Một gia đình 2 người tử vong, 2 người nguy kịch, nguyên nhân liên quan căn bệnh ít người để ý tiêm phòng

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Mới đây, thông tin một gia đình có 2 người tử vong, 2 người nguy kịch, nghi do viêm não mô cầu - căn bệnh ít được tiêm phòng đầy đủ, khiến nhiều người lo lắng.

Chỉ trong vòng 5 ngày, 2 người trong gia đình bệnh nhân Đ.V.D (38 tuổi) đã tử vong. Đầu tiên là con gái anh (22 tháng tuổi) bị sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, nổi ban xuất huyết vùng gối, lan toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém. Bé được đưa đến Trung tâm Y tế gần nhà khám và điều trị, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Bệnh viên đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tử vong sau đó.

Một gia đình 2 người tử vong, 2 người nguy kịch chỉ trong vài ngày, nguyên nhân đến từ căn bệnh ít người để ý tiêm phòng - Ảnh 1.

Ảnh bệnh viện

3 ngày sau, mẹ bệnh nhân sốt cao, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, nổi ban xuất huyết. Bà nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và tử vong sau vài giờ vào viện.

Sau cái chết của mẹ và con gái, bệnh nhân D và con trai 11 tuổi cũng có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn sau ăn, nhưng không đại tiện phân lỏng. 

Ngày 10/6, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, được chẩn đoán viêm màng não. Bệnh nhân và con trai được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy, thấy dịch đục, chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu. Sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, 2 bố con tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi, điều trị. Đối với 2 người trong gia đình đã tử vong đều chưa xác định được căn nguyên nhưng giới chuyên gia cho rằng, nguy cơ cao có thể do viêm não mô cầu.

Trước tình hình đó, ngày 13/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu trên địa bàn.

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh gì?

Theo BS Trương Hữu Khanh (Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết, viêm màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây ra.

Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh.

Triệu chứng, dấu hiệu của viêm màng não do não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu diễn biến rất nhanh. Điều quan trọng là phải để ý đến các triệu chứng và đi khám bác sĩ ngay lập tức. Bệnh xuất hiện với triệu chứng phổ biến nhất, bao gồm:

- Sốt cao đột ngột.

- Đau đầu.

- Nôn.

- Cứng cổ, gáy.

- Mệt mỏi.

- Có thể bị đau họng.

- Xuất huyết.

- Co giật.

Một gia đình 2 người tử vong, 2 người nguy kịch chỉ trong vài ngày, nguyên nhân đến từ căn bệnh ít người để ý tiêm phòng - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng có thể hơi khác một chút. Hãy chú ý một số biểu hiện:

- Thóp phồng.

- Tiếng khóc the thé, rên rỉ.

- Cáu gắt.

- Xuất hiện biểu hiện co giật ở tay.

- Lờ đờ.

- Nôn mửa.

- Ăn kém.

Một dấu hiệu rất quan trọng cần chú ý là phát ban da màu đỏ hoặc tím, gọi là xuất huyết dưới da, cho biết vi khuẩn đã xâm nhập vào máu. 

Bạn có thể phân biệt loại phát ban này với các loại phát ban khác vì các đốm không nhạt đi khi bạn ấn vào chúng. Đây là trường hợp cần cấp cứu y tế gấp. Các đốm phát ban là máu rỉ ra từ các mạch máu do vi khuẩn gây ra, được gọi là nhiễm trùng huyết do não mô cầu, có thể gây tử vong trong vòng vài giờ.

Một gia đình 2 người tử vong, 2 người nguy kịch, nguyên nhân liên quan căn bệnh ít người để ý tiêm phòng - Ảnh 4.

Nốt phát ban khi mắc viêm màng não do não mô cầu. Ảnh minh họa

Phòng tránh viêm màng não do não mô cầu bằng cách nào?

BS Khanh cho biết, hãy tiêm vắc-xin viêm màng não do não mô cầu nếu có điều kiện. Cha mẹ hãy chủ động tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Ngoài ra cần tuân thủ các biện pháp phòng tránh khác:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đồng thời thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

Nếu bị viêm màng não do não mô cầu thì có chữa khỏi được không?

BS Khanh khẳng định, bệnh viêm màng não do não mô cầu hoàn toàn có thể điều trị được. Điều quan trọng là bệnh nhân cần phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85-95%. Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân được tiêm phòng trước đó thì rủi ro biến chứng khi mắc bệnh sẽ giảm đi đáng kể. Một lần nữa, chuyên gia muốn nhấn mạnh, nếu có điều kiện hãy cho trẻ 2 tuổi trở lên đi tiêm phòng viêm não mô cầu.

Chia sẻ