Ngành nghề danh giá bậc nhất: Học 9 năm mới đạt trình độ "sương sương" nhưng mức lương khiến nhiều người tiu nghỉu

Thanh Hương,
Chia sẻ

Đây có thể nói là 1 trong những ngành học danh giá nhưng cũng gian truân, vất vả bậc nhất.

Trở thành bác sĩ là mơ ước, khát khao của hàng nghìn người. Đây không chỉ là ngành nghề danh giá mà còn ý nghĩa bậc nhất bởi họ có thể cứu sống muôn vàn bệnh nhân, đem đến niềm vui cho cả triệu gia đình.

Vì đặc thù công việc nên tất nhiên các bác sĩ đều là những người có năng lực, trình độ học vấn cao. Điều này thể hiện ngay từ điểm thi đầu vào của các trường Y dược. Theo đó các trường Y chất lượng nhất tại Việt Nam hiện nay như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP.HCM,... có điểm chuẩn năm 2019 ở ngưỡng 21- 26,7 điểm, tùy từng ngành. Như vậy muốn khoác chiếc áo blouse trắng thì thí sinh phải có trung bình điểm các môn từ 7 trở lên. Những ngành như Y đa khoa, thí sinh phải có điểm trung bình môn thi là 9 thì mới nắm chắc suất nhập học.

Ngành nghề danh giá bậc nhất: Học 9 năm mới đạt trình độ "sương sương" nhưng mức lương khiến nhiều người tiu nghỉu - Ảnh 1.

Để trở thành 1 sinh viên Y, bạn sẽ phải học tập cực vất vả.

Được biết, sinh viên ngành Y sẽ phải trải qua một quá trình học tập cực kỳ gian truân, vất vả. Đầu tiên, sinh viên sẽ mất 6 năm học mới có thể tốt nghiệp trường Y, nhưng chừng đó chưa đủ để hành nghề mà còn phải tiếp tục học thêm một thời gian nữa. Cụ thể, quá trình học tập sẽ diễn ra như sau:

Muốn trở thành bác sĩ, bạn cần nhiều hơn 6 năm học

Trải qua 6 năm học với hàng chục kỳ thi "cân não", sinh viên Y sẽ tốt nghiệp và được gọi là bác sĩ. Tuy nhiên điều này chưa đủ để họ có thể chính thức làm việc mà phải học thêm 18 tháng tại cơ sở y tế để có chứng chỉ hành nghề.

Sau đó nếu muốn nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ, bạn có thể chọn theo 2 hướng là thực hành lâm sàng hoặc nghiên cứu để học lên. Khi theo hướng thực hành lâm sàng, bác sĩ sẽ học lên để trở thành bác sĩ chuyên khoa định hướng, bác sĩ chuyên khoa 1, 2.

+ Bác sĩ chuyên khoa 1 là gì?

Khi chọn thiên về thực hành lâm sàng, bác sĩ sẽ học thêm một chuyên khoa nào đó trong khoảng thời gian 1 năm để trở thành bác sỹ chuyên khoa định hướng (BSCKĐH). Một số chuyên khoa được nhiều người lựa chọn hiện nay như chuyên tiêu hóa, chuyên xương khớp (các bệnh điển hình như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, đau thần kinh tọa,..) chuyên hô hấp,…

Sau khi trở thành BSCKĐH, nếu học tiếp khoảng 2 năm nữa thì bác sĩ đó sẽ trở thành bác sĩ chuyên khoa 1 (BSCKI).

Ngành nghề danh giá bậc nhất: Học 9 năm mới đạt trình độ "sương sương" nhưng mức lương khiến nhiều người tiu nghỉu - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, muốn trở thành BSCKI, bạn phải tốt nghiệp đại học chính quy hoặc không chính quy. Đang công tác tại các lĩnh vực y tế ở nơi thực hàng nghề, thực hành lâm sàng từ 12 tháng trở nên (nam không trên 50 tuổi, nữ không quá 45 tuổi).

Ngoài ra có 2 hình thức đào tạo là hệ tập trung (học tập trung 2 năm liên tục) và hệ tập trung theo chứng chỉ (học từng đợt theo kế hoạch của nhà trường kéo dài trong 3 năm).

+ Bác sĩ chuyên khoa 2 là gì?

Sau khi trở thành BSCKI, nếu muốn nâng cao trình độ chuyên môn thì bác sĩ sẽ phải học thêm 2 năm, trình luận văn để trở thành bác sỹ chuyên khoa 2 (BSCKII). Các ngành đào tạo bắt buộc thực hiện: quản lý y tế, chấn thương chỉnh hình, ngoại khoa, nội khoa, sản phụ khoa, y học cổ truyền…

Đối tượng có thể theo học BSCKII bao gồm: Những người công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở lâm sàng và cơ sở y tế đã tốt nghiệp BSCKI hoặc thạc sĩ. Độ tuổi theo học với nữ là không quá 50 tuổi và nam không quá 55.

Hiện nay những người có bằng bác sĩ chuyên khoa 2 được công nhận tương đương với tiến sĩ còn đối với bác sĩ chuyên khoa 1 thì như trình độ thạc sĩ. Vì vậy mà bác sĩ chuyên khoa 2 sẽ giỏi hơn bác sĩ chuyên khoa 1.

+ Bác sĩ nội trú - Ước mơ của mọi sinh viên Y khoa

Sau khi tốt nghiệp hệ 6 năm, nếu có mong muốn được tiếp tục học tập ngay, sinh viên có thể thi vào hệ bác sĩ đào tạo nội trú tại bệnh viện. Đây là con đường ngắn nhất để sinh viên Y học tập liên tục sau khi ra trường.

Tuy nhiên để trở thành một bác sĩ nội trú không hề dễ dàng. Bởi đây là hình thức đào tạo đặc biệt chỉ có ở các trường Đại học Y. "Bác sỹ nội trú bệnh viện" là những sinh viên xuất sắc được tuyển chọn ngay sau khi kết thúc khóa học để tiếp tục được học tập, đào tạo trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu. Thời gian đào tạo bác sỹ nội trú bệnh viện là 3 năm. 

Khác với hệ đào tạo cao học là tuyển bác sĩ có ít nhất hai năm kinh nghiệm trong chuyên ngành dự thi và thí sinh có thể đăng ký dự thi trong nhiều năm (năm nay không đỗ, có thể thi lại vào năm sau). Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện chỉ có 1 kỳ thi mỗi năm cho chính các sinh viên vừa tốt nghiệp trong năm học đó. 

Do đó sinh viên Y chỉ có một cơ hội duy nhất để thi tuyển và trở thành bác sỹ nội trú. Chính vì vậy tỷ lệ cạnh tranh vô cùng khốc liệt và đòi hỏi bạn phải cực kỳ xuất sắc.

Ngành nghề danh giá bậc nhất: Học 9 năm mới đạt trình độ "sương sương" nhưng mức lương khiến nhiều người tiu nghỉu - Ảnh 4.

Đối tượng tuyển sinh "Bác sĩ nội trú" như sau:

- Các môn ôn thi nội trú phải có điểm tổng kết từ 7.0 trở lên.  

- Môn chuyên ngành phải đạt 8.0.

 - Không có môn nào thi lại.  

- Có phẩm chất đạo đức tốt.

- Người đăng ký dự thi phải có đủ sức khỏe để học tập theo quy định và hiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

- Có bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp bác sĩ hệ chính quy ngành học tương ứng với ngành đăng ký dự thi. 

- Năm tốt nghiệp chính là năm được quyền tham gia thi nội trú. 

- Trong quá trình học đại học không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên…  

Để đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất, hệ bác sĩ nội trú có những quy định riêng yêu cầu mà tất cả các học viên phải tuân thủ. Cụ thể như sau:

- Thường trú tại bệnh viện 24/24 giờ. 

- Tham gia điều trị, theo dõi bệnh nhân, thực hiện các thủ thuật, tiểu phẫu, phẫu thuật tại các khoa phòng. 

- Sẵn sàng hỗ trợ các đồng nghiệp về chuyên môn.

- Báo cáo trực, báo cáo giao ban nội trú hàng ngày. 

- Tham gia giảng lâm sàng, tiền lâm sàng cho sinh viên theo sự phân công của bộ môn. Tham gia các hoạt động của bộ môn khi được yêu cầu. 

- Hoàn thành tất cả các chứng chỉ trong khóa đào tạo. Các chứng chỉ chuyên môn phải đạt từ 7.0 trở lên. Các chứng chỉ hỗ trợ phải đạt từ 6.0 trở lên. Không được phép thi lại. 

-  Thực hiện nghiên cứu khoa học và viết luận văn tốt nghiệp. Luận văn được bảo vệ trước hội đồng khoa học. 

- Thi tốt nghiệp lâm sàng sẽ gồm 3 phần: kiến thức, kỹ năng khám bệnh và kỹ năng thủ thuật.

- Các yêu cầu riêng về ngoại ngữ mà các em cần phải hoàn thành trước khi thi tốt nghiệp.

- Một số quy định khác: bác sĩ nội trú sẽ được giám sát bởi giáo vụ sau đại học của bộ môn trong suốt thời gian học nội trú. Nhà trường có những hình thức kỷ luật đối với các nội trú không thực hiện đúng quy định của khóa học.  

Ngành nghề danh giá bậc nhất: Học 9 năm mới đạt trình độ "sương sương" nhưng mức lương khiến nhiều người tiu nghỉu - Ảnh 6.

 Như vậy để trở thành một bác sĩ có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để công tác tại các bệnh viện, bạn sẽ phải chăm chỉ học tập trong vòng 9-10 năm. Chưa kể để không ngừng nâng cao chuyên môn thì bác sĩ sẽ còn phải học thêm nhiều nữa, tham gia các hội thảo, khóa tu nghiệp,... Thế mới thấy để trở thành bác sĩ, người học phải đổ mồ hôi công sức vô cùng vất vả.  

Mức lương bác sĩ hiện nay là bao nhiêu?

Dù phải tốn nhiều công sức trên cả giảng đường và bệnh viện nhưng mức lương bác sĩ hiện nay chưa cao, nếu không muốn nói là thấp và khá thiệt thòi. Bác sĩ học 6 năm nhưng lương khởi điểm vẫn như cử nhân học ĐH 4 năm, khung trình độ tương đương cử nhân.

Đối với các bác sĩ làm việc trong bệnh viện công lập, lương được tính theo lương cơ sở nhân với hệ số. 

Theo Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, bác sĩ được phân hạng thành: bác sĩ cao cấp (hạng I), bác sĩ chính (hạng II), Bác sĩ (hạng III). Tương ứng mỗi hạng là hệ số lương khác nhau.

+ Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34. Sau 3 năm sẽ được xét tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00) ... Tối đa sẽ có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98).

+ Đối với cấp học thạc sĩ, bác sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00.

+ Nếu là bác sĩ chính, Phó Giáo sư được công nhận tương đương giảng viên chính (tương đương chuyên viên chính), sẽ được hưởng lương bậc 1 là 4,40 và cứ 3 năm tăng một bậc thêm hệ số 0,34 cho tới tối đa là bậc 8 (hệ số 6,78).

+ Nếu là bác sĩ cao cấp, giảng viên cao cấp, Giáo sư được công nhận tương đương giảng viên cao cấp (tương đương chuyên viên cao cấp) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 6,20 và cứ 3 năm tăng thêm một bậc là 0,36 cho tới tối đa là bậc 6 (hệ số là 8,00).

Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về mức lương của bác sĩ thuộc nhóm ngạch viên chức loại A3 nhóm 1 (A3.1), mức lương của bác sĩ thuộc nhóm ngạch viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), mức lương của bác sĩ nhóm ngạch viên chức loại A1. Từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/ tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Mức lương cụ thể như sau:

1. Bác sĩ cao cấp

Bậc 1: 9.920.000 đồng.

Bậc 2: 10.496.000 đồng.

Bậc 3: 11.072.000 đồng.

Bậc 4: 11.648.000 đồng.

Bậc 5: 12.224.000 đồng.

Bậc 6: 12.800.000 đồng.

2. Bác sĩ chính

Bậc 1: 7.040.000 đồng.

Bậc 2: 7.584.000 đồng.

Bậc 3: 8.128.000 đồng.

Bậc 4: 8.672.000 đồng.

Bậc 5: 9.216.000 đồng.

Bậc 6: 9.760.000 đồng.

Bậc 7: 10.304.000 đồng.

Bậc 8: 10.848.000 đồng.

3. Bác sĩ

Bậc 1: 3.744.000 đồng.

Bậc 2: 4.272.000 đồng.

Bậc 3: 4.800.000 đồng.

Bậc 4: 5.328.000 đồng.

Bậc 5: 5.856.000 đồng.

Bậc 6: 6.384.000 đồng.

Bậc 7: 6.912.000 đồng.

Bậc 8: 7.440.000 đồng.

Bậc 9: 7.968.000 đồng.

Chia sẻ