Ngày cuối năm, các chị, các mẹ vẫn miệt mài giữa "rừng nhang" vàng đỏ rực rỡ chờ Tết

Mộc Cát ,
Chia sẻ

Ngày cuối năm, người dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đang hối hả, tất bật cho vụ nhang nhộn nhịp nhất của năm.

Không tập trung đông đảo như làng se nhang truyền thống Lê Minh Xuân, chỉ đến dịp đón năm mới, khi nhu cầu lễ lộc cúng bái tăng cao, người ta mới thấy một màu vàng óng những thanh nhang được phơi dọc khắp hang cùng ngõ hẻm tại xã Bình Lợi (Bình Chánh, TP.HCM). Chúng, như những nhuỵ hoa mai nở rộ, khiến bất kỳ một ai có vô tình lướt ngang cũng ngỡ ngàng tưởng như mùa xuân vừa góp mặt.

làng làm nhan
Xã Bình Lợi thuộc vùng ngoại thành Sài Gòn, xung quanh lại chi chít kênh rạch, nên khi đến nơi đây, không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ lom khom bê mớ nhang vừa se hãy còn ẩm ướt ra dọc các mé sông phơi nắng.

làng làm nhang
Những que nhang nhỏ được rải đều theo từng hàng ngay ngắn, chiếc này nối đuôi chiếc khác như những toa tàu vàng choé, dưới ánh nắng nhẹ nhàng của tiết trời vào xuân trông thật dễ chịu.

làng làm nhang
Để phơi chúng, người ta chọn những thân tre nhỏ nhắn nhưng chắc khoẻ, róc đôi từng thanh mỏng, rồi đóng thành một giàn phơi dài. Phía trên cọc thủ sẵn những tấm bạt lớn, phòng khi trời mưa có chỗ che nhang. Giàn phơi nhìn bề ngoài tuy cũ kỹ nhưng cực kỳ tiện lợi, là chỗ sưởi nắng tuyệt vời cho lũ gà vịt chạy rong. Khi tạm ngưng hoặc không làm nhang nữa, người ta cũng có thể tận dụng nơi đây để trồng bầu bí.

làng làm nhang
Dù đang khẩn trương cho thiên nhang phải giao gấp, nhưng khi thấy có khách lạ đến, chị Mỹ Linh vẫn nở nụ cười rất tươi, hào hứng chia sẻ công việc hằng ngày của mình.

làng làm nhang
Chị bảo, lúc trước chỉ toàn làm ruộng, rồi làm công nhân, cuộc sống tương đối bấp bênh. Thấy người ta làm nhang ổn định, chị bắt chước làm thử, rồi từ khi nào thấy yêu, gắn bó luôn với nó. Trong đôi mắt chị lúc cầm những que nhang ánh lên niềm tự hào mãnh liệt, bởi thứ vật thiêng liêng ấy giúp vợ chồng chị thoát ly khỏi cảnh cơ cực thuở nào.

làng làm nhang
Không còn làm thủ công như ngày xưa nữa, giờ đây bất kỳ một hộ làm nhang nào như chị Mỹ Linh cũng sắm cho mình một chiếc máy làm nhang. Chỉ cần đổ bột nhang vào phễu rồi đưa tăm nhang vào bộ cuốn tăm, trong vòng một phút đã có ngay hai trăm cây nhang tròn trịa. 

làng làm nhang
Cách nhà chị Linh một khoảng ngắn, chị Phượng đang say sưa cột những thanh nhang phơi đã khô lại thành từng bó nhỏ.

làng làm nhang
Vì đất nhà hẹp, chị tận dụng luôn mặt tiền ven đường để phơi nhang . Người đàn bà trung niên nói giọng hóm hỉnh: “Để vậy sẵn tiện giới thiệu thương hiệu nhang nhà luôn. Đỡ mất công lên truyền hình quảng cáo”.

làng làm nhang
Nói vui là vậy, chứ đa phần người dân ở đây toàn làm nhang thuê cho những doanh nghiệp kinh doanh nhang lớn ngoài lộ. Họ bàn giao nguyên liệu, rồi khoán số lượng cho người dân. Tết đến dù nhu cầu tăng cao, nhưng nhiều lắm vợ chồng chị Phượng chỉ kiếm được tầm 400 ngàn đồng/ngày. 

làng làm nhang
Bà Mười là người lớn tuổi nhất làm nhang trong làng.



làng làm nhang
Nhìn nụ cười của bà với thành quả của mình ai cũng thấy Tết đã về.

làng làm nhang
Thấy bà nội làm việc, cô cháu gái nhỏ say sưa đứng ngắm. Bà Mười nhìn cháu, bao mệt mỏi cũng dường như tan biến. Mới thấy cuộc sống ở làng nhang thật yên bình, mùi nhang thơm hoà lẫn trong mùi tình thân, lan toả ra ngào ngạt.

làng làm nhang
 Nhang sau khi làm hoàn thiện được đóng gói và phân phối khắp các cửa hàng.
Chia sẻ