Ngàn mặt trời rực rỡ - "chuyện chồng chung" và khát vọng người phụ nữ

Thùy Linh,
Chia sẻ

“Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này”…

Ngàn mặt trời rực rỡ

Tác giả: Khaled Hosseini

Dịch giả: Nguyễn Thị Phương Thảo

NXB. Văn học


Tôi vẫn thường nghe câu chuyện - chuyện kể về một Afghanistan đắm chìm trong thù hận, trong chiến tranh và đói khát. Tôi vẫn thường thấy chia ly, máu rơi, tang tóc và nỗi khổ đau thức giấc trong cơn ác mộng của bao người. Trong tôi, Afghanistan chỉ thấm đầy hoang tàn và nước mắt…

Rồi một hôm tôi gặp “Ngàn mặt trời rực rỡ” - cuốn tiểu thuyết đã khiến tôi bần thần, thinh lặng. Thì ra đằng sau bức tường đổ nát của chiến tranh, đằng sau những hủ tục bám vào tận sâu gốc rễ, vẫn tồn tại những điều tưởng chừng hơn một phép nhiệm màu. Khi một người phụ nữ ra đi thì cũng là lúc họ trở về với khát vọng của chính mình. Để rồi từ đó tôi nhận ra, và chạm đến - tận sâu một Afghanistan đau thương mà đẹp đẽ đến vô ngần...

(Ảnh minh họa)

Câu chuyện ấy kể về số phận của Mariam và Laila - hai người phụ nữ với tuổi thơ hoàn toàn trái ngược. Mariam là đứa con hoang không được thừa nhận của một người hầu gái, Laila lại là một tiểu thư cành vàng lá ngọc của giới thượng lưu. Tưởng chừng như họ chẳng thể nào bước đi chung trên một con đường. Ấy vậy mà số phận nghiệt ngã vẫn cứ an bài một sự sắp đặt trớ trêu - họ lấy chung một tấm chồng, chung một khát khao và chung cả nỗi khổ đau thầm kín.

Đôi lần tôi thầm hỏi: “Cái gì đã mang những con người cách biệt tầng lớp ấy về sống chung trong một mái nhà, để rồi phải gánh chịu những trận đòn roi khốc liệt?”. Và cũng chính tôi tự tìm thấy câu trả lời: Dù thế nào đi nữa, họ cũng chỉ là những người đàn bà - khuất sau những tấm mạng che tượng trưng cho đoan trang và đức hạnh ấy là những nét u sầu đầy uẩn ức. Những người đàn bà sinh ra trong một dân tộc với những luật lệ vốn hà khắc nặng nề bao đời ăn sâu vào cội rễ. Trong thế giới ấy, họ - mãi mãi cũng chỉ là đàn bà...

(Ảnh minh họa)

Hai người đàn bà với mảnh đời bất hạnh khác nhau. Một đứa con hoang phải lấy chồng năm 15 tuổi - chưa một lần thương, chưa một lần nhớ và cũng chưa một lần hò hẹn. Một người con gái hoài thai trong mình giọt máu với người yêu, nhưng anh lại bỏ cô mà về với cát bụi. Chỉ vì chiến tranh mà thoáng chốc cô trở thành bơ vơ không nơi nương tựa.

Rasheed - người đàn ông ấy đã tàn nhẫn vùi dập họ, khi mà Laila phó mặc cuộc đời cô cho hắn để mong giữ lại đứa con của người tình, còn Mariam lại bị đánh đập khổ sở vì không thể sinh cho hắn một đứa con. Mối quan hệ trong tam giác của cái gọi là gia đình ấy ban đầu như một tảng băng, lạnh lẽo đến rợn người...

Với tài dẫn dắt câu chuyện nhẹ nhàng và cảm động của Khaled Hosseini, tôi đọc được trong mắt Mariam nỗi mặc cảm khi sinh ra giữa cuộc đời vô thừa nhận. Tôi thương cho người con gái về làm vợ một kẻ xa lạ, hung hăng và tàn bạo. Tôi đau khi chứng kiến những dằn vặt nội tâm trong người đàn bà - âm thầm, mãnh liệt mà da diết đau thương. Nếu viên đạn ấy có thể kết thúc khổ đau và đưa cô đến thiên đường, thì tôi hy vọng cô không còn phải bơ vơ thêm một lần nào nữa.

Trong Ngàn mặt trời rực rỡ, phụ nữ chỉ là kiếp sống nhỏ bé giữa mảnh đất khô cằn

Có lẽ Laila là mặt trời bé nhỏ trong cuộc đời Mariam, người đàn bà mỏng manh thân phận tầm gửi đã gieo vào hố sâu cô độc của Mariam chút ánh sáng của tình thương. Phải, chỉ có tình thương mới đem những mảnh đời bơ vơ sát lại gần nhau, chỉ có cái tình cảm thiêng liêng ấy mới có đủ khả năng hóa giải nỗi đau và mang con người đến nơi họ cần tồn tại. Khát vọng mãnh liệt trỗi dậy nơi hai con người nhỏ nhoi cô lẻ. Họ nhận ra mình cần phải tiếp tục sống, phải tiếp tục yêu thương và đừng thôi hy vọng...

Trải dài suốt thiên truyện, ngòi bút của Khaled Hosseini đã dắt ta đến với mảnh đất Afghanistan khô cằn bởi chiến tranh và đói khát. Trên cái nền hiện thực đầy biến động ấy là cuộc hành trình đi về hướng mặt trời của những kiếp người bé nhỏ. Số phận người phụ nữ trải dài trong từng trang sách với biết bao dằn vặt, biết bao nước mắt, biết bao lần gượng dậy sau những cơn hành hạ bạo tàn. Những mâu thuẫn, giằng xé nội tâm được nhà văn đẩy lên đỉnh điểm và buộc con người phải tự giải thoát khỏi khổ đau. Cho nên, cái kết ấy dù khiến ta xót xa nhưng dẫu sao đó cũng chính sự khởi đầu - khởi đầu ngay từ nơi mà nó kết thúc.


Có lẽ bạn và tôi, mỗi người chúng ta đều có những cách nhìn khác nhau về hạnh phúc. Hạnh phúc vốn vô hình và thường trực, người ta chỉ tìm thấy hạnh phúc khi đánh mất nó, hoặc đến khi nằm lại đất sâu với niềm thanh thản của riêng mình... Bi kịch của hai người phụ nữ ấy không chỉ gói gọn trong cá nhân riêng lẻ mà họ là đại diện cho cả một xã hội đầy đau thương và biến động. Khi "tấm mạng" cuộc đời được vén lên thì cũng là lúc ta soi vào đấy hàng trăm, hàng nghìn mảnh đời cùng chung số phận. Câu chuyện lay động lòng người bởi tình yêu mà nhà văn dồn nén trong từng câu chữ. Những câu chữ khắc nghiệt miêu tả “bằng chết chóc, mất mát, đau thương không thể tưởng tượng nổi...” nhưng vẫn ánh lên hào quang của niềm cảm thông hy vọng - rực rỡ và rạng ngời như chưa bao giờ đẹp đến thế! 


“Tình yêu có thể không phải là thứ đầu tiên được nghĩ tới khi nhắc đến mảnh đất Afghanistan bị chiến tranh tàn phá. Thế nhưng đó chính là thứ tình cảm đã lan tỏa trên các trang sách, ẩn sâu, mạnh mẽ, tuyệt đẹp và vô cùng bền bỉ”. Tôi đã đắm chìm trong thế giới của “Ngàn mặt trời rực rỡ”, chạm đến từng ngõ ngách yếu mềm của tâm hồn để nhận ra rằng: “Có nơi đâu trên trái đất này... Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay”!
Chia sẻ