước, hay nói cách khác là di truyền gen mang yếu tố dòng tộc.
"Chính vì không hiểu cơ chế di truyền này nên nhiều người nghi ngờ khi con có ngoại hình không giống cha hoặc mẹ. Cuối cùng, khi làm xét nghiệm ADN, kết quả lại là chung huyết thống", đại tá Khanh nói.
Qua câu chuyện của anh Mạnh, ông Khanh nhắc nhở mọi người không nên chỉ nhìn vào ngoại hình mà đưa ra những phán đoán sai lầm về quan hệ huyết thống.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.