Bác sĩ Sài Gòn đưa người phụ nữ 30 năm tâm thần, bị ung thư buồng trứng rất nặng từ "quỷ môn quan" trở về
Nếu không phẫu thuật khẩn cấp, nữ bệnh nhân bị ung thư buồng trứng có lẽ không qua khỏi. Chính vì vậy mà dù được nhiều đồng nghiệp khuyên không nên phẫu thuật vì tỉ lệ thành công chỉ khoảng 20%, ekip BS vẫn làm mọi cách để cứu người phụ nữ.
BS Nguyễn Văn Tiến, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM tâm sự trong "tự truyện" trên trang cá nhân của mình, rằng hai tuần qua ông đã bước vào trận chiến để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời phẫu thuật viên của mình.
Khoa Ngoại 1, BV Ung Bướu TP.HCM.
Người phụ nữ tâm thần 30 năm bị ung thư nguy kịch
Bệnh nhân tên X. (66 tuổi) bị bệnh tâm thần từ 30 năm nay. Gần đây, người nhà phát hiện bụng cô to dần.
Bệnh nhân đột nhiên thấy yếu 2 chân, đi lại không được và luôn than đau bụng.
1 ngày trước khi nhập viện, người phụ nữ không đi tiểu được nên người nhà đưa vào một bệnh viện ở quận 7 (TP.HCM). Tại đây, dù được hội chẩn từ nhiều BV lớn, hầu như các BS đều đánh giá trường hợp này khó có thể phẫu thuật.
BS Nguyễn Văn Tiến tư vấn cho bệnh nhân trước khi thực hiện phẫu thuật.
Khi hội chẩn với BV Ung bướu TP.HCM, trước tình cảnh bệnh nhân đã cùng đường, các BS đồng ý tiếp nhận bệnh nhân về điều trị, dù biết mọi thứ rất cam go.
Sau khi làm tất cả xét nghiệm, các BS chẩn đoán bệnh là bướu vùng chậu theo dõi ung thư buồng trứng nhưng không loại trừ bướu sau phúc mạc.
Nhiều BV từ chối tiếp nhận và cả người nhà của bệnh nhân cũng không dám tin vào phép màu, thế nhưng ekip BS khoa Ngoại 1, BV Ung Bướu vẫn quyết định sẽ phẫu thuật.
"Khối bướu xâm lấn xương cùng cụt và vách chậu chèn ép niệu quản 2 bên gây thận ứ nước độ 3, chèn ép thần kinh bịt gây yếu liệt chân khiến bệnh nhân không đi lại được. Quá trình hội chẩn, nhiều anh em e ngại vì bệnh nhân quá yếu lại mang bướu dính phức tạp…
Tuy nhiên, chúng tôi không thể đứng yên để người bệnh nhân cam chịu. Bệnh nhân dù tâm thần bất định nhưng lại có khuôn mặt đau đớn vì căn bệnh, bí tiểu, mệt mỏi vì bướu chèn ép, nằm liệt trên giường. Cô nhìn chúng tôi với khuôn mặt như van xin cứu mạng" - BS Tiến tâm sự và nhận định nếu không thực hiện phẫu thuật, có lẽ bệnh nhân "không qua nổi con trăng này".
Hai tuần vượt "quỷ môn quan"
Với kinh nghiệm 25 năm phẫu thuật ung thư phụ khoa và trên hết là tinh thần quyết níu giữ hi vọng mong manh cứu sống bệnh nhân, ekip BS khoa Ngoại 1 quyết định phải tiến hành mổ cho bệnh nhân.
"Chúng tôi đã trực tiếp gặp và bàn bạc thật kĩ với người nhà để chuẩn bị tinh thần cho cuộc mổ. Tỉ lệ thành công chỉ khoảng 20-30% mà thôi.
Người nhà chấp nhận phẫu thuật vì cứu được quá tốt, còn nếu không may gia đình cũng coi như giúp người thân của mình thoát "nợ trần" vì bệnh nhân tâm thần không chồng con và cha mẹ đã già, anh chị em lại bận bịu gia đình riêng, thiếu người chăm sóc" - BS Tiến kể tiếp.
Một ca phẫu thuật ung thư phụ khoa tại BV Ung Bướu TP.HCM.
Và cuộc mổ cũng đã diễn ra. 4 giờ căng thẳng, kíp mổ lấy toàn bộ khối bướu nặng khoảng 4kg chèn ép xương cùng cụt, vách chậu thần kinh bịt và niệu quản dãn to như ngón cái.
Vì khối bướu là dạng sarcom nên mô rất bở, tăng sinh mạch máu rất nhiều nên quá trình phẫu thuật nhiều lần mạch và huyết áp bệnh nhân không đo được, mất gần 3 lít máu.
Ca mổ kết thúc, toàn bộ kíp mổ đổ quỵ, phòng mổ như một bãi chiến trường thực sự với hàng trăm miếng gạc to nhỏ và nhiều vật dụng được mang ra dùng.
Bệnh nhân sau phẫu thuật nằm điều trị tại khoa Ngoại 1.
"Dường như trước sự ngoan cường của kíp mổ, tử thần đã trả bệnh nhân về từ cửa quỷ môn quan. Bệnh nhân được cứu sống sau 2 lần mổ trong vòng 3 ngày, lưu phòng hồi sức tích cực 1 tuần và truyền tổng cộng gần 4 lít máu" - BS nói.
Thời gian hậu phẫu, có tới 2 lần người nhà ký hồ sơ xin đem bệnh nhân về vì không tin bệnh nhân sẽ hồi phục, tuy nhiên các BS vẫn thuyết phục tiếp tục điều trị.
Nhờ sự kiên trì không chùn bước của ekip BS, bệnh nhân đã được cứu.
Phần vì bệnh nhân bị tâm thần không hợp tác, 2 tuần chăm sóc hậu phẫu diễn ra đầy vất vả. Cuối cùng, bệnh nhân đã bình phục, 2 chân cử động được và hiện đã về nhà chờ hồi phục để lên kế hoạch điều trị tiếp theo.
"Mới đây, người nhà bệnh nhân X. đã đến tặng quà cho tập thể khoa như gởi lời cảm ơn chân thành. Chúng tôi vui vì chút cố gắng đã được ghi nhận.
Nhưng niềm vui lớn nhất là mình đã chiến thắng bản thân, chiến thắng sự tự ti, nhút nhát, sợ trách nhiệm mà buông xuôi. Chúng tôi luôn dốc lòng tiến về phía trước vì người bệnh" - BS Tiến đại diện kip mổ khẳng định.