Ngày càng nhiều ông bố "nghỉ thai sản" để ở nhà chăm con chia sẻ gánh nặng cùng vợ, nhưng các bà mẹ chưa chắc đã vui, vì sao thế?

Minh Nhật,
Chia sẻ

Đối với một số bà mẹ mới sinh, việc nhìn bạn đời thư giãn và tận hưởng thời gian nghỉ phép lại gây ra sự khó chịu.

Năm ngoái, Sam Rose (37 tuổi) lần đầu tiên tham gia cuộc thi siêu marathon. Cuộc đua dài 50 km khiến anh mất 7 giờ, 8 phút và 2 giây để hoàn thành.

Nhưng Sam không cần phải nghỉ làm nhiều ngày để tập luyện gian khổ. Bởi thời điểm đó, anh đang trong thời gian "nghỉ thai sản" kéo dài 12 tuần. Khi nhìn lại quãng thời gian đó, anh cảm thấy mình cần cả 2 - thời gian dành cho con trai và thời gian dành cho bản thân.

Eryn Schultz (37 tuổi), vợ của Sam, nói rằng thời gian nghỉ thai sản để chăm con của cô KHÔNG HỀ GIỐNG như kỳ "nghỉ thai sản" của chồng cô.

Ngày càng nhiều ông bố "nghỉ thai sản" để ở nhà chăm con chia sẻ gánh nặng cùng vợ, nhưng các bà mẹ chưa chắc đã vui, vì sao thế? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Eryn đã dành thời gian phục hồi thể chất sau sinh và tập trung vào việc làm mẹ. Nuôi con bằng sữa mẹ là một thử thách và cô phải mất hàng giờ để ngồi hút sữa. Eryn cho biết: "Khi tôi phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm con, tôi có cảm giác như mình đã không rời khỏi ghế trong nhiều ngày".

Ở Mỹ, các chế độ nghỉ thai sản dành cho cha mẹ đã tăng đều đặn kể từ sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là đối với những nhân viên cổ cồn trắng (lao động tri thức) tại một số công ty hàng đầu thế giới.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Quản lý Nguồn Nhân lực, vào năm 2023, 32% các ông bố cho biết họ được nghỉ sinh con có lương, tăng 5% so với năm trước.

Tuy nhiên, điều quan trọng là, trải nghiệm của họ về việc nghỉ phép chăm sóc con có thể khác biệt đáng kể so với vợ của họ khi nghỉ sinh con.

Lý do có lẽ ai cũng dễ dàng hiểu.

Các bà mẹ sau sinh sẽ nghỉ thai sản trước để cơ thể hồi phục. Nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi làm quen với việc chăm sóc con, chữa lành cảm xúc. Các ông chồng nhận nghỉ "ca thứ hai", tức vài tháng sau đó.

Lúc này, em bé đã lớn hơn và đạt được những cột mốc mới như biết lẫy, biết ngồi, bò. Nói cách khác, những người cha khi nghỉ ở nhà chăm con được "hưởng những điều dễ thương".

Điều này đôi khi khiến các mẹ cảm thấy bất công bằng.

Vô tình có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng

Margaret Quinlan, giáo sư nghiên cứu giao tiếp tại Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, người chuyên nghiên cứu cách thể hiện vai trò làm cha mẹ trên các phương tiện truyền thông, cho biết đối với các bà mẹ, việc chứng kiến bạn đời của mình thư giãn và tận hưởng kỳ nghỉ thường "báo trước" những sự bất bình đẳng sắp xảy ra.

Những người cha có thể chủ động hơn trong việc nghỉ thai sản vì nó không gắn liền với việc phục hồi thể chất. Nhiều người lựa chọn nghỉ vào bất kỳ thời điểm nào trong năm đầu đời của con. Điều này cho phép họ tính toán, xem xét việc nghỉ phép ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của họ.

Ngày càng nhiều ông bố "nghỉ thai sản" để ở nhà chăm con chia sẻ gánh nặng cùng vợ, nhưng các bà mẹ chưa chắc đã vui, vì sao thế? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

"Đàn ông có thể chọn nghỉ thai sản vào thời điểm thuận tiện cho họ hoặc khi nó mang lại lợi ích cho họ nhiều nhất. Một số người thậm chí còn dành thời gian nghỉ theo cách không ảnh hưởng đến tiền thưởng hàng năm của họ", Margaret nói thêm.

Trong nghiên cứu của mình, phần lớn là về các cặp vợ chồng dị tính chuyển giới, Quinlan nhận thấy rằng ngay cả đối với những người cha là người chăm sóc chính trong thời gian họ nghỉ phép, những bà mẹ vẫn tiếp tục phải "gánh" khó khăn, bao gồm cả việc chăm con ốm.

Sự không nhất quán trong việc nghỉ phép của cha mẹ vô tình có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và gây ra sự bất mãn hơn nữa đối với gánh nặng tinh thần của người mẹ.

Cô nói, hầu hết các ông bố đều biết thời gian phụ trách việc chăm con của họ chỉ là tạm thời mà thôi. Sau đó, người đảm đương chính vẫn là người mẹ.

Những câu chuyện có thật

Arinder Singh Punia, giám đốc một công ty công nghệ sinh học, cho biết trong thời gian "nghỉ thai sản", anh hoàn toàn chịu trách nhiệm khi con trai (mới 3 tháng tuổi) không ngủ suốt đêm.

Nhưng 2 tháng nghỉ phép ấy cũng giúp anh có thời gian để giải quyết một số việc lớn. Những việc mà anh khẳng định sẽ khó có thể hoàn thành nếu đi làm toàn thời gian.

Chúng bao gồm việc mua một căn nhà lớn hơn ở Decatur, Georgia (Mỹ) và xử lý các công việc hậu cần để chuyển cả gia đình từ nhà cũ ở Atlanta sang nhà mới.

Ngày càng nhiều ông bố "nghỉ thai sản" để ở nhà chăm con chia sẻ gánh nặng cùng vợ, nhưng các bà mẹ chưa chắc đã vui, vì sao thế? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Mặc dù Singh Punia rất bận rộn khi tham gia một nhóm nuôi dạy con cái và dành thời gian đối phó với chứng mất ngủ của con trai, nhưng kỳ "nghỉ thai sản" này vẫn không gây cảm giác căng thẳng như đối với vợ anh. Singh Punia kể: "Có những lúc cô ấy nói với tôi rằng: 'Em cần anh tăng cường hơn nữa'".

Anh nói thêm rằng điều đó có nghĩa là vợ anh phải tập trung hơn vào công việc gia đình, bao gồm cả việc nấu nướng và vô vàn thứ việc lặt vặt không kể hết.

Kelly O'Connell, 38 tuổi, người làm việc trong các hoạt động hàng không vũ trụ ở San Diego, cho biết một phần của vấn đề là việc nghỉ thai sản vẫn có vẻ như là một điều không bắt buộc và thường có sự phản đối từ những người sếp lớn tuổi chưa bao giờ nghỉ thai sản như thế.

Dù đã nghỉ thai sản khi cả 2 đứa con chào đời nhưng với đứa con đầu lòng, Kelly vẫn lo lắng vì phải xa rời công việc. Anh đã nghỉ theo kiểu tách rời, 2 tuần đầu tiên sau khi con chào đời và 2 tuần riêng biệt khác nữa vào cuối năm. "Tôi phải mất 1 tuần mới có thể tách hẳn khỏi công việc", anh nói. "Tôi căng thẳng hơn nhiều khi đảm bảo công việc được hoàn thành".

Lần thứ hai, Kelly nghỉ phép cả tháng và có lần gia đình đã thuê bảo mẫu. Nó cho phép anh có thêm thời gian để đặt đứa con 6 tháng tuổi lên một trong những chiếc xe đạp và đi dọc bờ biển. Có nhiều thời gian hơn để gắn kết.

Nhiều năm sau, anh cho biết hai vợ chồng vẫn phân chia công việc hàng ngày nhưng anh ít phải gánh vác gánh nặng tinh thần hơn.

Không có gì phải nghi ngờ, việc "nghỉ thai sản" sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả gia đình. Nó cho phép các ông bố trở nên gắn kết hơn ngay lập tức và mối quan hệ gắn bó tiếp tục trong suốt những năm tháng về sau.

Richard Petts, giáo sư xã hội học tại Đại học Ball State ở Muncie, Indiana, cho biết: "Trở thành cha là một trải nghiệm mang tính thay đổi và chúng tôi thấy bằng chứng nhất quán rằng việc 'nghỉ thai sản' khiến đàn ông hành động khác đi".

Nhưng những gì xảy ra trong thời gian nghỉ phép và cách phân chia trách nhiệm, đặc biệt với các gia đình mới đón con đầu lòng, thì ít được quan tâm hơn.

Richard cho biết, đối với những người cha tận dụng thời gian nghỉ phép để theo đuổi sở thích hoặc rèn luyện sức khỏe, điều đó cũng có thể phù hợp với quan điểm của họ về việc trở thành một "người cha hoàn chỉnh".

Ông nói, thay vì coi đó là thời gian vui vẻ hay tiêu khiển, những hoạt động truyền thống tập trung vào giải trí này đang thúc đẩy họ trở thành một người cha.

Mặt khác, các bà mẹ phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần trong thời gian nghỉ thai sản nên không có thời gian để xem xét bản thân một cách tổng thể.

Nhìn chung, việc nghỉ thai sản nhiều hay ít, có công bằng hay không còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình. Nếu cả 2 người vợ và chồng biết cách dung hòa, chia sẻ với nhau thì không ai sẽ cảm thấy tủi thân trên con đường chăm sóc con cái đầy gian nan nhưng cũng nhiều niềm vui. Gánh nặng sẽ vơi đi khi người ta biết thấu hiểu, sẽ chia và đồng lòng.

Nguồn: The Guardian

Chia sẻ