Nghệ An: Chuyện về người mẹ "đặc biệt" của 25 mảnh đời bất hạnh
25 học viên tại Trung tâm khuyết tật Hoa Sen là 25 câu chuyện về mảnh đời bất hạnh khác nhau. Họ được một người phụ nữ xa lạ xin đưa vào chùa Chí Linh cưu mang, chăm sóc, đào tạo nghề và tiếp sức để vượt lên số phận.
Mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh
Trung tâm khuyết tật Hoa Sen nằm trong khuôn viên chùa Chí Linh (chùa Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là nơi cưu mang 25 mảnh đời bất hạnh. Họ, có những người mang ngoại hình khiếm khuyết, gánh cùng lúc nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Có những người cơ thể lành lặn nhưng bị thiểu năng trí tuệ, dù lớn (ấy là về tuổi) nhưng tâm tính thất thường chẳng khác nào một đứa trẻ. Cũng không ít số phận bị cha mẹ bỏ rơi, không nơi nương tựa.
Học viên tại trung tâm đều là những người khuyết tật, ăn ở và đào tạo nghề miễn phí như cắt may, thêu tranh, tranh đính đá
Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Dưới sự bảo trợ của chùa Chí Linh, 25 số phận kém may mắn này xem Trung tâm khuyết tật Hoa Sen như ngôi nhà chung. Ngoài việc cưu mang, chăm sóc miễn phí, những học viên này còn được đào tạo một số nghề miễn phí như cắt may, thêu tranh, làm tranh đính đá, xâu chuỗi cườm... Mỗi học viên tự do lựa chọn cho mình một nghề phù hợp.
Những sản phẩm làm ra sẽ được bày bán cho khách có như cầu nhằm tạo thu nhập cho học viên.
Học viên làm việc một cách tích cực, phấn khởi
30 tuổi nhưng anh Quảng Văn Tú (xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) chỉ cao 1 mét, nặng 28kg. Tú sớm chịu thiệt thòi vì mồ côi mẹ lại cùng lúc gánh chịu nhiều căn bệnh hiểm nghèo như thiếu máu huyết tán, gan to, lách to. Đôi chân Tú bị khuyết tật, co quắp, đi lại khó khăn.
Cũng vì ngoại hình khiếm khuyết, bệnh tật hành hạ khiến nam thanh niên này luôn sống trong mặc cảm, tự ti.
Anh Tú không còn mặc cảm, tự ti về ngoại hình khiếm khuyết của mình từ ngày theo học tại trung tâm.
Tháng 4/2018, biết tin trung tâm nhận cưu mang, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật, anh Tú mạnh dạn đăng ký và gắn bó từ đó đến bây giờ.
"Chỉ khi sống ở nơi đây, tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ, được nhà chùa quan tâm, được giám đốc trugng tâm yêu thương, chỉ dạy tận tình, tôi mới được sống là chính mình và không còn mặc cảm như trước nữa", anh Tú vui vẻ chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Long (30 tuổi, ngụ xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sinh ra không có hậu môn, thần kinh không được bình thường. Dù bị khiếm khuyết cả trí tuệ lẫn thể chất nhưng những lúc tỉnh táo, chị may rất đẹp. Thế nhưng, lúc trái ý, chị giận dỗi như một đứa trẻ suốt cả ngày.
Đã 30 tuổi nhưng chị Long chẳng khác nào một đứa trẻ, giận dỗi suốt ngày.
Người mẹ "đặc biệt"
Chị Nguyễn Thị Nhung (giám đốc Trung tâm khuyết tật Hoa Sen) cho biết, Trung tâm được thành lập vào tháng 12/2017, là tâm nguyện lớn nhất của chị và là thành quả của sự chung sức, chung lòng của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của các bậc trụ trì tại chùa Chí Linh. Đồng cảm với những số phận bất hạnh, chùa Chí Linh đã tạo điều kiện để các học viên được ăn, ở và đào tạo nghề miễn phí.
Có những học viên chị Nhung xin đưa về cưu mang, cũng có những trường hợp được cha mẹ, người thân đưa đến gửi gắm, nhờ giúp đỡ.
Chị Nhung tận tình nắm tay chỉ dạy cho học viên của mình.
46 tuổi nhưng chị Nhung có đến gần 20 năm tham gia công tác từ thiện. "Sau những chuyến đi thiện nguyện, tôi nhận thấy có nhiều mảnh đời bất hạnh bị khiếm khuyết về thể chất, tinh thần, sống mặc cảm, tự ti nhưng họ vẫn có khát vọng. Tôi muốn giúp họ, cho họ một điểm tựa tinh thần để họ thực hiện khát vọng đó và thấy được giá trị của cuộc sống.
Khi quyết định thành lập trung tâm, nhiều người nói tôi điên vì ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Thế nhưng, nghĩ đến các em đang cần giúp đỡ, tôi lại quyết tâm thực hiện cho bằng được", chị Nhung chia sẻ.
Với cương vị là giám đốc trung tâm nhưng chị Nhung cũng là người trực tiếp lo miếng ăn, giấc ngủ và nắm tay từng học viên để dạy nghề.
Chị Nhung chia sẻ "chỉ cần nhìn thấy các em cười, mọi mệt mỏi, áp lực đều tan biến".
"Tôi từng cho mình là một phế nhân, là gánh nặng cho gia đình, nhưng chính những lời động viên của mẹ Nhung, sự quan tâm tận tình của nhà chùa đã làm tôi thay đổi tư tưởng. Bây giờ tôi có thể kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân mình và cảm thấy rằng cuộc sống dù không tròn trịa nhưng vẫn rất ý nghĩa", anh Lê Công Mạnh (27 tuổi, học viên tại trung tâm) chia sẻ.
Một vụ tai nạn cách đây 5 năm đã biến anh Mạnh từ một thanh niên khỏe mạnh thành tàn tật, liệt nửa người, phần mông đang trong quá trình hoại tử. Dù vậy, anh vẫn đang cố gắng để vượt qua số phận mình.
Dù đôi chân không còn sau vụ tai nạn nhưng anh Mạnh vẫn thấy cuộc sống rất ý nghĩa từ khi sống tại trung tâm.
Để mang niềm vui đến cho những mảnh đời bất hạnh, nữ giám đốc trung tâm này ngày hai buổi bỏ công việc nhà lo lắng, chăm sóc học viên của mình. Chị chia sẻ, cho yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Cũng chính vì vậy mà hàng chục học viên đều gọi chị bằng "mẹ" một cái tên trìu mếm và đầy yêu thương.
Phòng trưng bày tranh thành phẩm của các học viên
Thỉnh thoảng nhiều nhà hảo tâm vẫn tìm đến thăm hỏi, động viên những số phận bất hạnh.
Nói đến những khó khăn mà mình gặp phải, chị Nhung chia sẻ: "Đào tạo nghề cho một người bình thường đã khó, đào tạo cho người khuyết tật càng khó hơn. Đó là chưa kể những lúc trái gió trở trời, hết học viên này đến học viên kia trở bệnh, tôi chỉ biết túc trực suốt ngày đêm, mất ăn mất ngủ vì lo lắng.
Nhưng rồi, ngày mai lại thấy các em hồn nhiên vui cười, mọi áp lực, mệt mỏi trong tôi đều tan biến", chị Nhung chia sẻ.
Ngoài cương vị giám đốc, chị Nhung còn chăm lo từ miếng cơm, giấc ngủ cho những "đứa con" của mình.
Cứ thế, suốt một năm qua, người phụ nữ này làm việc một cách lặng lẽ để mang đến niềm vui, nụ cười cho những số phận kém may mắn trong cuộc đời.