Ngày “rớt dâu” là thời điểm vàng để kiểm tra 4 dấu hiệu của tình trạng tử cung lạnh
Tử cung lạnh là một tình trạng phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại được ít chị em quan tâm.
Vô sinh, hiếm muộn là nỗi lo lắng của nhiều chị em phụ nữ và một trong những nguyên nhân gây tình trạng này là do tử cung lạnh. Tên gọi tử cung lạnh xuất phát từ Y học cổ truyền.
Hiểu theo cách đơn giản, nó chỉ tình trạng năng lượng dương không thể làm ấm cơ thể, nhất là tử cung. Điều này khiến mạch máu tử cung co thắt lại, khiến tử cung thiếu máu nuôi, niêm mạc tử cung thiếu độ ẩm, lớp lót tử cung không đáp ứng thích hợp với hormone progesterone. Từ đó những hoạt động ở tử cung khó có thể diễn ra thuận lợi, gây khó rụng trứng và thụ thai thành công. Dần dần diễn tiến đến hiếm muộn, thậm chí là vô sinh ở nữ giới.
Trên thực tế, tình trạng tử cung lạnh vô cùng phổ biến nhưng lại bị nhiều chị em xem nhẹ, bỏ qua. Trong khi đó, phát hiện sớm là chìa khóa quan trọng nhất để cải thiện nó. Muốn biết mình có bị tử cung lạnh hay không, những ngày “đèn đỏ” kiểm tra xem có 4 bất thường sau không là rõ:
1. Đau bụng kinh nhiều và thấy đỡ hơn khi làm ấm bụng
Đau bụng kinh ở phụ nữ có thể do rất nhiều vấn đề từ sức khỏe tới thói quen ăn uống, tâm trạng… Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 kỳ kinh chứng tỏ bạn đã mắc bệnh nặng về phụ khoa, thường liên quan tới tử cung hoặc buồng trứng. Tử cung lạnh cũng là một tình trạng bệnh lý phổ biến trong số đó.
Khi tử cung lạnh, các mạch máu bị co thắt sẽ dẫn tới lưu thông máu kém, ứ đọng “máu xấu” hoặc các cục máu đông. Như vậy sẽ khó tránh khỏi cảm giác trướng bụng, nặng nề và đau bụng mỗi khi kỳ kinh nguyệt tới. Ngoài ra, chỉ riêng việc tử cung bị lạnh, cảm giác co thắt mạnh hơn so với người bình thường cũng đủ khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.
Tuy nhiên, cơn đau bụng kinh do tử cung lạnh có một điểm hoàn toàn khác là thuyên giảm rõ rệt khi được làm ấm. Ví dụ như tăng nhiệt độ môi trường xung quanh, đắp chăn ấm, chườm ấm, uống nước ấm… Bởi vì lúc này nhiệt độ cơ thể, nhất là vùng bụng và tử cung tăng, máu lưu thông tốt hơn, giảm co thắt.
2. Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện đến khi bắt đầu ngày đầu của chu kỳ tiếp theo thường là 25 - 32 ngày, hành kinh dài 3 - 5 ngày là bình thường. Nhưng điều này rất khó xảy ra ở những chị em bị chứng tử cung lạnh.
Rối loạn kinh nguyệt ở người có tử cung lạnh cũng có nhiều khác biệt so với bệnh lý khác. Đầu tiên, thời gian diễn ra nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt sẽ thường ngắn hơn bình thường. Tiếp theo, thường bị kinh nguyệt sớm hoặc ra máu bất thường trước khi có kinh nguyệt vài ngày. Lượng máu này nhỏ và chỉ xuất hiện khoảng 1 - 2 ngày là tối đa, sau đó biến mất trong khoảng thời gian ngắn 1 đến vài ngày rồi kỳ hành kinh thật sự mới diễn ra.
Cũng không ít chị em mắc chứng tử cung lạnh sẽ gặp tình trạng chậm kinh, thậm chí 2 - 3 tháng mới có kinh nguyệt một lần hoặc vô kinh bất thường.
3. Bất thường về máu kinh
Tự kiểm tra đặc điểm của máu kinh cũng là cách chị em tự đánh giá sức khỏe tử cung của mình, cũng rất dễ để phát hiện triệu chứng tử cung lạnh. Trong đó, quan trọng nhất là màu sắc, tính chất và lượng máu.
Máu hành kinh thường có màu đỏ sậm, lượng máu mất khoảng 80ml - 90ml. Tính chất máu không đông nhưng có thể ở mức loãng như nước hoặc đặc hơn 1 chút. Đó là do bao gồm máu và các mảnh vụn của niêm mạc tử cung, chất nhầy cổ tử cung.
Người bị tử cung lạnh thường có xu hướng bị giảm lượng máu kinh (dưới 40ml thì nên đi khám sớm), thậm chí vô kinh. Còn nếu bạn thấy máu kinh có màu đen, nâu đen bất thường thì đây là triệu chứng điển hình nhất của tình trạng tử cung lạnh. Một đặc điểm khác của tử cung lạnh dễ nhìn thấy trong máu kinh là máu sẽ lẫn các cục máu đông. Lý do là tử cung lạnh gây co thắt mạch máu và ứ đọng máu, nhiệt độ giảm, độ ẩm tử cung kém làm máu dễ đông lại, biến đổi màu sắc.
4. Tay chân lạnh và thay đổi ở hệ tiêu hóa, tiết niệu
Khi bị tử cung lạnh, tức là cả cơ thể cũng sẽ trở nên thiếu khí dương và thân nhiệt giảm. Nhiều chuyên gia sức khỏe mô tả đó là những triệu chứng tương tự suy giáp, phổ biến nhất như trở nên rất sợ bị lạnh, tay chân trở nên lạnh bất thường mỗi kỳ kinh nguyệt. Điều khác biệt là cảm giác này rõ ràng ngay cả vào mùa hè, rất khó làm ấm và tự động biến mất sau kỳ kinh.
Chị em cũng nên cảnh giác nếu cứ đến ngày “đèn đỏ” là thấy hệ tiêu hóa của mình gặp vấn đề. Không chỉ ăn uống mất ngon mà còn bị đau bụng, tiêu chảy… một cách khó hiểu, không hề liên quan tới thực phẩm hàng ngày. Lý do là tử cung lạnh gây co thắt mạch máu, làm hormone prostaglandin.
Hormone này ngoài gây co thắt tử cung để rụng lớp niêm mạc còn gây ra các cơn co thắt trong ruột nên dẫn tới rối loạn tiêu hóa. Tử cung lạnh cũng làm hệ miễn dịch yếu hơn nên trao đổi chất kém, đường ruột yếu đi. Tương tự, tử cung lạnh còn làm chị em tăng tần suất tiểu đêm. Một phần là do hormone prostaglandin cũng có thể làm tăng bài tiết chất điện giải. Co thắt mạch máu tử cung gây sức ép lên hệ tiết niệu, đặc biệt là ban đêm khi nhiệt độ giảm.
Nguồn và ảnh: Sohu, Women’s Health, QQ